Đây là một trong những cơ chế quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác và giải quyết những vấn đề phát sinh trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Niu Di-lân.
Kỳ họp lần thứ 8 JTEC do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Phan Thị Thắng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân Vangelis Vitalis đồng chủ trì. Tham dự Kỳ họp về phía Việt Nam còn có đại diện các Bộ, ngành liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư…; phía Niu Di-lân có sự tham gia của đại diện Đại sứ quán Niu Di lân tại Việt Nam, cán bộ Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân.
Tại Kỳ họp, hai bên tiến hành rà soát, đánh giá lại tình hình hợp tác song phương trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông vận tải, lao động kể từ Kỳ họp lần thứ 7 JTEC (tổ chức tháng 10/2020) đến nay. Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ thương mại song phương đã có những bước phát triển nhanh chóng khi tăng trưởng tới 34% chỉ trong hơn 02 năm, đạt quy mô 1,4 tỷ USD vào năm 2022.
Hai bên cũng đánh giá cao nỗ lực và sự hợp tác chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan hai nước trong quá trình triển khai các thỏa thuận đã ký kết, trong đó bao gồm việc hoàn tất quá trình mở cửa thị trường đối với quả chanh và bưởi của Việt Nam, bí và dâu tây của Niu Di-lân vào cuối năm 2022.
Hai bên nhận thấy, Việt Nam và Niu Di-lân đều là hai nền kinh tế năng động, có nhiều tiềm năng hợp tác mang tính bổ sung cho nhau và đang tiến hành nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ nhằm hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Nhân dịp này, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị phía Niu Di-lân phối hợp triển khai một số nội dung, phương hướng hợp tác cụ thể nhằm tạo động lực cho sự phát triển của thương mại song phương hướng tới mục tiêu 2 tỷ USD vào năm 2024 do Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: xúc tiến thương mại và đầu tư, nông nghiệp công nghệ cao và thương mại nông sản, phát triển chuỗi cung ứng nông sản an toàn, lao động, giáo dục và đào tạo, hàng không du lịch...
Phát biểu tại Kỳ họp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Niu Di-lân Vangelis Vitalis cho rằng, dòng chảy thương mại tương lai phụ thuộc nhiều vào sự phát triển các quy tắc và chuẩn mực mới về cơ chế hợp tác kinh tế số; đề nghị Việt Nam cân nhắc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế số (DEPA) nhằm tạo dựng, định hình quan hệ hợp tác, đối tác của hai nước trong lĩnh vực kinh tế số của khu vực. Nhân dịp này, phía Niu Di-lân cũng đề nghị Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến trình thực hiện các dự án hỗ trợ của Niu Di-lân tại Việt Nam; phối hợp triển khai thí điểm mô hình chứng thư kiểm dịch điện tử đối với nông sản…
Bên cạnh những nội dung hợp tác song phương, hai bên cũng trao đổi, chia sẻ quan điểm về một số khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực; khẳng định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trong các cơ chế hợp tác hai nước đều là thành viên như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Úc- New Zealand (AANZFTA), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)...
Kỳ họp lần thứ 8 UBHH Kinh tế - Thương mại Việt Nam – Niu Di-lân đã diễn ra trong không khí hữu nghị, thẳng thắn, hợp tác, đạt được nhiều nội dung thống nhất và kết thúc thành công tốt đẹp.