Lợi thế về tiêu chí xuất xứ khi xuất khẩu gỗ vào thị trường EVFTA

Điều thuận lợi nhất với doanh nghiệp nước ta là tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định EVFTA không quá chặt. Tuy nhiên, các quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định.

Hiện mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gỗ sang EU khoảng 700-800 triệu USD. Năm 2019, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt 847 triệu USD, tăng 8,7% so với năm 2018. Nhu cầu tiêu dùng mặt hàng gỗ của EU lên tới 85 tỷ USD/năm, như vậy thị phần của Việt Nam hiện mới khoảng 1%, còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Mặc dù hiện nay thuế nhập khẩu mặt hàng này thấp, khoảng từ 0-6%, việc xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực vẫn sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của ta tiếp cận hơn nữa với thị trường EU. Theo thỏa thuận khi EVFTA có hiệu lực, 90% sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU sẽ được hưởng thuế suất 0%. Lộ trình cắt giảm theo thỏa thuận khoảng 83% dòng thuế đối với các sản phẩm gỗ từ 6% về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, 17% các mặt hàng còn lại sẽ về 0% sau 5 năm có hiệu lực.

Nhưng điều thuận lợi nhất với doanh nghiệp nước ta là tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định EVFTA không quá chặt. Cụ thể, đối với gỗ nguyên liệu nói chung và đồ nội thất làm từ gỗ, tiêu chí xuất xứ là chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số, hoặc hàm lượng giá trị nguyên liệu không xuất xứ tham gia vào quá trình sản xuất không vượt quá 70%. Tuy nhiên, một số mặt hàng gỗ như gỗ tấm để làm lớp mặt hoặc làm gỗ dán, ván gỗ tạo gần và gờ dạng chuối hạt, hòm, hộp thùng hình… có tiêu chí xuất xứ là công đoạn gia công chế biến cụ thể.

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA/FLEGT) được Việt Nam và EU phê chuẩn, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2019. Với việc thực thi Hiệp định VPA và việc bắt đầu cấp phép FLEGT, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quyền tiếp cận trực tiếp vào thị trường EU mà không phải trải qua một quá trình kiểm tra tính hợp pháp rườm rà. Đây sẽ được xem là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước không có một hiệp định VPA đầy đủ.

Hơn thế nữa, EVFTA sẽ giúp các doanh nghiệp tranh thủ được về công nghệ sản xuất và quản lý, máy móc thiết bị của EU, được xem là có trình độ cao nhất thế giới hiện nay. Các loại máy móc thiết bị của EU khi nhập khẩu vào Việt Nam phải chịu thuế 20-30%,  EVFTA có hiệu lực sẽ giúp giảm thuế, thậm chí được miễn thuế hoặc trả chậm khi doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư trang thiết bị. Như vậy, lợi thế kép về thuế xuất đối với sản phẩm xuất khẩu và nhập khẩu máy móc theo EVFTA sẽ giúp khả năng cạnh tranh của ngành gỗ nước ta rất lớn tại thị trường EU.

Tuy nhiên, bên cạnh quy tắc xuất xứ, các quy định về kiểm dịch động thực vật (SPS), quy định về môi trường, các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT)... cũng sẽ tạo ra những khó khăn nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là nguyên liệu. Hiện nay, nguồn nguyên liệu đang bị giảm do các nước xuất khẩu nguyên liệu cho chúng ta bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chuỗi logistics cũng gặp khó như vậy. Trong khi đó nguyên liệu trong nước phải giải được bài toán làm sao sử dụng được cả gỗ lớn và gỗ nhỏ, cả gỗ cành ngọn và gỗ thân.

Gỗ thân dùng cho ngành công nghiệp chế biến ra các sản phẩm lớn, còn gỗ cành ngọn chủ yếu dùng làm dăm, MDF và viên nén (làm chất đốt, phân vi sinh...). Nhưng thị trường về dăm và MDF hiện nay cũng đang bị giảm. Chính vì vậy để có hiệu quả cao nhất trên một diện tích rừng đối với doanh nghiệp sản xuất gỗ thì phải bán được hết các phần của cây gỗ từ thân đến ngọn.

Do đó, việc giải quyết nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ của nước ta hiện nay là rất quan trọng. Theo khuyến cáo của EU, trong thời gian tới, cơ quan quản lý Việt Nam cần điều phối, làm đầu mối liên kết giữa Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam với các hiệp hội trồng rừng và các chủ rừng. Đặc biệt, cần tích cực hỗ trợ các chủ rừng thực hiện chương trình quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng bền vững.

Mặt khác, người tiêu dùng EU đòi hỏi khắt khe về nguồn gốc gỗ nhằm đảm bảo thực thi các chính sách về môi trường. 100% gỗ xuất khẩu vào EU phải là gỗ hợp pháp. Dù doanh nghiệp dùng gỗ nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu vẫn phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của gỗ. Doanh nghiệp phải thực hiện nhiều công đoạn để đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ rõ ràng, khiến gia tăng chi phí. Trước mắt, đây là thách thức đối với nhiều doanh nghiệp gỗ Việt Nam khi phải duy trì thực hiện nghiêm túc VPA/FLEGT.

Để kiểm soát nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu, Nghị định 102/2020-NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (Nghị định 102) và các quyết định đi kèm đưa ra các tiêu chí xác định gỗ rủi ro nhập khẩu từ đó đưa ra các cơ chế nhằm kiểm soát rủi ro.

Theo nghị định, gỗ nhập khẩu được thực hiện thông qua thiết lập cơ chế kiểm soát nguồn gỗ nhập khẩu và các loài gỗ nhập khẩu. Gỗ rủi ro là gỗ được nhập khẩu từ các vùng địa lý không tích cực và là các loài rủi ro. Nghị định quy định khi nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam các doanh nghiệp nhập khẩu cần phải bổ sung giấy tờ để minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đưa ra các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2 - 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới, tương đương từ 40 - 50% trong tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiệt đới từ châu Phi, một số quốc gia thuộc khu vực Nam Mỹ, Lào, Campuchia và Papua New Guinea. Theo tiêu chí phân loại gỗ nhập khẩu của Nghị định 102, đây là nguồn gỗ rủi ro cao. Nguồn gỗ này được nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa.

Vấn đề giảm rủi ro về tính hợp pháp của gỗ nhiệt đới nhập khẩu có vai trò quan trọng đối với ngành gỗ Việt với trọng tâm ưu tiên vào xuất khẩu. Giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nhiệt đới không những giúp duy trì ổn định thị trường xuất khẩu mà còn tạo động lực mở rộng thị trường

Theo các chuyên gia, giảm rủi ro trong khâu nhập khẩu gỗ nguyên liệu là gỗ tự nhiên cần thực hiện trên cả khía cạnh chính sách và các hoạt động thực tiễn trong khâu nhập khẩu và tiêu dùng nội địa. Về khía cạnh chính sách, siết chặt quản lý trong khâu nhập khẩu đối với nguồn gỗ rủi ro theo tinh thần của Nghị định 102, đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu cần được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Các doanh nghiệp đảm bảo, cam kết và chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ trong bộ hồ sơ nhập khẩu.

Điều đó cho thấy, tiêu chí xuất xứ đối với đồ gỗ xuất khẩu theo EVFTA tuy thuận lợi, nhưng doanh nghiệp cũng không thể chủ quan trong đảm bảo nguyên liệu gỗ hợp pháp mới có thể tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường EVFTA.

Thọ Xuân