Giá cước tàu dầu neo cao, biên lợi nhuận gộp của PV Trans tăng mạnh
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, giá cước vận tải dầu thô thế giới trong giai đoạn 2023-2024 sẽ neo ở mức cao nhờ nhu cầu vận chuyển tăng cao, quãng đường vận chuyển bị kéo dài nhưng nguồn cung tàu lại hạn chế.
Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2024 Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Brazil và Mỹ - vốn được vận chuyển trên các tàu VLCC với hải trình lớn hơn so với nhập khẩu từ Trung Đông. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhu cầu vận tải dầu thô tăng nhanh hơn mức độ đáp ứng của nguồn cung trong bối cảnh số lượng tàu đóng mới ít, tốc độ di chuyển của tàu phải giảm xuống theo các quy định hàng hải mới.
Những yếu tố trên giúp củng cố triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải dầu trên toàn cầu, bao gồm Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans, mã cổ phiếu PVT - sàn HoSE).
Theo đánh giá mới đây của MBS Research, nhờ việc tái ký các hợp đồng với giá cước cao, biên lợi nhuận mảng vận tải dầu thô của PV Trans trong năm 2023 và năm 2024 dự phóng lần lượt đạt 30,3% và 29,5%, cao hơn đáng kể so với mức 17,2% của năm 2022. Trong tháng 11/2023, PV Trans đã tái ký hợp đồng vận tải dầu thô cho tàu Apollo (loại Aframax) với giá cước tương đương với mức cao trong quý 3/2023.
Đáng chú ý, trong tháng 3 - tháng 4/2024, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bảo dưỡng tổng thể trong vòng 50 ngày. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh mảng vận tải dầu thô của PV Trans dự kiến không bị ảnh hưởng quá nhiều do trong quá trình bảo dưỡng, nhà máy không ngừng hoạt động hoàn toàn nên PV Trans vẫn thực hiện một số chuyến tàu. Bên cạnh đó, giá cước vận tải và cho thuê tàu định hạn tiếp tục neo cao trên thị trường quốc tế, mặc dù có thể không cao như năm 2023.
Doanh thu mảng vận tải dầu sản phẩm, hoá chất có thể tăng 22%
Hoạt động kinh doanh của PV Trans còn được thúc đẩy bởi mảng vận tải dầu sản phẩm/ hóa chất. Tình trạng chênh lệch cung - cầu trên thị trường vận tải dầu sản phẩm/hoá chất trong năm 2024 dự kiến sẽ nghiêm trọng hơn so với năm 2023, từ đó thúc đẩy giá cước vận tải tăng lên.
Hiện các hợp đồng vận tải dầu sản phẩm của PV Trans được ký với thời hạn 6 tháng (3+3) đến 1 năm. Trên cơ sở này, MBS Research dự kiến biên lợi nhuận gộp mảng vận tải dầu sản phẩm/hoá chất của PV Trans trong năm 2023 và năm 2024 lần lượt đạt 22,6% và 22,1%.
Đáng chú ý, doanh thu mảng này của PV Trans trong năm 2024 có thể tăng tới 22% so với năm 2023 nhờ việc đưa vào vận hành các tàu mới. PV Trans dự kiến mở rộng đội tàu dầu sản phẩm/hóa chất lên tới 33 tàu vào năm 2024, trong khi số lượng tàu dầu sản phẩm/hóa chất của PV Trans tính tới ngày 31/10/2023 là 22 tàu với tổng trọng tải khoảng 500.000 DWT – tương đương 36% tổng trọng tải đội tàu của doanh nghiệp này.
Hiện PV Trans đang nỗ lực thực hiện kế hoạch mở rộng đội tàu “đầy tham vọng” với mục tiêu 85 tàu vào năm 2025, tập trung vào mở rộng đội tàu dầu sản phẩm/hoá chất. Theo kế hoạch đầu tư tàu được phê duyệt tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, PV Trans đặt mục tiêu nâng đội tàu lên mức 47 tàu vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, tính đến ngày 31/10/2023, đội tàu của PV Trans đã đạt 51 tàu - vượt xa mục tiêu của năm nay. Nếu kế hoạch mở rộng đội tàu được thực hiện đúng lộ trình, MBS Research đánh giá, doanh thu từ mảng vận tải của PV Trans sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ tăng khả năng khai thác trên thị trường cho thuê tàu định hạn quốc tế.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 29/11, thị giá cổ phiếu PVT đạt 26.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 20% so với đầu năm nay.