Khuyến công Bà Rịa - Vũng Tàu: tích cực hỗ trợ phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp - làng nghề

Trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu có một vị thế đặc biệt. Về tài nguyên, ngoài 93,29% tổng trữ lượng dầu mỏ, chiếm 16,29% tổng trữ lượng khí thiên nhiên của cả nước đã được xác

Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh đã hình thành và phát triển một số khu công nghiệp lớn như Phú Mỹ 1, Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân B… Bà Rịa – Vũng Tàu, ưu tiên phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp để đảm bảo phát triển bền vững.

Trung tâm Khuyến công – Tư vấn phát triển Công nghiệp Bà Rịa – Vũng Tầu ra đời là nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong phát triển CN-TTCN ở địa phương. Sau hơn một năm thành lập, Trung tâm đã kiện toàn bộ máy tổ chức dần đi vào ổn định và tiến hành triển khai các hoạt động khuyến công, tư vấn.

Về hoạt động khuyến công: Trong năm qua, Trung tâm Khuyến công đã hoàn thành Đề án: “Điều tra, khảo sát, di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm trên địa bàn thành phố Vũng Tầu vào cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010”.

Trung tâm đang tiếp tục thực hiện các đề án khuyến công quốc gia và địa phương.

- Đối với khuyến công quốc gia, Trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Công nghiệp địa phương triển khai thực hiện 2 đề án: Hỗ trợ đào tạo cho 2.500 công nhân may, thêu, đan len cung cấp cho cụm CN-TTCN Hắc Dịch huyện Tân Thành; Hỗ trợ đào tạo nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch cho 100 lao động huyện Côn Đảo.

- Đối với khuyến công địa phương, Trung tâm đã tổ chức xuất bản “Bản tin Khuyến công tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”; Lập đề án xây dựng làng nghề đá tẩy, đá chẻ xuất khẩu tại xã Tân Phước, huyện Tân Thành.

Về hoạt động tư vấn: Trung tâm Khuyến công đã tổ chức tư vấn cho các địa phương trong Tỉnh lập quy hoạch phát triển CN và quy hoạch các cụm CN-TTCN phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, hỗ trợ và tư vấn cho các doanh nghiệp về thủ tục thành lập công ty, lập dự án đầu tư xây dựng… Cụ thể là:

+ Lập quy hoạch phát triển CN-TTCN huyện Côn Đảo giai đoạn 2005-2020.

+ Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN huyện Tân Thành đến năm 2010, có xét đến năm 2020.

+ Lập quy hoạch chi tiết 1/500 cụm CN-TTCN xã Bình Châu và xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc.

+ Lập quy hoạch chi tiết 1/2000 cụm CN-TTCN Lộc An, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ.

+ Hỗ trợ và tư vấn cho Công ty Cổ phần Phú Mỹ về việc lập dự án khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng và các thủ tục tiến hành xây dựng hạ tầng cụm CN-TTCN xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành.

+ Thiết kế hơn 30 công trình điện trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định 134/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển các làng nghề, Trung tâm đã khảo sát thực tế, lập kế hoạch phát triển làng nghề theo hướng tập trung với quy mô lớn, có sự đầu tư của Nhà nước về công nghệ, vốn, đào tạo nghề và tìm kiếm thị trường.

Sau khi khảo sát thực tế, Trung tâm đã xác định, toàn Tỉnh có 4 làng nghề cần được duy trì và phát triển, bao gồm: Dệt lưới sông Cầu (Châu Đức), bún Long Kiên (TX. Bà Rịa), đúc đồng (Long Điền) và đá tẩy, đá chẻ (Tân Thành).

Hiện tại, các làng nghề trên đang phải đối mặt với nhiều khó khăn: Nơi có thị trường thì không có vốn, nơi có vốn thì lại thiếu thị trường.

