Thị trường nhập khẩu gỗ Đài Loan

Xu hướng và cơ hội Đài Loan có gần 60% diện tích được che phủ bởi rừng. Mặc dù có trữ lượng rừng lớn, do đã khai thác quá nhiều, bên cạnh đó là vì các quy định về môi trường, giá hàng nhập khẩu thấp




Trong vòng 3 năm qua, lượng gỗ nhập khẩu vào Đài Loan tương đối ổn định, khoảng trên 550.000m3/năm. Năm 2008, Đài Loan là thị trường nhập khẩu lớp gỗ mặt làm từ gỗ nhiệt đới lớn thứ 2 trên thế giới, với số lượng gần 136.000m2 và đồng thời là nhà sản xuất gỗ dán nhiệt đới lớn thứ 5 trong số các thành viên của Tổ chức Gỗ nhiệt đới Quốc tế (International Tropical Timber Organization – ITTO) với sản lượng 717.000m3. Số liệu của Bộ Kinh tế Đài Loan cho thấy, năm 2009, Đài Loan nhập khẩu trên 870 triệu USD gỗ các loại, trong đó chủ yếu là gỗ tròn, gỗ xẻ, lớp gỗ mặt (của gỗ dán) và gỗ dán. 10 thị trường xuất khẩu hàng đầu về gỗ các loại vào Đài Loan theo thứ tự từ trên xuống về kim ngạch năm 2009 gồm Malayssia, Indonesia, Trung Quốc, Australia, Mỹ, Thái Lan, Canada, Myanmar, New Zealand và Việt Nam.

Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ Đài Loan (Taiwan Lumber Association), trên một nửa lượng gỗ cây vân sam (loại gỗ mềm dùng làm giấy), gỗ thông và gỗ linh sam loại 2 được sử dụng làm các tấm pa-lét nâng hàng. Gỗ thông loại thấp cấp vẫn được sử dụng để làm các tấm pa-lét nâng hàng trên thị trường do chi phí thấp, mặc dù thực tế khí hậu ẩm và các vấn đề mối mọt khiến gỗ là vật liệu thiếu tính lý tưởng. Các tấm pa-lét nâng hàng bằng gỗ bị hỏng thường không được sửa chữa do chi phí lao động ở Đài Loan khá cao. Các mảnh pa-lét nhỏ có thể được tái chế làm vật liệu hỗ trợ, sửa chữa hoặc bỏ đi.

Mức tận dụng gỗ ở Đài Loan khoảng trên 60%, một số nhà sản xuất ở đây còn có thể đạt tới 90%, là mức khá cao so với các nền kinh tế Đông Nam Á và Trung Quốc Đại lục (40-50%). Do đó, theo xu hướng toàn cầu hóa và tình hình thiếu gỗ nguyên liệu trầm trọng trên toàn cầu, Đài Loan hiển nhiên có nhiều lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực chế biến gỗ trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, do có diện tích nhỏ, nên thiếu gỗ nguyên liệu đang là một trong những vấn đề chính mà ngành công nghiệp chế biến gỗ của Đài Loan đang phải đối mặt. Mặc dù Đài Loan nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nhiều nước nhưng nền kinh tế này khó có thể duy trì nguồn cung ổn định do các vấn đề chính trị khu vực đang dẫn tới nhiều rào cản thương mại.

Các loại gỗ cứng nhiệt đới sẫm màu được sử dụng khá phổ biến ở Đài Loan. Tuy nhiên, gần đây do các vấn đề về tính sẵn có của gỗ nguyên liệu, giá cả gia tăng và sự cập nhật thời trang nên xu hướng sử dụng các loại gỗ trọng lượng nhẹ hơn, sáng màu hơn như gỗ sồi, gỗ tần bì… cũng đang tăng lên ở Đài Loan. Hiện có nhiều cơ hội trong ngành gỗ ở Đài Loan cho các loại gỗ thông phẩm cấp thấp; gỗ khúc hoặc gỗ thanh từ loại gỗ cứng và gỗ mềm, gỗ long não, gỗ linh sam, gỗ đàn hương; bột gỗ.

Ở Đài Loan, giá bán là yếu tố thúc đẩy các quyết định mua hàng. Các nhà nhập khẩu gỗ ở Đài Loan có xu hướng quen với những sản phẩm gỗ có sẵn từ những thị trường cung cấp gỗ chính. Người tiêu dùng cuối cùng thường dựa vào thông tin nhà nhập khẩu. Điều này khiến nhà nhập khẩu trở thành “người gác cổng” chính quyết định loại gỗ nào được quảng bá và nên mua hàng từ nhà cung cấp nào.

Cạnh tranh để cung cấp cho các phân đoạn thị trường truyền thống (gồm gỗ tròn, gỗ xẻ, lớp gỗ mặt (của gỗ dán), gỗ dán, đồ nội thất, đồ trang trí bằng gỗ…) dựa chủ yếu vào việc xây dựng các mối quan hệ và đàm phán giá cả do sức mạnh của các nhà nhập khẩu Đài Loan và các chính sách thương mại mở của nền kinh tế này. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực sản phẩm mới như khung gỗ làm nhà ở thì các nỗ lực quảng bá không chỉ tạo cơ hội phát triển doanh thu xuất khẩu vào thị trường này mà có hoàn toàn cần thiết để xóa bỏ dần sự e ngại của các nhà thầu xây dựng/ kiến trúc sư và người tiêu dùng… còn chưa quen với các dòng sản phẩm mới đó.

  • Tags: