Kinh nghiệm huy động vốn bằng phát hành trái phiếu ở một số quốc gia trên thế giới và giải pháp vận dụng tại Việt Nam

THS. PHẠM THỊ NGỌC MAI (Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích kinh nghiệm vận dụng huy động vốn bằng phát hành trái phiếu Chính phủ (TPTP) ở một số quốc gia trên thế giới và đề xuất giải pháp nhằm mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường thu hút đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước kinh doanh và phát triển thị trường tại Việt Nam.

Từ khóa: huy động vốn, phát hành trái phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu xanh, trái phiếu quốc tế.

1. Kinh nghiệm huy động vốn bằng phát hành trái phiếu tại một số quốc gia trên thế giới

1.1. Phát hành trái phiếu tại Malaysia

+ Phát hành (TPTP)

Trong những năm qua, thị trường vốn Malaysia đã đạt được những kết quả khả quan, tạo động lực quan trọng để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2018, Thị trường vốn Malaysia đạt 2.470 tỷ ringgit (RM), tăng 16,4% so với năm 2019. Năm 2019, thị trường vốn của nước này đạt 2,7 nghìn tỷ RM, tăng 10,5% so với năm 2018, trong đó thị trường trái phiếu đạt 1 nghìn tỷ RM, thị trường vốn Hồi giáo đạt 1,5 nghìn tỷ RM. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường vốn của Malaysia đạt mức tăng trưởng cao như trên là do nước này thực hiện đầy đủ 34/37 nguyên tắc của Tổ chức các ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO).

Để đạt được những kết quả ấn tượng trên, Chính phủ Malaysia đã kiểm soát và đặt ra những yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với hầu hết các tổ chức tài chính hoạt động trên thị trường vốn. Ví dụ: Đối với Quỹ Tiết kiệm cho người lao động, Chính phủ Malaysia đã yêu cầu Quỹ này phải bỏ ra ít nhất 50% trong tổng số vốn hoạt động của mình để đầu tư vào TPCP. Hay đối với các công ty bảo hiểm, Chính phủ nước này yêu cầu phải trích ra 20% trong khoản tài sản có mức rủi ro thấp để đầu tư vào TPCP.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia còn thực hiện các chính sách “nới lỏng” để tạo tính thanh khoản trên thị trường vốn. Theo đó, Chính phủ đã thực hiện chính sách bảo hiểm cho các TPCP và tính giá chuyển từ cố định giá của TPCP sang việc quyết định giá dựa trên hệ thống đấu giá do thị trường quyết định. Đồng thời, xây dựng một hệ thống giao dịch dành cho các nhà kinh doanh TPCP sơ cấp để thúc đẩy thị trường thứ cấp phát triển mạnh mẽ và năng động hơn; thực hiện công cuộc tự do hóa lãi suất, các tổ chức ngân hàng được cho phép tự quyết định tỷ lệ lãi suất cho vay của mình.

Ngoài ra, Chính phủ nước này còn đưa ra các biện pháp nhằm giảm tình trạng găm giữ TPCP và công bố công khai kế hoạch thực hiện đấu giá TPCP, điều này giúp tăng cường tính minh bạch trên thị trường. Cùng với đó, Chính phủ Malaysia đã cơ cấu lại cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu với việc triển khai hệ thống thanh toán điện tử theo thời gian thực (Rentas), nhằm tăng tính hiệu quả của việc thanh toán và giảm rủi ro khi thanh toán; triển khai hệ thống đấu thầu tự động hoàn chỉnh, thay thế cho hệ thống đấu thầu thủ công TPCP trước đây; triển khai hệ thống công bố thông tin trái phiếu: hệ thống này được đưa ra nhằm cung cấp thông tin đầy đủ cho thị trường trái phiếu trong nước.

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)

Cho đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, thị trường TPDN hầu như chưa hình thành ở Malaysia. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990 đến nay, nhờ nỗ lực của Chính phủ, cũng như những thành phần tham gia thị trường, cùng với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, thị trường TPDN Malaysia đã có những bước tiến đáng kể. Thanh khoản dồi dào, lãi suất phù hợp là những yếu tố kích thích thị trường trái phiếu (TTTP) phát triển đã tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tiếp cận được những nguồn vốn từ các quỹ với chi phí cạnh tranh. Từ năm 2000 trở lại đây, giá trị phát hành TPDN đã vượt qua cả giá trị phát hành TPCP của nước này. So với một số quốc gia châu Á khác, tỷ lệ giá trị phát hành TPDN của Malaysia ở mức khá cao. Cụ thể, tính đến hết quý I/2015, giá trị phát hành TPDN của Malaysia chiếm tới 57% tổng giá trị phát hành trái phiếu (TPCP chiếm 43% còn lại), đứng thứ 3 sau Hồng Kông (80%) và Hàn Quốc (69%).

1.2. Phát hành trái phiếu tại Trung Quốc

+ Phát hành trái phiếu xanh

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, muốn trái phiếu xanh phát triển mạnh mẽ cần phải đảm bảo được các nội dung sau:

- Nâng cao nhận thức về môi trường trong toàn xã hội: Bước chuẩn bị đầu tiên cho việc phát triển nền kinh tế xanh, Chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức của nhân dân về môi trường. Trung Quốc đưa yếu tố môi trường trở thành một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu thể hiện ở việc thành lập tòa án môi trường quốc gia, ban hành các quy định về môi trường, có những chế tài đối với các công ty vi phạm về môi trường. Điều này tạo động lực giúp các chủ thể của nền kinh tế quan tâm hơn đến yếu tố “xanh” trong việc lựa chọn các dự án đầu tư.

- Xây dựng cơ sở hành lang pháp lý: Mặc dù khái niệm tài chính xanh đã xuất hiện trong Luật Bảo vệ môi trường của Trung Quốc từ cuối thiên niên kỷ 90 của thế kỷ XX, nhưng phải đến năm 2015, Trung Quốc mới chính thức ban hành các văn bản liên quan đến trái phiếu xanh nói riêng. Vào ngày 22/12/2015, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã ban hành Chỉ thị về Trái phiếu tài chính xanh.

- Ban hành những chính sách ưu đãi: Các cơ quan có liên quan gồm PBoC và NDRC ban hành nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích thị trường trái phiếu xanh phát triển. Trong đó, PBoC đã chấp thuận cho các định chế tài chính sử dụng trái phiếu xanh như là một tài sản bảo đảm để được hưởng các khoản vay lãi suất thấp từ ngân hàng trung ương. Quy định này đã tạo động lực thúc đẩy các ngân hàng phát hành trái phiếu xanh trong quá trình huy động vốn. Đây là một trong những lý do làm cho các ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn nhất, lên đến 82% trong việc phát hành trái phiếu xanh tại Trung Quốc.

- Phát triển trái phiếu xanh cả ở thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó, tập trung phát triển thị trường trái phiếu xanh trong nước. Việc được phép giao dịch trên thị trường chứng khoán quốc tế cũng như thị trường tài chính trong nước đã tạo ra thị trường rộng lớn cho trái phiếu xanh Trung Quốc phát triển. Trong năm 2019, 27% lượng trái phiếu xanh của Trung Quốc được được phát hành ở nước ngoài, với 3 loại tiền tệ là USD, RMB và EUR. Trong số những trái phiếu xanh phát hành, có đến 17% trái phiếu xanh đạt được tiêu chuẩn trái phiếu xanh quốc tế, được giao dịch tại thị trường London và thị trường Singapore. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu xanh trong nước mới chính thức cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của trái phiếu xanh Trung Quốc.

+ Phát hành TPDN

Trung Quốc bắt đầu phát hành trái phiếu của doanh nghiệp địa phương vào năm 1982 và trái phiếu ngắn hạn của các doanh nghiệp nhà nước vào năm 1986. Đến năm 1996, TPDN Trung Quốc được đánh giá là có tính thanh khoản thấp, số lượng TPDN niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) Thượng Hải và Thẩm Quyến còn ít và không được giao dịch thường xuyên. Bằng nhiều biện pháp, Trung Quốc đã tiến hành những cải cách nhằm vực dậy thị trường TPDN như: định giá TPDN căn cứ vào TPCP, nâng cao tính thanh khoản của trái phiếu, xây dựng các tổ chức định mức tín nhiệm, quy định các doanh nghiệp muốn niêm yết trái phiếu trên SGDCK phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định (như doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 1 tỷ Nhân dân tệ (NDT) trở lên thì phải có định mức tín nhiệm AAA). Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra thị trường tăng đáng kể, chất lượng trái phiếu cũng được nâng cao, TPDN phát hành không chỉ niêm yết tại SGDCK, mà còn được giao dịch trên cả thị trường phi tập trung (OTC).