Đối với các làng nghề thì thị trường tiêu thụ là quan trọng nhất, đặc biệt là nghề đúc đồng thì đồ đồng dùng được lâu nên ít phải thay mới, vì vậy thị trường ngày càng co dần lại. Như gia đình ông Trần Văn Hồng đã có 4 - 5 đời theo đuổi nghề làm đồ đồng, nhưng đến đời con cháu thì không có ai chịu theo nghề. Trung tâm đang có kế hoạch phát triển làng nghề bằng việc tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ. Đồng thời sẽ tổ chức cho những người có ý định theo nghề đi đào tạo tay nghề và học tập kinh nghiệm ở Quảng Nam (nơi mà nghề đúc đồng đang phát triển mạnh).

Ngược lại với làng nghề đúc đồng ở Long Điền, tại làng nghề dệt lưới sông Cầu (huyện Châu Đức), nhiều gia đình đang phải chật vật tìm vốn để mua nguyên liệu mở rộng sản xuất. Hiện tại, sản phẩm lưới Sông Cầu đang thu hút được người mua từ khắp cả nước. Nhưng để theo được nghề, trung bình mỗi hộ cần có khoảng 20 triệu đồng để mua máy móc và nguyên liệu sản xuất. Vào những lúc “sốt hàng”, nhiều hộ dân phải đi “vay nóng”, chịu lãi suất cao (10-20%) để mua nguyên vật liệu. Nhưng đến khi thu được tiền bán hàng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, thì khoản lãi còn lại rất ít. Trong khi đó, còn có những gia đình không vay được tiền vốn, đành phải bỏ nghề, đi làm thuê các nghề khác. Theo kế hoạch, làng nghề dệt lưới sông Cầu sẽ được hỗ trợ kinh phí để đầu tư chuyển đổi công nghệ. Trước mắt, Trung tâm khuyến công sẽ hỗ trợ đầu tư một hệ thống điện 3 pha để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, cần hỗ trợ kinh phí cho một số hộ gia đình mở rộng cơ sở sản xuất, mua nguyên vật liệu…

Với nghề đá tẩy, đá chẻ ở Tân Thành, đơn vị sản xuất chủ yếu là các hộ cá thể, quy mô sản xuất nhỏ, nên không đủ khả năng xin khai thác mỏ đá độc lập. Theo thống kê của phòng Kinh tế huyện Tân Thành, hiện ở đây đã tập hợp được khoảng 30 hộ, đủ tiêu chí để tổ chức một làng nghề đá tẩy, đá chẻ. UBND Huyện và các ngành hữu quan cũng đã trình UBND Tỉnh để xin thành lập làng nghề ở xã Tân Phước và xin cấp mỏ khai thác đá trong thời gian tới.

Ngoài ra, Trung tâm đã tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các vấn đề có liên quan đến các quy định của pháp luật, các chủ trương định hướng phát triển CN-TTCN của Tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất của các doanh nghiệp. Có thể nói, tuy mới thành lập được hơn một năm, nhưng Trung tâm đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp cho các doanh nghiệp hiểu được lợi ích của hoạt động khuyến công và tư vấn, để quan tâm hơn tới công tác này.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp  tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đang dự thảo quy chế quản lý sử dụng kinh phí khuyến công thông qua Sở Công nghiệp, trình lên UBND Tỉnh cho phép ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công theo hướng dẫn tại Thông tư số 36/TTLT/BTC-BCN của Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cụ thể như khôi phục làng nghề, tổ chức các lớp dạy nghề, mở phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp giúp cho doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng và tiêu thụ được sản phẩm.

Mặt khác, Trung tâm sẽ tập trung hoàn thiện các báo cáo quy hoạch mà Trung tâm đang tư vấn, tiếp tục củng cố công tác khuyến công của Tỉnh, huyện, tổ chức các buổi hội thảo, tiếp xúc doanh nghiệp để qua đó phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước, mở rộng việc đào tạo nghề và truyền nghề cho lao động ở các vùng nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định.

Cùng với sự phát triển sôi động của thời đại toàn cầu hóa, TTKC&TVPTCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu luôn cố gắng là cầu nối gắn kết giữa Tỉnh – Trung ương - Địa phương và tuyến cơ sở quán triệt đường lối, chủ trương Đảng, Nhà nước, cũng như của Tỉnh, với mục đích công nghiệp hóa nông thôn, đưa nền kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển, khẳng định vị trí của Tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
  • Tags: