Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR): Lùi kế hoạch bảo dưỡng, kỳ vọng kinh doanh nửa cuối năm tăng tốc

Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn vừa cho biết lãi ròng quý 2/2023 đạt 1.300 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 6/2023, doanh nghiệp này đang nắm giữ hơn 29.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng.

Nắm giữ hơn 29.000 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng

Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR – sàn UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023. Theo đó, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 33.669 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán trong cùng kỳ chỉ giảm 21%, khiến lợi nhuận gộp của Lọc hoá dầu Bình Sơn giảm tới 89%, xuống còn 1.177 tỷ đồng trong quý 2/2023.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp đã tăng gấp 2,2 lần, lên hơn 714 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính đã giảm 62% nhờ chi phí lãi vay giảm đáng kể; chi phí bán hàng cũng đã giảm hơn 8%. Nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 64%, chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí dịch vụ  mua ngoài tăng cao.

Kết thúc quý 2/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn báo lãi ròng hơn 1.300 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất Lọc hoá dầu Bình Sơn
Hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong nửa cuối năm nay có thể sẽ được cải thiện khi giá dầu thô thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Đáng chú ý, tính đến cuối tháng 6/2023, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang nắm giữ hơn 29.230 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 17% so với thời điểm đầu năm nay. Khoản mục này tương đương với 40% tổng tài sản của Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện nay.

Tính chung nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần gần 67.735 tỷ đồng và lãi ròng 2.949 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và giảm 76% so với mức nền cao kỷ lục của cùng kỳ năm ngoái.

Giải trình về việc kết quả kinh doanh kém thuận lợi hơn so với năm ngoái, ban lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết năm 2022 là năm có giá dầu thô Brent lên mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đạt 123,70 USD/thùng vào tháng 6/2022. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 6/2023, giá dầu thô Brent chỉ đạt 74,97 USD/thùng.

Đồng thời, crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô và giá sản phẩm tinh chế từ dầu) trong quý 2/2022 cao hơn nhiều so với trong quý 2/2023.

Xem thêm: "PV Drilling: Sắp đến thời “làm không hết việc”, giá thuê giàn khoan lên cao kỷ lục nhiều năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Kỳ vọng kinh doanh nửa cuối năm tăng tốc 

So với kế hoạch kinh doanh đề ra, Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện đã hoàn thành gần 71% mục tiêu doanh thu và 181% mục tiêu lợi nhuận cả năm. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết trong năm nay Lọc hoá dầu Bình Sơn lên kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với giả định giá dầu thô Brent tại mức 70 USD/thùng. Đồng thời, doanh nghiệp đánh giá hoạt động kinh doanh năm nay đối mặt nhiều thách thức, gồm thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5%; mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%; áp lực cạnh tranh từ xăng dầu nhập khẩu…

Trên thực tế, crack spread tại khu vực châu Á trong thời gian qua đã giảm nhanh và mạnh hơn so với nhiều dự báo được đưa ra thời điểm đầu năm nay.

Giá cổ phiếu BSR Lọc hoá dầu Bình Sơn
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, hoạt động kinh doanh của Lọc hoá dầu Bình Sơn trong nửa cuối năm nay có thể sẽ được cải thiện khi giá dầu thô thế giới đang có dấu hiệu phục hồi trở lại, neo trên ngưỡng 80 USD/thùng, cùng với đó là thời gian bảo dưỡng của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (của Lọc hoá dầu Bình Sơn) đã được đẩy lùi sang đầu năm 2024.

Trong đó, theo kế hoạch năm 2023, hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất trùng thời gian bảo dưỡng nhưng để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu trong nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ) đã cho phép Lọc hoá dầu Bình Sơn lùi thời gian bảo dưỡng sang đầu năm 2024.

Đáng chú ý, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt Dự án Nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh, tạo tiền đề để Lọc hoá dầu Bình Sơn triển khai dự án trong thời gian tới. Đây sẽ là động lực tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn, thúc đẩy doanh thu cũng như cải thiện khả năng sinh lời của công ty thông qua việc nâng cao tỷ trọng sản phẩm giá trị cao sau khi đi vào hoạt động từ quý 1/2028.

Bên cạnh đó, Lọc hoá dầu Bình Sơn đang tích cực giải quyết nốt tiêu chí cuối cùng liên quan đến các khoản nợ quá hạn để được niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu chuyển sàn trong quý 3/2023.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, giá cổ phiếu BSR của Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt 19.600 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu BSR đã tăng gần 41%. Đáng chú ý, sau giai đoạn dài tích luỹ, cổ phiếu BSR đã xác lập xu hướng đi lên kể từ cuối 4/2023, với mức tăng đạt 25% tính đến thời điểm hiện tại.

Duy Quang