Kết nối trong không gian của kinh tế chia sẻ

Việc đổi mới quản trị theo hướng “chia sẻ” một phần quản lý về cho doanh nghiệp còn hướng đến một mục tiêu lớn hơn theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo là: Quản lý không chỉ là kiểm soát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang mới, những không gian kết nối mới, thúc đẩy sự phát triển.
khảo sát đánh giá kết quả cải tiến của hai doanh nghiệp thuộc Dự án hợp tác giữa Bộ Công thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh
Khảo sát đánh giá kết quả cải tiến của hai doanh nghiệp thuộc Dự án hợp tác giữa Bộ Công thương, Samsung Việt Nam và UBND tỉnh Bắc Ninh

Cơ hội cho mọi người

Hai năm gần đây được coi là những năm khởi đầu cho sự bùng nổ mô hình Kinh tế chia sẻ, và làn sóng này lập tức bắt rễ vào nước ta.

Ở mức độ vi mô, kinh tế chia sẻ cho phép các cá nhân hoặc các nhóm người cho nhau mượn đồ nhằm tăng hiệu suất sử dụng của tài sản. Chủ nhà xưởng có thể cho thuê lại khi họ không sử dụng hết diện tích, hay chủ một máy xúc có thể cho thuê khi họ chưa có được đơn hàng… Đứng giữa là các công ty công nghệ bán phần mềm hoặc dựng trang website làm trung gian thu phí dịch vụ, như dobody.com.vn; commenau.com; anvui.vn; ahamove.com…

Lớn hơn, là làn sóng thuê/nhận một phần trong chuỗi sản phẩm, vốn đã xuất hiện từ trước, nhưng chỉ thực sự nở rộ thời gian gần đây. Tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp cấp 1 của Samsung tại Việt Nam đang là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp 1 vào năm 2014. Tổng số nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng Samsung đã đạt 257 doanh nghiệp.

Từ năm 2015 cho đến nay, Samsung liên tục phối hợp cùng Bộ Công Thương để cải thiện năng lực cạnh tranh trong sản xuất cũng như chất lượng thông qua việc cử các chuyên gia có kinh nghiệp hàng chục năm đến Việt Nam hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp nước. Samsung cũng thúc đẩy mở rộng sự tham gia của các nhà cung ứng trong nước vào chuỗi cung ứng của mình.

Công ty Trường Hải (Thaco) dồn dập nhận chuyển giao công nghệ và phân phối từ Mazda, Daimler… Các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU cũng tổ chức hội thảo, giao lưu trực tuyến, mở diễn đàn… không ngoài mục đích chia sẻ phần việc với doanh nghiệp Việt.

Lớn hơn cả, ở cấp độ quy mô nền kinh tế là sự chia sẻ về thị trường giữa các quốc gia, như từ 1/1/2018 thuế nhập khẩu các dòng xe từ khối ASEAN về Việt Nam giảm về 0%; hoặc 0% với các nhóm hàng chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm điện tử... nhập khẩu từ Nhật Bản. Đổi lại, ta cũng được chia sẻ thị trường (giảm thuế) từ hàng chục đối tác thông qua 10 hiệp định thương mại song phương và đa phương đã và bắt đầu có hiệu lực.

Đúng là thời của kinh tế chia sẻ. Mô hình này mang đến cơ hội kiếm tiền cho hầu hết mọi người, nhưng nó cũng tạo ra, ít nhất 2 sức ép. Một là những cá nhân, doanh nghiệp luôn phải xoay sở, nhìn trước nhìn sau xem mình có bỏ sót cơ hội nào không. Hai là với các nhà quản lý, phải điều chỉnh để vừa thúc đẩy các cơ hội sinh sôi nảy nở giữa các công dân, doanh nghiệp, vừa phải đổi mới cách quản trị để có thể theo kịp và tiếp sức cho cách thức vận hành của mô hình kinh tế mới này.

Đổi mới quản trị

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 8 năm 2023 tiếp tục có những tín hiệu tích cực, tăng trưởng so với tháng 7, tuy nhiên chưa có sự gia tăng đột biến do sự phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, lần đầu trong 6 tháng gần đây, chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam, trong tháng 8/2023 đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm (so với mức so với mức 48,7 điểm của tháng 7) cho thấy các điều kiện kinh doanh trong ngành sản xuất đã cải thiện, sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, hoạt động xuất khẩu và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại... Do vậy, sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn tháng trước, IIP ước tính tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận mức tăng 4 tháng liên tiếp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 3,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2%.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tiếp tục có những tín hiệu tích cực khi tăng 7,7% so với tháng trước, ước đạt 32,37 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong một năm trở lại đây và đánh dấu tháng tăng trưởng thứ tư liên tiếp. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,43 tỷ USD, tăng 8,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,94 tỷ USD, tăng 7,3%.

Sự tăng trưởng xuất khẩu và công nghiệp đến từ nhiều phía, nhưng có một phần đóng góp quan trọng của sự đổi mới quản trị đón đầu xu hướng kinh tế chia sẻ. Nói một cách hình ảnh, Bộ Công Thương và nhiều bộ ngành khác đã “chia sẻ” một phần quản lý về cho doanh nghiệp.

Trước đây, cơ quan quản lý nắm cả đầu vào (cấp phép) và đầu ra (kiểm tra). Thì nay, một phần của đầu vào trả lại cho doanh nghiệp (tự công bố, thông báo), chỉ giữ phần đầu ra (thường gọi là hậu kiểm). Trước đây Bộ Công Thương ban hành Thông tư 36 cho phép doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu, và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Tiếp đó là hàng loạt các quy định: Đưa toàn bộ các mặt hàng thép (trừ thép làm cốt bê tông) chuyển sang hậu kiểm; xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan, tức là loại bỏ 58,3% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu.

Đồng thời áp dụng phương thức quản lý rủi ro để giảm tần suất kiểm tra thực phẩm nhập khẩu. Các lô hàng cùng loại, cùng xuất xứ, nếu đạt yêu cầu về ATTP qua 5 lần kiểm tra liên tiếp sẽ chỉ kiểm tra hồ sơ, không lấy mẫu sản phẩm.

Tính đến nay, các đơn vị kiểm tra nhà nước trong lĩnh vực thực phẩm nhập khẩu do Bộ Công Thương chỉ định đã áp dụng quy trình kiểm tra giảm cho hàng nghìn lô hàng đủ điều kiện, giúp thời gian thông quan giảm từ 12 ngày làm việc xuống còn 2 ngày làm việc. Những lô hàng đủ điều kiện “kiểm tra hồ sơ” chỉ mất 2 giờ là hoàn thành thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

Đối với thép, đã áp dụng quy trình kiểm tra đối với các doanh nghiệp chấp hành tốt quản lý chất lượng, giảm thời gian thông quan từ 3 đến 4 ngày; giảm khoảng 2 triệu đồng chi phí thử nghiệm cho mỗi lô hàng.

Cũng với tinh thần trên, Bộ đã xóa bỏ độc quyền, tiến hành xã hội hóa công tác kiểm tra: Có 2 tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm công việc kiểm tra nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp; 11 đơn vị kiểm tra nhà nước về ATTP nhập khẩu. Ngay cả với thủ tục dán nhãn tiết kiệm năng lượng, Bộ cũng đã cho phép các tổ chức thử nghiệm trong nước và nước ngoài, nếu đáp ứng các điều kiện luật định, đều được tham gia kiểm tra, đánh giá.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2992/QĐ-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch rà soát đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương năm 2022. Đến nay, đã hoàn thành rà soát 19 TTHC tại Kế hoạch được giao, đề xuất đơn giản hóa 01 TTHC trong lĩnh vực Quản lý cạnh tranh và bãi bỏ 4 TTHC trong lĩnh vực cấp thẻ Kiểm tra viên điện lực. Tính đến nay Bộ Công Thương đang có 450 TTHC (303 TTHC thực hiện ở cấp Trung ương, 130 TTHC thực hiện ở cấp tỉnh; 15 TTHC thực hiện ở cấp Huyện; 02 TTHC cấp xã), tất cả các TTHC đã được cập nhật, công khai đầy đủ trên Cổng dịch vụ công quốc gia về TTHC.

Đối với ddịch vụ công trực tuyến, tất cả 302 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 2 trở lên. Hiện nay, Cổng Dịch vụ công (Cổng DVC) Bộ Công Thương đang cung cấp 236 DVCTT mức độ 3, 4 tại địa chỉ https://dichvucong.moit.gov.vn (8 DVCTT mức độ 3, 228 DVCTT mức độ 4) với gần 44.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong năm 2022 là 1,7 triệu hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Đối với Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa Asean, Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm DVCTT với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong năm 2022 là 265 nghìn hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine. Trong năm 2022, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 233 nghìn hồ sơ. Từ ngày 01/12/2021, Bộ Công Thương triển khai việc in thẳng C/O mẫu D điện tử thành file PDF có mã phản hồi nhanh QRCode trên hệ thống eCoSys. C/O mẫu D là mẫu C/O đầu tiên trong 10 mẫu C/O sẽ được triển khai điện tử trong giai đoạn này.

Việc đổi mới quản trị theo hướng “chia sẻ” một phần quản lý về cho doanh nghiệp, vừa giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong kinh doanh; vừa tăng cơ hội chia sẻ về  việc làm, nhân công, công nghệ, thiết bị… giữa các cá nhân, doanh nghiệp; vừa hướng đến một mục tiêu lớn hơn theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo là: Quản lý không chỉ là kiểm tra, giám sát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang, những không gian kết nối, nhằm bắt kịp những xu hướng phát triển mới - nơi mọi người đều có cơ hội kiếm tiền, làm giàu như nhau.

Phương Thuý