1.3. Phát hành trái phiếu tại Nhật Bản

Vào những giai đoạn trước đây, các doanh nghiệp Nhật Bản coi việc phát hành trái phiếu chuyển đổi ra nước ngoài là một kênh huy động vốn hấp dẫn. Tuy nhiên, sau đó, do việc nới lỏng các quy định về phát hành trái phiếu chuyển đổi, cùng với xu thế giảm lãi suất trên thị trường trong nước, các doanh nghiệp Nhật Bản lại chuyển sang phát hành trái phiếu chuyển đổi trên thị trường nội địa. Những năm 90 của thế kỷ XX, lãi suất ngân hàng ở Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp khiến cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức rút vốn khỏi ngân hàng và đầu tư vào TTTP. Hầu hết các đợt phát hành TPDN đều có lãi suất cố định với thời hạn 3 - 5 năm, hoặc một số doanh nghiệp lớn kéo dài thời hạn trái phiếu lên đến 10 - 20 năm. Tổng giá trị TPDN đã phát hành trên TTTP Nhật Bản đạt 6,95 nghìn tỷ Yên vào năm 1995 và tăng lên 10 nghìn tỷ Yên vào năm 1996. Khối lượng TPDN lưu hành trên thị trường Nhật Bản tăng lên đáng kể ở mức 773,97 tỷ đô la Mỹ (USD) vào năm 2007.

2. Giải pháp vận dụng kinh nghiệm huy động vốn bằng phát hành trái phiếu trên thế giới tại Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý để giảm bớt thủ tục pháp lý đối với doanh nghiệp phát hành cũng như  nhà đầu tư, phát triển các đơn vị xếp hạng tín nhiệm để đánh giá chính xác, khách quan những rủi ro của TPDN nhằm xác định các mức lãi suất hợp lý tương ứng với mức độ rủi ro của TPDN.

Thứ hai, nghiên cứu và xây dựng hệ thống chỉ số đánh giá, giám sát sự thay đổi của thị trường vốn và thị trường trái phiếu để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có điều kiện theo dõi và dự đoán diễn biến thị trường, kịp thời điều chỉnh danh mục đầu tư. Cần thiết học tập bài học đẩy mạnh phát triển thị trường vốn của các quốc gia trên thế giới, đó là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ, nhằm thu hút các tổ chức tín dụng nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh và phát triển thị trường.

Thứ ba, Chính phủ Việt Nam cần chỉ đạo các địa phương nâng cao nhận thức của người dân, tạo ra những cải cách trong nền kinh tế và hệ thống tài chính, nhằm tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh, học tập từ kinh nghiệm của Trung Quốc. Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, hệ thống tài chính xanh tại Việt Nam nói riêng đã và đang là những định hướng tốt cho các chủ thể trong nền kinh tế chú trọng hơn đến yếu tố môi trường trong các hoạt động của mình, tạo ra các chủ thể cung - cầu trái phiếu xanh trên thị trường, cụ thể là nhà đầu tư và các đơn vị phát hành. Trong đó, nhà đầu tư sẽ đưa yếu tố môi trường trở thành nội dung phân tích khi đưa ra quyết định đầu tư, đồng thời, các định chế tài chính, các doanh nghiệp sẽ quan tâm hơn đến yếu tố môi trường và xem xét trái phiếu xanh như là một công cụ để thu hút các nguồn vốn tài trợ cho các dự án xanh. Những yếu tố cấu thành cung cầu trên thị trường được hình thành sẽ góp phần cho trái phiếu xanh ra đời và phát triển tại Việt Nam.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam nói chung và các cơ quan, ban, ngành và địa phương nói riêng cần liên kết với các tổ chức nước ngoài, như: Ngân hàng Thế giới, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ),… để được tư vấn và hướng dẫn trong việc thực hiện đầu tư, huy động vốn và phát triển trái phiếu trên thị trường. Kiến thức và kinh nghiệm của các tổ chức này trong việc huy động vốn nhằm phát triển kinh tế trong những năm qua sẽ rất hữu ích cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển loại tài sản tài chính này. Đội ngũ chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế và môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu và tư vấn chính sách cho Chính phủ trong việc phát triển thị trường vốn tại Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.

Thứ năm, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị các tỉnh, thành phố ở Việt Nam cần hài hòa chính sách tài chính và môi trường kinh doanh. Cùng với đó, phát triển các phương tiện tài chính tạo điều kiện cho nguồn tài chính dài hạn và giảm thiểu rủi ro, ví dụ phát triển thị trường trái phiếu trong nước, xây dựng các quỹ đầu tư,... Sử dụng sáng tạo các sản phẩm tài chính mới và truyền thống như chứng khoán dự phòng và trái phiếu xanh. Bên cạnh đó, cần thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp theo hướng liên kết theo chuỗi, tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
  2. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2019), Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
  4. Số liệu thị trường của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

 Experience of some countries in mobilizing capital by issuing govrnment bond and solutions for Vietnam

Master. Pham Thi Ngoc Mai

Faculty of Finance and Banking

University of Economics - Technology for Industries

 ABSTRACT:

This paper analyzes experience of some countries in mobilizing capital by issuing govrnment bonds. The paper also proposes some solutions to improve the investment environment and attract both domestic and international investment to develop Vietnam’s economy.

Keywords: capital mobilization, issuing bond, government bond, green bond, international bon.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 28, tháng 12 năm 2021]