Điểm nhấn và bình luận

Câu chuyện CPI nóng ran khi chỉ số giá tháng 11 đã ở mức cận hai con số (9,58). Một số ý kiến cho rằng đó là trạng thái tâm lí. Theo Thông tư 104/2008/TT-BTC, Danh mục thực hiện chính sách bình ổn giá

1. Những nỗ lực bình ổn giá của các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,… cần thêm liều lượng đủ mạnh của can thiệp vĩ mô. Trong tuần, lãi suất gửi tiền tiết kiệm trườn đến 16% rồi lên tới 17%/năm, cả thưởng là 17,6% (tại Techcombank). Ngay sau đó, Ngân hàng nhà nước đã “tuýt còi”, các ngân hàng đồng thuận hướng về lãi suất 14%/năm. Lãi suất là “nhiệt kế” kinh tế- xã hội, nếu không kiểm soát có khả năng làm bể từng mảng lớn thị trường khác như nhà đất, chứng khoán, ngoại hối, làm doanh nghiệp vỡ nợ, ngưng đọng tiêu dùng nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, áp lực cầu, trong từng khoảng thời gian, các ngân hàng khuyến mại, thưởng để tăng nguồn vốn huy động.

Tại phiên họp báo của Chính phủ ngày 2/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu về lãi suất “đây là điều khó tránh khỏi và cũng có ý nghĩa nhằm giảm cầu đầu tư, góp phần kiềm chế lạm phát”. Vậy nền kinh tế của chúng ta đã vào trạng thái nóng chưa, vốn đầu tư toàn xã hội trên 40% GDP trong các năm qua đã cao chưa, điều chỉnh giảm theo hướng nào?. Theo quan điểm thắt chặt tiền tệ: Nhà đầu tư phải chọn lựa dự án tích cực hơn, có tính cạnh tranh cao; Các cơ quan hành chính dừng lại các khoản chi chưa cần thiết; Toàn xã hội thực hành tiết kiệm.

Cảm nhận của người tiêu dùng rõ nét nhất là giá lương thực, thực phẩm. Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, trong tháng 11 vừa qua, nhập khẩu tới 30 triệu USD, nâng tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả 11 tháng năm 2010 đạt tới 264 triệu USD, chủ yếu nhập từ Trung Quốc (mỗi tháng đến trên 10 triệu USD- số liệu của TCTK). Theo mức này, tức là mỗi năm chúng ta phải bỏ ra đến gần 10% kim ngạch xuất gạo để nhập nhau quả, nguồn cung nhóm hàng này thiếu kéo dài đã kích giá bán lẻ lên, tạo tâm lí về khan hiếm hàng.

Chỉ số CPI nóng hơn khi giá gas tăng khoảng 30.000/bình 12 kg, giá dịch vụ cũng lặng lẽ tăng dần. Tuy nhiên, các biện pháp bình ổn, cùng với cam kết của các nhà cung cấp lớn không tăng giá điện, xăng dầu, than trước Tết nguyên đán góp phần quan trọng vào kiềm chế lạm phát. Trên thực tế, giá nhiều mặt hàng hóa, dịch vụ đã ở mức cao so với thu nhập của đại đa số người có thu nhập trung bình và thấp cho nên xu hướng “té nước theo mưa” giảm dần.

2. Khoản nợ của Vinashin lại nóng lên ở Hội nghị nhóm tư vấn tài trợ (CG), khi có tin Credit Suisse đại diện cho liên hợp các chủ nợ cho biết: "sẽ không sẵn lòng gia hạn việc trả nợ 60 triệu đô la đầu tiên." Tuy nhiên, quan chức Vinashin nói một cách thẳng thắn “nếu họ thực sự muốn đàm phán, họ sẽ nhận được điều gì đó, còn nếu không, họ sẽ không nhận được gì cả." Thực tế đó đòi hỏi Chính phủ, dư luận có sự hỗ trợ các nỗ lực của Vinashin đàm phám nợ và tiếp tục sản xuất. Năm 1992, cũng tại Hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam ở Paris, chúng ta đã thành công với các chủ nợ, nối lại các khoản vay.
3. Sau nhiều vụ kiện trên thương trường quốc tế mà chúng ta trải nghiệm, vừa qua Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) khuyên người tiêu dùng châu Âu nên lựa chọn thủy sản khác thay thế cá ra trơn, tôm và cá rô phi, gây nhiều khó khăn cho nông dân. Đây là hành động “chơi xấu”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho rằng: Cẩm nang của WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ với lý do chủ yếu là môi trường, thức ăn, hóa chất và thuốc thú y trong nuôi cá tra "có vấn đề". Tuy nhiên đã không có bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh cho điều đó”. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn- Vũ Văn Tám “Khẳng định chuỗi nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra được cấp chứng nhận GobalGAP (Tiêu chuẩn tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy nguồn gốc trong lĩnh vực nuôi trồng cây, rau, củ, quả, gia cầm, gia súc, thủy sản) và xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia và thị trường lớn trên thế giới. Không thể có chuyện cá tra Việt Nam không đạt chuẩn mà dễ dàng được những thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, EU... chấp nhận và ưa chuộng"
4. Các nhà tài trợ cam kết tài trợ cho Việt Nam năm 2011 ở mức 7,9 tỷ USD tại phiên bế mạc (8/12) Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam (CG) 2010, đưa tổng số vốn ODA từ năm 1992 đến nay đạt trên 64 tỉ USD.

5. Các báo liên tục đưa thông tin về kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng kỉ lục. Đó là: Điều đạt 177.000 tấn với kim ngạch vượt 1 tỉ USD; Gạo có khả năng đạt khoảng 7 triệu tấn. Đến hết tháng 11 có 16 nhóm mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 9 nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD là: hàng dệt và may mặc (đã đạt 10 tỷ USD) ; dầu thô; giày dép; thuỷ sản; gạo; gỗ và sản phẩm gỗ (khả năng trên 3 tỷ USD); máy móc, thiết bị, phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; đá quý, kim loại quý và sản phẩm… góp vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 dự kiến đạt 70,8 tỷ USD -Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhận định tại cuộc giao ban xuất nhập khẩu gần đây.

6. Trước sự khan hiếm ngoại tệ, cùng với các thỏa thuận thương mại tích cực, xăng dầu của nhà máy Dung Quất đã giảm tồn kho. Hiện công suất của nhà máy ở mức 105%, nhưng lượng hàng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Có lẽ đây là mặt hàng đạt doanh số cao nhất của chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”

7. Trong tuần, dư luận “bất bình” việc thành phố Đà Nẵng có chủ trương không tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, soi lại Luật thì Đà Nẵng không phạm luật. Như vậy, những người có bằng tại chức không có cơ hội tuyển dụng vào khu vực hành chính nhà nước ở Đà Nẵng. Các khu vực khác thiếu nguồn nhân lực không thể áp dụng chủ trương trên. Người tuyển dụng có quyền chọn, người thi tuyển cũng có quyền chọn nơi tuyển dụng.

8. Hà Nội “ồn ào” con số chi tiêu cho Đại Lễ 1000 năm Thăng Long. Tới nay, con số đã được công bố là 265 tỷ 923 triệu đồng cho công tác tuyên truyền các hoạt động văn hoá, lễ tân và quà tặng. Dư luận xôn xao vì Thành phố không công bố rõ ràng ngay từ đầu, dư luận cũng gán luôn các công trình xây dựng từ những năm trước vào chi Đại Lễ. Rõ ràng xã hội luôn đòi hỏi sự minh bạch đối với các khoản chi ngân sách không thuộc diện bí mật.

9. Thế giới lao xao chuyện người sáng lập trang Wikileaks – ông J.Assange quốc tịch Úc, bị bắt. Câu chuyện “Assange –Wikileaks” có nhiều nhận định trái ngược. Trước hết thông tin của nhiều tổ chức bị rò rỉ, mặt khác vấn đề về công khai thông tin và bác bỏ thông tin cũng được đặt ra trong “thế giới phẳng”.