Vừa qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa cho biết, đến giữa tháng 12/2023, công ty đã hoàn thành 100% kế hoạch doanh thu cả năm 2023, tương ứng mức 6.800 tỷ đồng và về đích trước kế hoạch 16 ngày.
Hiện Dệt may TNG dự kiến tổng doanh thu cả năm 2023 sẽ đạt 7.030 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Theo mục tiêu đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, Dệt may TNG đặt mục tiêu doanh thu cả năm nay là 6.800 tỷ đồng và lợi nhuận 299 tỷ đồng, đều là các chỉ tiêu tài chính cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận có thể khó hoàn thành khi luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Dệt may TNG mới ghi nhận lãi 171 tỷ đồng - tương đương hơn 57% mục tiêu cả năm. Nguyên nhân chủ yếu do tình trạng thiếu đơn hàng nghiêm trọng của toàn ngành dệt may buộc Dệt may TNG phải nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản xuất. Đồng thời, tổng cầu dệt may toàn cầu giảm khiến giá bán các sản phẩm may mặc giảm đáng kể.
Theo đánh giá mới nhất của BSC Equity Research, Dệt may TNG hiện có triển vọng hồi phục tốt hơn các doanh nghiệp cùng ngành khi thị trường dệt may dần bước vào pha phục hồi trong giai đoạn 2024 - 2025 nhờ doanh nghiệp này đã duy trì được quy mô doanh thu trong giai đoạn khó khăn nhất. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp khác phải ghi nhận doanh thu giảm từ 20% - 50%.
Do vậy, khi đơn giá/đơn hàng dần hồi phục trở lại theo nhu cầu của thị trường, biên lợi nhuận được cải thiện sẽ giúp Dệt may TNG tăng trưởng trở lại mạnh hơn các doanh nghiệp cùng ngành. Lợi nhuận năm 2024 của Dệt may TNG kỳ vọng có thể tăng tới 47% so với năm 2023, theo BSC Equity Research.
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp dệt may này gồm: Mỹ (chiếm 40% tổng doanh thu), EU (chiếm 40%), còn lại là các thị trường khác như Nga, Canada, Hà Lan, Hàn Quốc...
Trong đó, tồn kho quần áo tại Mỹ tính đến tháng 9/2023 đã giảm tháng thứ 10 liên tiếp, giảm 11% so với vùng đỉnh hồi cuối năm 2022, xuống tương đương hồi nửa đầu năm 2022.
Theo BSC Equity Research, mức tồn kho của nhóm khách hàng chính của Dệt may TNG như Adidas, PUMA, Columbia Sportwear đã giảm về tiệm cận mức trung bình của những năm trước đó. Cụ thể, tồn kho của Adidas và của Puma hiện lần lượt chỉ còn 5,5 tỷ EUR và 1,9 tỷ EUR, tương đương hồi quý 2/2022.
Riêng tồn kho của Columbia Sportwear đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20% so với quý 3/2022 nhưng điều này không quá ảnh hưởng do Columbia Sportwear ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh tại loạt thị trường trọng điểm, như Canada (tăng 17% so với quý 3/2022), châu Á (tăng 18%), và châu Âu – Trung Đông - châu Phi (EMEA) (tăng 37%).
Nhìn chung, hàng tồn kho được đánh giá sẽ tiếp tục giảm trong quý 4/2023 nhờ các đợt giảm giá cuối năm tại các thị trường Mỹ và châu Âu (Black Friday, Cyber Monday, Boxing day,...) và các nhãn hàng sẽ tái nhập trở lại trong giai đoạn đầu năm 2024 để phục vụ thị trường cho vụ Xuân - Hè.
Ngoài ra, trong năm 2023, bên cạnh việc duy trì lượng đơn hàng đối với những khách hàng hiện hữu, Dệt may TNG còn phát triển thành công thêm một số khách hàng mới như Walmart, H&M, LIDL trong sản xuất nhiều mặt hàng như áo khoác, áo nỉ, áo bơi, quần legging,...
Do đó, Dệt may TNG kỳ vọng sẽ ghi nhận được nguồn đơn tăng thêm từ những đối tác mới trên. Trong quý 3/2023, doanh nghiệp này đã vượt qua bài kiểm định của các nhãn hàng kể trên về cả chất lượng và công suất nhà máy. Đồng thời, Dệt may TNG cũng đã đáp ứng các yêu cầu về ESG của khách hàng như xây dựng lộ trình sử dụng 100% năng lượng tái tạo, nguyên liệu tái chế, giảm phát thải carbon, và đảm bảo chế độ cho người lao động.