Một số biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ tháng 8/2021 đến tháng 7/2022), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 61,4 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực, trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu đạt 16,4 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%.

Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 8 tháng qua sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt và chứng kiến sự chuyển dịch tích cực, không chỉ tập trung vào các thị trường lớn, cửa ngõ EU như Đức, Hà Lan, Pháp… mà còn tiếp cận tốt các thị trường nhỏ hơn như tại Bắc Âu, Đông Âu hay Nam Âu.

Xuất khẩu tôm Việt Nam
 Tôm hiện là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU. Tính tới tháng 10/2022, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt 618 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và đa dạng hóa, khi không chỉ các mặt hàng chủ lực đạt tốc độ tăng ấn tượng, như máy móc và thiết bị (tăng 34,8%), dệt may (41,2%), giày dép (36,2%)... mà kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng đang tăng ở mức rất cao, đáng kể như cà phê (tăng 54,4%), thủy sản (tăng gần 42%), rau quả (18%), hồ tiêu (25%), gạo (22,2%)…

Theo đánh giá của các chuyên gia, những ưu đãi cắt giảm thuế quan theo EVFTA cũng góp phần đáng kể giúp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị phần tại EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm rõ những quy định về phòng vệ thương mại của EU để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước đối tác, nhất là khi EU có hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ về các nội dung này và rất có kinh nghiệm trong việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Tính tới hết năm 2021, EU đã điều tra, áp dụng 14 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 06 vụ việc điều tra chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp, 01 vụ việc tự vệ và 06 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại liên quan đến nhiều mặt hàng như giày mũ da, mì chính, ống tuýp thép, ốc vít, xe đạp, bật lửa ga, xe nâng bằng tay, đèn huỳnh quang, vòng khuyên kim loại, oxide kẽm, sợi polyester, thép…

Từ năm 2018, EU không khởi xướng điều tra vụ việc phòng vệ thương mại mới nào với Việt Nam mà chỉ tiến hành rà soát các vụ việc trước đây. Hiện nay, các vụ việc phòng vệ thương mại mà EU điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đều đã hết hạn áp thuế hoặc chấm dứt điều tra, ngoại trừ vụ việc EU áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm thép. Với vụ việc này, hàng năm EU tiến hành rà soát định kỳ.

Ngày 17 tháng 12 năm 2021, Ủy ban Châu Âu (EC) khởi xướng điều tra rà soát (định kỳ hàng năm) biện pháp tự vệ đang áp dụng với một số sản phẩm thép nhập khẩu. Theo số liệu thống kê của EU, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thép đang bị áp thuế tự vệ của Việt Nam vào EU đạt khoảng 176 triệu USD.

Ngày 08 tháng 7 năm 2021, EC kết luận rằng ngành sản xuất nội địa Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng nếu không gia hạn biện pháp, các nhà sản xuất thép EU vẫn đang thực hiện điều chỉnh để thích nghi với sự gia tăng nhập khẩu thép. Vì vậy, EC quyết định gia hạn thời gian áp dụng biện pháp tự vệ theo hình thức hạn ngạch thuế quan (TRQ) đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu thêm 3 năm, có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng  7 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Theo kết luận này, EC tiếp tục duy trì cách thức phân bổ hạn ngạch kết hợp giữa phân bổ hạn ngạch riêng theo từng nước và hạn ngạch chung cho các nước còn lại. Thuế trong hạn ngạch là 0%, trong khi thuế ngoài hạn ngạch là 25%.

Việt Nam tiếp tục bị áp dụng TRQ chung với các nước khác theo từng quý đối với các sản phẩm thép nhóm 2 (thép tấm cán nguội); nhóm 5 (thép mạ, phủ, tráng); nhóm 9 (thép tấm không gỉ); nhóm 24 (ống thép đúc). Đối với các nhóm sản phẩm thép khác, Việt Nam được loại trừ theo tiêu chí nước đang phát triển có thị phần nhập khẩu không đáng kể (dưới 3%).

Trường hợp thị phần nhập khẩu một nhóm sản phẩm thép khác từ Việt Nam vào EU vượt quá 3%, nhóm này sẽ bị đưa vào danh sách áp dụng TRQ trong các lần rà soát hành chính hàng năm. Mức TRQ áp dụng từ ngày 1 tháng 7 năm 2021 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022.

Trong cam kết về phòng vệ thương mại, