I. Điều kiện tự nhiên

1. Vị trí địa lý

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (KTTĐBB) có tổng diện tích 15.289 km2 (chiếm 4,64% diện tích cả nước), dân số 13,380 triệu người (bằng 16,31% so với cả nước). Vùng KTTĐBB có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng đối với cả nước, thể hiện ở những đặc điểm sau đây:

Trong Vùng có thủ đô Hà Nội – là trung tâm văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; là đầu mối giao thương bằng cả đường biển, đường sắt và đường hàng không; có các cụm cảng biển quan trọng như cảng Hải Phòng, cảng Cái Lân, các tuyến quốc lộ, đường sắt, đường sông toả đi các vùng khác trong cả nước và quốc tế.

2. Địa hình

Vùng KTTĐBB nằm giữa 02 bộ phận lãnh thổ đồng bằng châu thổ sông Hồng và sườn núi Đông Bắc. Do hoạt động kiến tạo địa chất, một phần lãnh thổ của địa bàn (gồm Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên và Hải Phòng) tích tụ phù sa của sông Hồng và sông Thái Bình, dải đồng bằng nam Quảng Ninh đến Hải Phòng tích tụ phù sa sông và phù sa biển. Vùng có bờ biển dài 500 km, một số điểm có vịnh sâu kín gió, thuận lợi cho xây dựng cảng nước sâu, tạo ra cửa ngõ thông thương và giao lưu quốc tế cho vùng Bắc bộ và cả nước.

3. Khí hậu

Toàn Vùng chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa trong năm, hướng gió chủ đạo là đông nam (mùa hè) và đông bắc (mùa đông). Nhiệt độ trung bình toàn vùng: 23-250C. Mùa mưa từ tháng 5-10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

Nhìn chung, khí hậu toàn Vùng là nóng ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho phát triển các ngành chế biến nông, lâm nghiệp nhưng cũng có nhiều thiên tai như bão, lũ lụt trở ngại cho phát triển kinh tế.

4. Sông ngòi

ở phía Bắc có các hệ thống sông lớn: sông Hồng, sông Cầu và các nhánh sông như: sông Đuống, sông Luộc… Các hệ thống sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bạch Đằng. Bên cạnh các hệ thống sông là mạng lưới sông suối nhỏ, kênh mương thuỷ lợi  phục vụ cho phát triển kinh tế.

5. Biển và cảng biển

Hệ thống cảng biển Quảng Ninh gồm: cảng nước sâu Cái Lân có khả năng đón tầu từ 3-5 vạn tấn, hiện đang được xây dựng và nâng cấp với lượng hàng hoá thông qua cảng khoảng 18-21 triệu tấn vào năm 2020. Cảng Hòn Nét – Hạ Long là cụm cảng trung chuyển hàng hoá có khả năng cho tàu 10-15 vạn tấn cập cảng. Cảng Hòn Gai hiện đang chuyển thành cảng du lịch quốc tế. Cảng Cửa Ông, Nam Cầu Trắng chuyên dùng để xuất than. Cảng chuyên dùng B12 để vận chuyển xăng dầu cho khu vực phía Bắc.

Cảng Hải Phòng dài 12 km, gồm 4 khu cố định là cảng chính, cảng Chùa Vẽ - Đoạn Xá, cảng Cửa Cấm, cảng Vật Cách và một cảng nổi chuyển tải Hạ Long nhằm giảm tải các tàu lớn trên 1 vạn tấn trước khi vào cảng chính. Hàng hoá thông qua các cụm cảng Hải Phòng thực hiện năm 2005 là 15,3 triệu tấn. Tháng 5 năm 2005, cầu cảng 20 000 tấn Đình Vũ đã được đưa vào hoạt động, ngoài ra còn có cảng nước sâu Lạch Huyện sắp được triển khai. Dự kiến lượng hàng hoá được khai thác thông qua cảng Hải Phòng đến năm 2010 sẽ tăng lên 25 – 3- triệu tấn/năm.

II. Tiềm năng và nguồn lực

1. Tiềm năng về đất

Hiện trạng sử dụng đất của toàn Vùng năm 2005 như sau:

- Đất phục vụ nông nghiệp: 582,5 ngàn ha, chiếm 38,1%.

- Đất lâm nghiệp có rừng: 33,5 ngàn ha, chiếm 21,81%.

- Đất chuyên dùng: 191 ngàn ha, chiếm 12,49%.

- Đất ở: 68,3 ngàn ha, chiếm 4,47%.

2. Tài nguyên nước

a. Nước mặt:

ở phía Bắc có các hệ thống sông lớn: sông Hồng, sông Lô, sông Cầu và các chi nhánh của nó: sông Đuống, sông Luộc… Các hệ thống sông khác có: sông Đáy, sông Nhuệ, sông Bạch Đằng. Hệ thống các sông có khả năng cung cấp nguồn nước cho nhu cầu sản xuất, tuy nhiên một đặc điểm quan trọng của tài nguyên nước mặt trong Vùng là phân phối không đều trong năm: mùa khô kéo dài 7-8 tháng nhưng lượng mưa chỉ chiếm tới 70-80%. Sự phân bố bất lợi đó thường xuyên gây khô hạn khắc nghiệt trong mùa khô, còn trong mùa mưa lũ gây ngập úng nghiêm trọng.

b. Nước ngầm

Nguồn nước ngầm của Vùng KTTĐBB có trữ lượng tương đối lớn so với các vùng khác trong cả nước. ở hầu hết địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh có nguồn nước ngầm phân bố rộng, lưu lượng nước lớn, vào mùa khô vẫn có thể khai thác nước ngầm để đảm bảo cho sinh hoạt và sản xuất.

3. Tài nguyên khoáng sản

Trong Vùng có nguồn tài nguyên khoáng sản với trữ lượng tương đối lớn như đá vôi , xi măng chiếm trên 22% trữ lượng của cả nước; cao lanh chiếm 41%; than đá chiếm 98%. Tổng hợp các nguồn tài nguyên khoáng sản của vùng như sau:

a. Than: Tập trung chủ yếu tại Quảng Ninh với tổng trữ lượng tính từ mức -300 trở lên khoảng 3,8 tỷ tấn (tính đến 1/1/2005). Ngoài ra còn có bể than nâu vùng trũng đồng bằng sông Hồng, Từ Khoái Châu - Đông Hưng, Thái Bình ở độ sâu – 1000 m trữ lượng ước tính 28,7 tỷ tấn, trong đó một phần nằm trong lòng đất của Hà Nội, Hải Dương và Hưng Yên. Tại Hưng Yên, than nâu được đánh giá là có trữ lượng khá lớn chưa khai thác (C1+C2: 166,2 triệu tấn ở huyện Châu Giang ở độ sâu – 450 m).

b. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng

- Đá vôi: Các mỏ đá vôi tập trung nhiều ở Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương. Tại Hải Phòng, các mỏ đá vôi tập trung chủ yếu ở Tràng Kênh, Cát Bà có tổng trữ lượng trên 200 triệu tấn. Tại Quảng Ninh, đá vôi có trữ lượng trên 2 tỷ tấn. Tại Hải Dương, đá vôi có trữ lượng khoảng 200 triệu tấn. Tại Hà Tây, đá vôi làm xi măng có trữ lượng là 288 triệu tấn.

- Đất sét làm vật liệu xây dựng: Hà Nội có nguồn đất sét khó chảy tại huyện Sóc Sơn làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp gốm sứ và sét gạch ngói trữ lượng khoảng 30 triệu tấn, sét dùng cho sản xuất xi măng khoảng 60-80 triệu tấn. Quảng Ninh có 7 mỏ sét xi măng với tổng trữ lượng khoảng 200 triệu tấn. Hải Dương có các mỏ sét xi măng Hoàng Thạch (trữ lượng 65 triệu tấn), sét gạch ngói Đại Tân (trữ lượng 215 triệu tấn), sét chịu lửa Trúc Thôn (trữ lượng 8 triệu tấn); Hưng Yên có trữ lượng đất sét là 67,8 triệu m3. Vĩnh Phúc có 10 mỏ sét gạch ngói, tổng trữ lượng 51,8 triệu m3. Bắc Ninh có mỏ đất sét làm gạch, ngói, gốm, với trữ lượng khoảng 1,24 triệu tấn.

- Cao lanh: Tại Hà Nội, một số mỏ cao lanh trên địa bàn huyện Sóc Sơn với trữ lượng 1.117,8 ngàn tấn. Quảng Ninh, các mỏ cao lanh có chất lượng tốt, trữ lượng 90.456.144 tấn; cao lanh – pyrophilit ở khu vực Tấn Mài huyện Quảng Hà (Quảng Ninh) làm nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất gạch chịu lửa, chất phụ gia xi măng trắng, gốm, sứ cao cấp và giấy có trữ lượng 68.928.000 tấn. Nguồn nguyên liệu cao lanh ở các tỉnh khác trong Vùng như: Hải Dương: 40.000 tấn; Vĩnh Phúc khỏng 4 triệu tấn.

- Cát thuỷ tinh: Trong Vùng cát thuỷ tinh có ở các huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), ngoài ra còn phân bố ở các đảo Ngọc Vừng (Vân Đồn), Vĩnh Trung, Vĩnh Thực, Bình Ngọc (Móng Cái), Cô Tô Con, Cô Nam (Cô Tô) trữ lượng khoảng 5.804.000 tấn.

- Đá xây dựng và ốp lát:

Trữ lượng đá xây dựng và ốp lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trên 1 tỷ m3. Tại Vĩnh Phúc: đá xây dựng và đá ốp lát có 3 mỏ với tổng trữ lượng 307 triệu m3. Tại Bắc Ninh: đá cát kết với trữ lượng khoảng 1 triệu tấn ở Thị Cầu (Bắc Ninh), đá sa thạch ở Vũ Ninh – Bắc Ninh có trữ lượng khoảng 300.000 m3.

c. Nhóm nguyên liệu làm phân bón

Tại Hà Tây than bùn có ở Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ, ứng Hoà, Thạch Thất, Quốc Oai, Sơn Tây, Hoài Đức và Phú Xuyên, các lớp than bùn có chiều dày từ 0,1-0,3 m với trữ lượng khoảng 3 triệu m3. Ngoài ra còn có than bùn ở Yên Phong (Bắc Ninh) với trữ lượng 60.000 tấn – 200.000 tấn.

4. Tài nguyên rừng

Vùng KTTĐBB là vùng  không nhiều tiềm năng về rừng và kinh tế rừng. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng: 33,5 ngàn ha, bằng 21,81% diện tích cả vùng. Trong 8 tỉnh thuộc vùng KTTĐBB, Hưng Yên là tỉnh không có diện tích đất lâm nghiệp có rừng. Các địa phương tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Tây, Bắc Ninh, diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm tỷ lệ nhỏ trong diện tích tự nhiên. Trong số các khu rừng cấm quốc gia Tam Đảo ở Vĩnh Phúc có nhiều loại dược liệu và các động thực vật quý hiếm, là nguồn dược liệu quý cho phát triển dược phẩm.

5. Nguồn nhân lực

Theo Tổng cục Thống kê TW, năm 2005 dân số toàn vùng KTTĐBB là 13.380.900 người, chiếm 16,31% dân số cả nước. Hà Nội là thành phố đông dân nhất với 3.082.800 người và Bắc Ninh là tỉnh có số dân ít nhất trong vùng 987.400 người. Cơ cấu dân cư trong vùng như sau:

- Nam giới: 6.598.600 người, nữ giới: 6.782.300 người, chiếm tỷ lệ 49,31: 50,69%.

- Dân số thành thị: 4.114.700 người, nông thôn: 9.266.200 người, chiếm tỷ lệ 30,75:69,25%.

- Dự báo dân số của Vùng đến năm 2010 là 14 triệu người, năm 2020 17,3 triệu người.

Vùng KTTĐBB là vùng có đội ngũ lao động kỹ thuật, lao động có trình độ chuyên môn cao, có các trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn của cả nước. Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm 32,0%. Đây là một tiềm năng, lợi thế so sánh lớn, cần được phát huy tạo ra sự phát triển nhanh, mạnh, vững chắc của Vùng.

