Gia tăng nguy cơ xung đột tại khu vực Biển Đỏ, rủi ro gián đoạn kênh đào Suez
Kể từ khi xung đột giữa Israel và nhóm Hamas nổ ra tại Dải Gaze từ ngày 7/10, lực lượng Houthi tại Yemen đã tuyên bố sẽ tấn công các tàu chở hàng đến và đi từ Israel tại khu vực eo biển Bab-el-Mandeb, Biển Đỏ nhằm ủng hộ nhóm Hamas. Eo biển Bab-el-Mandeb hiện nằm trên tuyến đường dẫn vào kênh đào Suez - tuyến đường giao thương ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á và chiếm đến 15% lưu lượng vận chuyển hàng hải toàn cầu.
Trong những ngày vừa qua, lực lượng Houthi đã tăng cường tấn công các tàu chở hàng của phương Tây. Lực lượng này cũng vừa tuyên bố tăng cường tập kích ở Biển Đỏ, cảnh báo mở chiến dịch trên biển ở khu vực 12 giờ một lần đối với các tàu chở hàng của phương Tây.
Chính phủ Mỹ thông báo lập liên minh 10 nước để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng qua Biển Đỏ. Mỹ và một số quốc gia trong liên minh đã thông báo sẽ điều chiến hạm tới Biển Đỏ.
Tuy nhiên, Houthi tuyên bố sẽ không dừng các vụ tập kích. Đồng thời, Iran trước đó cảnh báo lực lượng đặc nhiệm đa quốc gia Mỹ thiết lập ở Biển Đỏ sẽ phải đối mặt "những vấn đề nghiêm trọng". Theo cáo buộc từ Chính phủ Mỹ, Iran là quốc gia tài trợ chính cho lực lượng Houthi. Một số tổ chức phân tích nhận định, trong kịch bản tiêu cực nhất, Iran hoàn toàn có thể phong toả lối dẫn vào kênh đào Suez.
Các động thái này đang làm gia tăng đáng kể rủi ro xảy ra xung đột quân sự tại khu vực Biển Đỏ, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu qua kênh đào Suez, nhất là khi thị trường đang bước vào mùa cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Đồng thời, giá dầu thô Brent đã bật tăng gần 7% trong 2 tuần trở lại đây, áp sát mốc 80 USD/thùng do lo ngại gián đoạn nguồn cung năng lượng qua kênh đào Suez. Châu Âu sẽ là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi kênh đào Suez bị gián đoạn, bởi 25% lượng dầu được nhập khẩu vào châu Âu là đi qua kênh đào này.
Hiện tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới B.P đã quyết định tạm dừng tất cả các chuyến hàng qua Biển Đỏ, chấp nhận chuyển hải trình qua Mũi Hảo Vọng. Bên cạnh đó, loạt hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk cũng đã tuyên bố tạm dừng vận chuyển hàng hóa thông qua kênh đào Suez, và lựa chọn đi qua Mũi Hảo Vọng, làm phát sinh thêm chi phí và khiến thời gian vận chuyển tăng thêm gần gấp đôi.
Theo một số đánh giá gần nhất, việc đổi hải trình khiến tổng mức chi phí phát sinh thêm cho mỗi tàu ước tính từ 400.000 USD - 1.000.000 USD. Yếu tố này sẽ khiến giá cước vận tải đối với nhiều loại tàu như tàu container, tanker, tàu chở hàng rời tăng lên để bù đắp chi phí phát sinh.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Chỉ số giá cước vận tải biển tăng vọt, PV Trans hưởng lợi?
Các rủi ro gián đoạn kênh đào Suez đã khiến Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic Dry Index (BDI) có lúc đạt tới 3.346 vào đầu tháng 12/2023, tăng gấp đôi so với 1 tháng trước đó. Chỉ số giá cước vận tải container WCI cũng tăng 4,1% trong tuần trước, đạt 1.521 USD/container 40ft.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các chỉ số này chưa phản ánh toàn bộ mức tăng giá cước trên thực tế và dự báo giá dầu thô lẫn giá cước vận tải biển toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn, phụ thuộc vào tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ.
Những thông tin trên đang tạo ra tâm lý tích cực lên nhóm cổ phiếu vận tải biển, đặc biệt là vận tải dầu khí như cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans).
Hoạt động kinh doanh của PV Trans hiện đang ở mức tích cực nhờ việc giá cước thuê tàu chở dầu neo cao và tình trạng thiếu hụt nguồn cung tàu chở dầu, hoá chất.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, giá thuê tàu định hạn Aframax và giá thuê tàu chở dầu tầm trung trung bình trong 9 tháng đầu năm 2023 đang lần lượt cao hơn 13% và 55% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do phương Tây hạn chế nhập khẩu dầu/nhiên liệu từ Nga làm thay đổi toàn bộ dòng chảy năng lượng toàn cầu, khiến quãng đường vận chuyển nhiên liệu xa hơn.
Hơn nữa, các quy định mới về tiêu chuẩn khí thải sẽ khiến các tàu phải di chuyển với tốc độ thấp hơn, khiến hiệu suất sử dụng tàu giảm.
Trong khi đó, theo hãng tư vấn thị trường vận tải biển lớn nhất thế giới Clarksons, thị trường toàn cầu đang đối mặt tình trạng thiếu hụt tàu chở nhiên liệu, hoá chất khi nguồn cung tăng trưởng tương đối chậm so với nhu cầu. Yếu tố này sẽ hỗ trợ cho giá cước tiếp tục neo cao trong trung hạn, theo Clarksons.
Đồng thời, trong 3 năm qua, PV Trans đã tích cực thực hiện chiến lược “trẻ hóa” đội tàu của mình qua việc thanh lý các tàu cũ không còn khả năng khai thác và đầu tư các tàu mới với hiệu năng tốt hơn, đáp ứng các tiêu chuẩn để tham gia các tuyến vận tải quốc tế. Các tàu mới đầu tư ở thời điểm hiện tại cũng sẽ có cơ hội được ký kết hợp đồng cho thuê trên nền giá cao.
Kết thúc ngày 20/12, thị giá cổ phiếu PVT của PV Trans đạt 26.450 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 22% so với hồi đầu năm nay.