Liên Hiệp Quốc cảnh báo rủi ro khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo tình trạng xung đột quân sự Ukraine – Nga kéo dài đang khiến tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, khiến nhiều quốc gia thu nhập thấp đối mặt nạn đói trong thời gian tới.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres
 Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo xung đột quân sự Nga - Ukraine đang khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt và nạn đói sẽ diễn ra dai dẳng tại nhiều quốc gia nếu như hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục (Ảnh: AFP)

Phát biểu trong phiên họp về giải quyết nạn đói trên toàn cầu tại New York (Hoa Kỳ), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang khiến giá lương thực trên toàn cầu tăng vọt, làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực tại nhiều nước có thu nhập thấp, và đẩy hàng chục triệu người tới bờ vực thiếu hụt lương thực quy mô lớn.

Ông Antonio Guterres nhấn mạnh nạn đói sẽ diễn ra dai dẳng trong nhiều năm tại nhiều quốc gia nếu như hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine không được khôi phục về mức trước khi xung đột quân sự nổ ra tại nước này. Các dữ liệu cho thấy, trước khi xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 vừa qua, lượng lúa mì xuất khẩu của Nga và Ukraine chiếm tới 30% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Trong đó, Ukraine đáp ứng khoảng 17% tổng nhu cầu nhập khẩu lúa mì toàn cầu.

Xung đột quân sự Nga – Ukraine còn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu lúa mì của nhiều quốc gia khu vực Biển Đen cũng như đẩy giá phân bón trên toàn cầu tăng vọt, khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản lượng cây trồng và mở rộng canh tác.

Trong tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo giá phân bón trong thời gian tới sẽ vẫn còn neo ở mức cao nhất kể từ năm 2008 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nga, Belarus và Trung Quốc chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tính từ đầu năm đến nay, giá phân bón thế giới đã tăng gần 30%; trong năm 2021, giá mặt hàng này đã tăng tới 80%. Nga chiếm khoảng 16% tổng lượng xuất khẩu phân đạm urea, 12% tổng lượng xuất khẩu phân bón DAP và MAP trên toàn cầu. Nga và Belarus hiện chiếm khoảng 40% tổng lượng xuất khẩu phân bón MOP toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc – quốc gia sản xuất phân bón lớn nhất thế giới, vẫn đang tạm ngưng xuất khẩu hàng loạt loại phân bón quan trọng cho đến ít nhất là tháng 6/2022 để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng giải pháp hữu hiệu cho khủng hoảng lương thực là đưa Ukraine trở lại vào chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, cũng như khôi phục nguồn cung phân bón của Nga và Belarus với thị trường thế giới. Ông cho biết đang "liên hệ tích cực" với Nga và Ukraine, cũng như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm nỗ lực khôi phục hoạt động xuất khẩu lương thực về mức bình thường.

"Có đủ lương thực trên thế giới hiện nay, nếu chúng ta cùng hành động. Nhưng nếu không giải quyết vấn đề này ngay hôm nay, chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực toàn cầu trong những tháng tới", ông Antonio Guterres phát biểu.

Theo Liên Hiệp Quốc, giá lương thực toàn cầu tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lương thực càng chịu áp lực tăng cao sau khi Ấn Độ bất ngờ quyết định tạm ngưng xuất khẩu lúa mì vào ngày 15/5 vừa qua nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước khi lạm phát tại nước này chạm mức cao nhất 8 năm trở lại đây và giá lúa mì nội địa tăng cao gần gấp 2 lần so với mức giá hỗ trợ tối thiểu của chính phủ. Ấn Độ là quốc gia có sản lượng lúa mì lớn thứ hai thế giới, chiếm trên 14% tổng sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2020.

Quỳnh Trang