6. Cơ sở hạ tầng

Nhìn chung, cơ sở hạ tầng vùng KTTĐBB tương đối tốt so với các vùng khác trong cả nước. Đây là một tiềm năng rất quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội trong Vùng và điều này được thể hiện rất rõ ở các mặt:

1. Hệ thống giao thông

a. Hệ thống đường bộ:

+ Quốc lộ số 1: tuyến Bắc Nam từ Lạng Sơn về đi qua: Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây.

+ Tuyến quốc lộ số 2: Từ Hà Nội - Vĩnh Phúc đi qua các tỉnh Tây Bắc.

+ Tuyến quốc lộ 3: Từ Hà Nội  - Thái Nguyên và các tỉnh phía Bắc.

+ Tuyến quốc lộ 5: Hà Nội - Hải Phòng đi tới các tỉnh Đông Bắc.

+ Quốc lộ 6: Hà Nội - Hà Tây đi lên các tỉnh Tây Bắc.

+ Tuyến đường 18: Bắc Ninh - Hải Dương đi Quảng Ninh.

b. Hệ thống đường sắt:

Tuyến đường sắt quốc gia đi các tỉnh trong Vùng, trong đó Hà Nội là đầu mối của 5 tuyến đường sắt quốc gia và 2 tuyến đường sắt quốc tế. Ngoài ra ở một số tỉnh còn có tuyến đường sắt chuyên dùng phục vụ công nghiệp của tỉnh.          

c. Hệ thống đường thuỷ:

Biển và bờ biển trong Vùng kéo dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) tới cửa sông Thái Bình (Hải Phòng) với chiều dài 500 km. Đây là nơi có các cảng biển lớn của cả nước, nơi xuất phát của các tuyến đường biển quan trọng đi quốc tế và trong nước. Bên cạnh đó, mạng lưới sông ngòi phân bố khắp các tỉnh trong Vùng tạo ra nhiều tuyến đường thuỷ và các cảng sông lớn nhỏ. Lớn nhất là tuyến đường thuỷ trên sông Hồng từ phía Bắc xuống đi qua hầu hết các tỉnh trong Vùng: Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Hưng Yên.

d. Đường không:      

Trong Vùng có 3 sân bay hiện đang khai thác là sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay Cát Bi và sân bay Gia Lâm. Sân bay Cát Bi đang là sân bay nội địa đảm nhận vai trò dự bị cho sân bay Nội Bài; dự kiến sẽ kéo dài đường hạ, cất cánh sẽ đạt khoảng 2.800 mét, mở rộng nhà ga từ 4.000 m2 lên 6000 m2, quy hoạch mở thêm đường bay khu vực và hướng tới xây dựng Cát Bi thành sân bay quốc tế. Sân bay Gia Lâm chủ yếu phục vụ quân sự và dịch vụ vận tải hàng hóa.

2. Hệ thống cung cấp điện.

Nguồn điện cấp cho cả Vùng lấy từ hệ thống lưới điện quốc gia, được cấp từ các nhà máy thuỷ điện Hòa Bình, Thác Bà; nhiệt điện Phả Lại, Ninh Bình, Uông Bí,… theo các đường dây 220kV, 110kV phân phối điện cho các tỉnh. Ngoài ra, vùng KTTĐBB còn liên hệ với các hệ thống điện các miền qua đường dây 500 kV. Các trạm biến áp các cấp và các tuyến đường dây phân phối điện về khu vực, đảm bảo hầu hết dân số trong Vùng được dùng điện lưới quốc gia.

3. Hệ thống cấp thoát nước và môi trường.

Hệ thống cung cấp nước sạch đã được nâng cấp, mở rộng ở các thành phố, thị xã. Trong vùng KTTĐBB đã có các nhà máy nước với tổng công suất cấp khoảng 60 vạn m3/ ngày đêm.

4. Hệ thống thông tin liên lạc.

Mạng lưới bưu chính viễn thông vùng KTTĐBB được chú trọng đầu tư, phát triển nhanh, rộng khắp đến hầu hết các xã với công nghệ, kỹ thuật số hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, phục vụ các ngành kinh tế - xã hội phát triển. Các tỉnh trong Vùng đều có Bưu điện trung tâm từ các tỉnh xuống đến các huyện, xã. Số máy điện thoại tính theo số dân của từng tỉnh tuy có khác nhau nhưng xu hướng chung là ngày càng gia tăng.

Nguồn: Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 ?

 

  • Tags: