“Tôi thích là con người của thực tiễn”

Tháng 12/2008, ông Từ Minh Thiện được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC). Sự bổ nhiệm này tạo nên mối quan tâm của nhiều người, không chỉ bởi những ảnh hưởng b

Sau hơn một năm, giờ đây “tân giám đốc” Từ Minh Thiện đã là “khách hàng thường xuyên” của giới doanh nhân...

* Xúc tiến thương mại và đầu tư có phải là lĩnh vực xa lạ với người hoạt động trong ngành nông nghiệp như ông?

- Cũng không quá xa lạ, bởi tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi là Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đồng thời là báo cáo viên của chương trình TTT (Train the trainers) của Tổ chức Xúc tiến Thương mại CBI - Hà Lan.

* Nhưng công tác xúc tiến thương mại giờ đây rộng lớn hơn nhiều so với phạm vi làm việc cũ?

- Đúng là môi trường làm việc rộng hơn. Trước, đối tượng chính của tôi là nông dân, cây giống, nông sản..., thì nay là điện tử, cơ khí, may mặc, đồ gỗ.... Hoạt động trong môi trường đa lĩnh vực là một sức ép vì đòi hỏi mình phải có lượng kiến thức rộng.

Muốn làm tốt phải hiểu cặn kẽ từng ngành, từ đó mới có thể đưa ra chương trình xúc tiến theo đúng yêu cầu của ngành, của doanh nghiệp. Sức ép đó buộc tôi phải tiếp cận nhiều, đi nhiều, đọc nhiều. May mắn là với vai trò báo cáo viên trước đây, nên tôi được trang bị nhiều kiến thức, lại có chuyên ngành kinh tế, nên cũng nắm bắt khá nhanh.

* Nếu vài năm qua, ITPC tạo được dấu ấn với công tác xúc tiến thương mại ra nước ngoài, thì có vẻ trong thời điểm này ông đang tập trung cho công tác xúc tiến thương mại trong nước. Điều này có đi ngược với định hướng?

Từ Minh Thiên (hàng trước bên trái) trong đêm hội Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tháng 1/2010

- Nhiệm vụ của ITPC là xúc tiến thương mại và đầu tư. Trong xúc tiến thương mại bao gồm cả xúc tiến thương mại nước ngoài và nội địa. Trước nay, ITPC mới chỉ tập trung vào công tác xuất khẩu, còn xúc tiến nội địa thì gần như giao khoán cho Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, một thành viên của ITPC, nên vai trò xúc tiến tại thị trường nội địa của ITPC không rõ ràng lắm. Qua khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới vừa rồi, xuất khẩu của doanh nghiệp gặp trở ngại, nên việc quay lại thị trường nội địa lại càng cần thiết.

Công việc mà chúng tôi tiến hành mới đây nhất là chủ động hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Khách hàng chính của ITPC là doanh nghiệp, nếu muốn liên kết rộng và sâu, thì tốt nhất là bắt tay với Hiệp hội và các hội chuyên ngành.

* Có không ít ý kiến cho rằng, nhiều chương trình xúc tiến thương mại gắn với các cuộc đi chơi?

- Lịch làm việc của mỗi chuyến xúc tiến thương mại hay đầu tư đều rất dày. Chương trình làm việc phải đúng đối tác. Công tác xúc tiến của Việt Nam nhìn chung cũng không khác các nước là mấy, tức phải đưa ra điểm mới, độc đáo, phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp. Tôi yêu cầu các phòng ban thiết kế chương trình xúc tiến phải đưa ra được định lượng chứ không phải định tính cho chương trình, điều đó sẽ giúp tránh được những chuyến đi vô bổ.

Năm 2010, chúng tôi xúc tiến cho một số ngành mũi nhọn, như cơ khí chính xác, hóa chất. Hai ngành này khó làm vì số doanh nghiệp ít, xuất khẩu ít, khó kêu doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, nhưng không phải không làm được.

* Theo ông, tiêu chuẩn cần có cho một người lãnh đạo công tác xúc tiến là gì?

- Năng động và tự chủ, sau đó là kiến thức thực tế. Chính sự nhạy bén sẽ giúp mình nắm được xu hướng phát triển của các ngành. Mỗi lần đi hội chợ, triển lãm, chúng tôi phải nắm được xu hướng tiêu dùng, vì đó là khâu rất quan trọng để mình triển khai các chương trình xúc tiến sao cho sát thực.

Có những kinh nghiệm lúc trước mình cho là đúng, nhưng khi va chạm thực tế rồi mới nhận ra không hoàn toàn như vậy. Ví dụ, tôi dẫn đoàn doanh nghiệp đồ gỗ và mỹ nghệ đi dự một hội chợ đồ gỗ ở Frankfurt (Đức). Vừa đến nơi, tôi nghĩ nếu mình có một trung tâm phân phối ở ngay đây cho doanh nghiệp thì sẽ rất thuận tiện, vừa là điểm đưa hàng hóa đến các điểm bán ở Đức, đồng thời giúp giảm chi phí giới thiệu, vận chuyển, và sau hội chợ có thể gửi hàng lại.

Nhưng sau khi nghiên cứu kỹ về ngành này, mới thấy kế hoạch trên không phù hợp. Vì xu thế hiện nay là các nước mua hàng sẽ chuyển thẳng đến khách hàng, mà trong đó bao gồm rất nhiều loại hàng hóa chứ không đơn thuần một mặt hàng. Xu hướng các nước phát triển là đưa trung tâm phân phối về các nước đang phát triển do có chi phí thấp, rồi đóng hàng và chuyển đi.

* Công tác xúc tiến thường gắn liền với tiền ngân sách nên có thể xảy ra “tiêu cực”?

- Làm công tác xúc tiến phải có lòng nhiệt huyết và đầu tư sức lực vào công việc, vào sự nghiệp chung. Còn nếu làm vì cái riêng thì tốt hơn là nên lập công ty cho riêng mình. Các doanh nghiệp nhìn vấn đề rất nhanh, nếu xảy ra thiên vị, như ngân sách chia sẻ không công bằng, chương trình xúc tiến không thực chất là “không xong” với họ. Do đó, làm xúc tiến là buộc phải chọn đúng đối tượng, để nguồn lực của thành phố không bị chệch hướng và phung phí.

* Vậy ông làm gì để ngăn ngừa xảy ra tiêu cực từ nhân viên?

- Đã giao việc thì phải tin tưởng thuộc cấp, nhưng cũng phải có cách để kiểm tra, giám sát. Kiểm tra thông qua các chuẩn mực, yêu cầu của công việc. Khi đưa ra công việc phải có tiêu chuẩn cụ thể, đối tượng nhắm đến là ai. Ví dụ chương trình quảng bá sang Campuchia, chúng tôi làm miễn phí cho doanh nghiệp. Nếu làm không khéo, sẽ có người dị nghị chúng tôi làm cho doanh nghiệp này mà không làm cho doanh nghiệp kia.

Do vậy chúng tôi phải đưa ra tiêu chí các doanh nghiệp phải có, như doanh nghiệp đã xuất khẩu và có định hướng xuất khẩu sang Campuchia; doanh nghiệp đã có thương hiệu trên thị trường Campuchia; có hệ thống phân phối; thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Rồi lại có thắc mắc vì sao chỉ làm cho doanh nghiệp lớn mà không làm cho doanh nghiệp nhỏ. Ở đây chúng tôi không có khái niệm lớn nhỏ, mà chỉ có doanh nghiệp nào đủ điều kiện và không đủ điều kiện mà thôi.

* Xúc tiến thương mại đã được định hình, còn với xúc tiến đầu tư?

- Các năm trước, ITPC chú trọng kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, hoặc tổ chức các đoàn đi ra nước ngoài mời gọi, giới thiệu dự án. Nhưng năm nay, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp đi đầu tư ở các nước, như ở Nga, Mỹ, Lào, Campuchia. Cái mới nữa là xúc tiến đầu tư giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh. Vừa qua, ITPC tổ chức sáu hội nghị xúc tiến đầu tư với các tỉnh và hai hội nghị xúc tiến đầu tư với Lào và Campuchia. Chính qua các hội nghị này mới thấy tiềm năng của doanh nghiệp và địa phương còn rất lớn, đôi khi còn lớn hơn cả đầu tư ra nước ngoài, nếu biết cách khai thác đúng.

* Ông dành thời gian cho xúc tiến thương mại hay xúc tiến đầu tư nhiều hơn?

- Tùy theo thời điểm. Ví dụ, năm 2009, với tình hình khó khăn khăn chung, không thể tập trung vào xúc tiến đầu tư, mà dồn vào xúc tiến thương mại nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã đề ra chương trình phát triển thị trường nội địa, như bán hàng lưu động, hội chợ triển lãm (cố gắng mang tính quốc tế bên cạnh hội chợ địa phương để thu hút khách nước ngoài, thay vì cử các đoàn đi nước ngoài), đặc biệt là nắm sở thích người tiêu dùng, khảo sát thị trường để tư vấn cho doanh nghiệp thành lập kênh phân phối... Chương trình này đã hoàn thiện tháng 7/2009.

Nhưng chúng tôi luôn nhắm đến mục tiêu lâu dài là giúp cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh - thành thu hút được nhiều nhà đầu tư, giúp cho doanh nghiệp đầu tư tốt hơn. Làm xúc tiến thương mại, hiệu quả có thể thấy ngay, còn xúc tiến đầu tư thì còn phải chờ vài năm sau, có khi chục năm sau. Hiện thành phố Hồ chí Minh có uy tín về xúc tiến đầu tư, nên Lào và Campuchia đã chủ động nhờ tổ chức mời gọi các nước đầu tư vào nước họ. Sắp tới, chúng tôi sẽ kết nối với các tổ chức xúc tiến ở các tỉnh - thành để cùng khai thác tiềm lực của nhau. Ví dụ, địa phương có kinh phí, nhân lực nhưng thiếu ý tưởng thì ITPC sẽ nhận làm giúp.

* Vậy nếu một tổ chức hay doanh nghiệp muốn ông, với tư cách cá nhân, trực tiếp xúc tiến đầu tư riêng cho họ, ông sẽ xử lý thế nào?

Làm việc với Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Los Angeles

- Đúng là không thiếu lời đề nghị tôi làm đại diện cho công ty này công ty kia, nhưng tôi khéo léo từ chối. Doanh nghiệp đối với tôi là khách hàng. Ngay cả nơi cũ tôi cũng có mối quan hệ tốt, thông qua họ để nắm được nguyện vọng, thực chất của từng lĩnh vực. Chúng tôi có chương trình đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp và chính quyền, kể cả qua mạng internet. Những cuộc đối thoại này cho chúng tôi rất nhiều ý kiến bổ ích.

* Ông có chịu sức ép bởi thành công từ những người tiền nhiệm?

- Mỗi người đều có “một thời” của mình, và người đi sau như tôi vẫn phát huy các chương trình cũ, nhưng cũng phải triển khai chương trình mới mang dấu ấn ITPC.

* Ông thích là con người của kế hoạch hay thực tiễn?

- Tôi thích làm con người của thực tiễn hơn. Phải là con người thực tiễn thì giải pháp mình đưa ra mới thích hợp. Tôi có may mắn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngay như trong các đam mê của mình là võ thuật, âm nhạc, thơ..., tôi cũng luôn học từ thực tiễn. Theo tôi, đối với người đàn ông, mọi điều trong cuộc sống cũng nên hiểu biết qua. Các-Mác nói: “Mọi điều thuộc về con người thì đều không xa lạ đối với tôi”. Đam mê nhiều thứ chỉ là kiến thức tổng quát, còn cái mà mình chọn thật sự cho mình một tính cách.

* Năm 2002, khi thành phố Hồ Chí Minh họp các nhà khoa học bàn về cách xử lý ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông đã đưa ra một mô hình rất hiện đại của Hà Lan...

- Năm 1998, tôi có đề xuất với Sở Nông nghiệp áp dụng phí môi trường, thuế môi trường, quota môi trường... Tiếc là ý kiến đó không hợp thời điểm. Đó là kinh nghiệm của những nước đi trước, ta rất cần học tập.

Rồi tôi đưa ra ý kiến xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản để cung cấp cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Tôi thuyết phục trong hai năm trời nhưng cũng không được chấp nhận. Sau đó, năm 2005 là dự án trung tâm giao dịch triển lãm nông sản 24hec-ta, hiện đang triển khai ở Củ Chi nhằm xây dựng thành một trung tâm đấu giá để xác định giá trị thực sự của sản phẩm nông sản.

Cũng có ý kiến cho rằng mô hình này đưa ra quá sớm so với thực trạng nông nghiệp nước ta. Còn tôi thì dự trù bỏ ra hai năm để thông tin liên tục, lập đội ngũ chuyên đấu giá, huấn luyện nông dân, doanh nghiệp nhằm hướng đến tham gia vào thị trường nông sản thế giới.

* Rút kinh nghiệm trên, giờ đây ông ưu tiên các sáng kiến ngắn hạn hay dài hạn cho ITPC?

- Dài hạn là chính, vì tác động của ITPC không chỉ ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các tỉnh - thành. Chúng tôi sắp cho ra đời Câu lạc bộ Doanh nghiệp xuất khẩu, tập hợp các doanh nghiệp lại để tìm đối tác, tổ chức huấn luyện, hội thảo, hướng doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại của nhiều nước bằng những tiêu chuẩn phải đạt được.

Chúng tôi cũng triển khai ứng dụng các chương trình games giải trí vào huấn luyện, nhằm qua những lớp học này, doanh nghiệp biết ngay hiệu quả quyết định của mình, mà không mất quá nhiều công sức, tiền của nếu đưa ra quyết định trên thương trường thật.

* Là hội viên Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, âm nhạc có phải là một phần đời sống của ông?

- Sáng tác nhạc là nghề tay trái, giúp tôi cân bằng cuộc sống. Tôi có tham gia nhiều trại sáng tác âm nhạc, nhưng rồi công tác quản lý không cho phép sáng tác được nhiều. Viết ca khúc hay giao hưởng luôn đòi hỏi sáng tạo, cũng như cách làm xúc tiến thương mại vậy. Vì thế âm nhạc phần nào giúp tôi nhạy bén trong công việc quản lý.

* Xin cảm ơn ông!

  • Tags: