Rủi ro gián đoạn ở Biển Đỏ, giá cước vận tải biển tăng gấp 3 lần
Hãng vận tải biển hàng đầu thế giới CMA CGM vừa cho biết sẽ tính thêm phụ phí từ 325 USD - 500 USD/container 20 ft trên các tuyến từ Bắc Âu đi châu Á và từ châu Á đi khu vực Địa Trung Hải. Đồng thời, CMA CGM cho biết thời gian vận chuyển hàng hoá giữa châu Á - châu Âu dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh hãng này phải tạm ngừng đi qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ mà phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Trước CMA CGM, loạt hãng vận tải lớn như Maersk, Hapag-Lloyd, và CH Robinson Worldwide đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ do lực lượng Houthi tại Yemen tăng cường tấn công các tàu chở hàng phương Tây trong khu vực nhằm đáp trả việc Israel tấn công Dải Gaza.
Kênh đào Suez hiện là tuyến đường thuỷ ngắn nhất kết nối châu Á - châu Âu, với khoảng 15% lượng giao thông đường thuỷ toàn cầu phải đi qua kênh đào này. Kênh đào này là một trong số bảy nút thắt (choke points) quan trọng cho việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng năng lượng, trên thế giới.
Theo số liệu của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính trong nửa đầu năm 2023, trung bình có 9,2 triệu thùng dầu/ngày được vận chuyển qua kênh đào Suez - tương đương 9% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Bên cạnh đó, khoảng 4% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được giao dịch trên toàn cầu trong năm 2022 là được vận chuyển qua tuyến đường thuỷ này.
Các vụ tấn công của lực lượng Houthi đang tạo ra rủi ro gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động vận chuyển qua kênh đào Suez, Biển Đỏ, khiến giá cước vận tải biển đối với hầu hết các loại tàu như tàu tanker, tàu container, tàu chở hàng rời,... tăng lên và gián tiếp hỗ trợ đà hồi phục của giá dầu.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong tuần trước, chỉ số Drewry WCI, chỉ số cước container cho 8 tuyến đường vận tải biển chính giữa Mỹ, Châu Âu và Châu Á, tăng 4% lên mức 1.521 USD/container 40 ft. Trong đó, giá cước trên tuyến từ Thượng Hải (Trung Quốc) tới Rotterdam (Hà Lan) tăng 7% lên mức 1.442 USD/container 40 ft; giá cước trên tuyến Thượng Hải tới Genoa (Italy), và từ Thượng Hải - New York (Mỹ) lần lượt tăng thêm 6% và 4% so với tuần đầu tháng 12/2023.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các chỉ số này chưa phản ánh toàn bộ mức tăng giá cước trên thực tế và dự báo giá dầu thô lẫn giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn, phụ thuộc vào tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ.
Theo hãng tin CNBC, các doanh nghiệp logistics đã được báo giá cước vận chuyển 1 container 40 ft từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Vương quốc Anh ở mức 10.000 USD, tăng 317% so với tuần trước.
Ông Alan Baer, giám đốc điều hành hãng logistics OL USA (Mỹ) cho biết, giá cước bị đẩy lên nhanh chóng do các hãng vận tải biển tìm cách bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu.
"Ở một số tuyến hàng, giá cước vận chuyển đã tăng từ 100 - 300%", Giám đốc điều hành OL USA cho biết.
Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi?
Theo dữ liệu của Kuehne + Nagel, tính đến sáng 21/12, có tổng cộng 158 tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Các con tàu này vận chuyển tổng cộng 2,1 triệu container hàng hóa, với tổng giá trị 105 tỷ USD, theo ước tính của MDS Transmodal. Điều này kéo theo rủi ro tắc nghẽn dây chuyền cho toàn bộ chuỗi cung ứng do container trên các tàu hàng vốn được đã sắp xếp theo lộ trình ban đầu; đồng thời, hoạt động khai thác tàu cũng đã được lên lịch sẵn.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, mặc dù Mỹ đã lập liên minh 10 nước và cho biết sẽ cử tàu chiến đến khu vực Biển Đỏ để ứng phó các vụ tập kích của Houthi, rủi ro gián đoạn vận chuyển trên kênh đào Suez khó có thể sớm được giải quyết triệt để khi các rủi ro địa chính trị tại Trung Đông vẫn còn. Do đó, giá cước vận tải biển và giá dầu thô nhiều khả năng sẽ neo cao trong thời gian tới.
Hãng Chứng khoán Agribank (Agriseco) nhận định, những diễn biến trên sẽ đem tới nhiều cơ hội đầu tư trong ngắn hạn đối với các nhóm ngành như dầu khí, vận tải biển với các mã cổ phiếu nổi bật như cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An; cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí; cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam; và cổ phiếu PVD của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Đồng quan điểm như trên, hãng Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí sẽ được hưởng lợi “kép” nhờ giá cước vận tải dầu và nhiên liệu neo cao và nhu cầu dự trữ dầu thô lên cao trước các biến động địa chính trị.