Giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 19%, trong đó công nghiệp tăng bình quân 21%. Các ngành dịch vụ, tăng bình quân 16%
Phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hiện đại. Phấn đấu phát triển công nghiệp giữ vai trò động lực trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Hình thành hệ thống đô thị phù hợp, phấn đấu xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng đến hệ thống giao thông, cấp thoát nước và xử lý nước thải, chất thải ở các đô thị, các khu công nghiệp. Cơ cấu lao động ngành công nghiệp xây dựng trong tổng lực lượng lao động xã hội chiếm 28-29%, bằng mức bình quân chung cả nước. Phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng 50% công nhân tại các Khu công nghiệp có nhà ở với giá cả hợp lý.
Đưa các điểm mỏ vàng khu vực Phước Sơn và Bồng Miêu đã đánh giá có triển vọng vào khai thác, chế tuyển với qui mô lớn. Có kế hoạch nghiên cứu để khai thác, sử dụng nguồn khoáng sản phóng xạ duy nhất (uranium) tại Quảng Nam phục vụ cho nhà máy điện nguyên tử quốc gia
Rà soát qui hoạch và tiếp tục hoàn thành các nhà máy thủy điện bậc thang như: Đăk Mi 2, Đăk Mi 3, Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 5, Sông Bung 6. Các dự án thủy điện nhỏ và vừa sẽ đi vào hoạt động như: sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3, Nước Bui, Nước Là, ĐăkMi4 C, An Điềm II..... phát triển phóng điện cho các xã nghèo, xã đảo, đồng thời nâng cấp các công trình thuỷ điện hiện có.
Phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng lao động nhiều, có nhiều sản phẩm tham gia xuất khẩu như: Sản xuất linh kiện điện tử; thiết bị văn phòng; sản xuất, gia công phầm mềm.
Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng khả năng cung cấp nguyên liệu cho các ngành dệt may, da giầy, các chi tiết phục vụ ngành công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo. Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lắp ráp, chế tạo.
Duy trì và phát triển ngành dệt may, giày dép để trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh về xuất khẩu, đồng thời nâng cao chất lượng, tỷ lệ nội địa của sản phẩm.
Phát triển công nghiệp theo hướng hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng, vùng đồng bằng, vùng trung du miền núi gắn với lợi thế và nguồn lực từng vùng.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề nhằm thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, thu hút, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp.
Trên cơ sở khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản, đảm bảo phát triển hài hòa, bền vững giữa kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Ưu tiên phát triển những công nghệ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và thân thiện với môi trường. Chú trong cải tạo, hiện đại các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có.
Phát triển nhà ở đô thị, nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với qui hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của nhân dân, tạo động lực cho phát triển đô thị và nông thôn bền vững.
Phát triển các ngành dịch vụ, du lịch và xuất nhập khẩu
Phấn đấu đưa tỷ trọng khu vực dịch vụ lên khoảng 45% trong GDP vào năm 2015. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 20% hàng năm. Khách quốc tế đến Quảng Nam năm 2015 khoảng 2,5 triệu lượt, tăng bình quân trên 12%.
Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ mang tính chất đột phá có tính cạnh tranh như: Viễn thông, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dịch vụ vận tải biển, vận tải hàng không và dịch vụ du lịch. Bảo đảm sự tiếp cận rộng rãi tới các dịch vụ cơ bản về y tế, giáo dục, viễn thông.
Tiếp tục phát triển du lịch để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Triển khai, quản lý các qui hoạch về du lịch đã được duyệt, đồng thời tiến hành xây dựng các qui hoạch mới như: Qui hoạch định hướng phát triển du lịch đường Hồ Chí Minh của tỉnh; qui hoạch du lịch đường sông, qui hoạch phát triển du lịch khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm; qui hoạch du lịch ven biển từ Duy Hải (Duy Xuyên) đến Tam hải (Núi Thành). Khuyến khích các dự án đầu tư vào lĩnh vực vui chơi, giải trí, lữ hành, vận chuyển. Phấn đấu đến năm 2015 đón 5,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 2,5 triệu lượt khách.
Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2011-2015 khoảng 22%/ năm, đạt mức trên 780 triệu USD vào năm 2015. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 5 năm 2011-2015 đạt khoảng trên 2.740 triệu USD.
Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng các sản phẩm chế biến và chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; giảm dần tỷ trọng các hàng xuất khẩu thô. Tăng mạnh hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh là giầy da và may mặc, vì hai mặt hàng này chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong các năm qua. Thúc đẩy các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế so sánh và cạnh tranh như sản phẩm gỗ, hàng hải sản, vàng, nguyên liệu giấy, cồn ethanol, kính nổi.
Nghiên cứu và phát triển hình thức xúc tiến nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và trên thế giới đầu tư vào địa bàn tỉnh, nhất là khu Kinh tế mở Chu Lai. Song song với với thu hút đầu tư, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh trong tỉnh; hiện đại hóa và cải cách các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất- nhập khẩu.


Phát triển nông nghiệp và nông thôn
Qui hoạch phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn. Phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Phát triển sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chất lượng cao.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.
Phấn đấu giá trị gia tăng sản xuất nông lâm thủy sản 5 năm 2011-2015 bình quân khoảng 2,2%; tỷ trọng lao động nông lâm ngư nghiệp năm 2015 chiếm khoảng 42-43% lao động toàn xã hội (cả nước dự kiến 40-41%); trên 97% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh vào năm 2015; nâng cao mức thu nhập người dân nông thôn gấp hơn hai lần so với năm 2010.
Mở rộng diện tích các vùng cây công nghiệp, cây ăn quả; phát triển các vùng rau tập trung chất lượng cao gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm. Tập trung tăng năng suất, chất lượng chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm các loại cây công nghiệp như cao su, chè; cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, Ba Kích…
Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh. Chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc ở các huyện miền núi, các xã phía Tây thuộc một số huyện đồng bằng. Áp dụng qui trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tăng cường công tác thú ý, phòng ngừa dịch bệnh; phát triển thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức và hiện đại hóa các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. Phấn đấu đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 34% trong cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp vào năm 2015.
Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ và phát triển, sử dụng bền vững 03 loại rừng: Rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Gắn phát triển trồng rừng nguyên liệu với công nghiệp chế biến ngay trong qui hoạch và trong từng dự án đầu tư cụ thể. Sử dụng một phần hợp lý từ nguồn thu từ rừng để bảo vệ và phát triển rừng. Có chuyển biến đáng kể trong việc tăng diện tích rừng trồng, phấn đấu tăng tỷ lệ che phủ rừng đến cuối năm 2015 lên trên 48%. Nghiên cứu xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Phát triển nuôi trồng thủy sản đa dạng, theo qui hoạch; xây dựng đồng bộ các vùng nuôi, trồng, trước hết là thủy lợi. Kiểm soát chất lượng giống, thức ăn, môi trường nuôi, hiện đại hóa các cơ sở chế biến, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm nuôi, nuôi trồng trên biển, thủy sản nước ngọt.
Đổi mới xây dựng và phát triển các mô hình tổ chức sản xuất hàng hóa qui mô lớn theo hướng gia trại, trang trại có qui mô phù hợp với từng hộ gia đình, từng khu vực.
Tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới cho các loại cây trồng, trước hết là cho lúa, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt cho dân cư và công nghiệp. Phát triển thủy lợi nhỏ. Củng cố, xây dựng hệ thống đê sông, đê biển, hệ thống ngăn lũ, thoát lũ.
Phát triển giao thông nông thôn bền vững gắn với mạng lưới giao thông các tuyến ĐH, ĐT của tỉnh theo đề án phát triển giao thông đến năm 2015. Nâng cao chất lượng đường giao thông nông thôn gắn duy tu, bảo dưỡng. Phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện, bảo đảm đủ điện cho sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2012, đảm bảo có điện cho tất cả các xã, các thôn hiện nay chưa có điện.
Thực hiện tốt chương trình nông thôn mới ở khu vực nông thôn, miền núi, nhất là ở xã thí điểm, ở 03 huyện nghèo: Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My của tỉnh.

  • Tags: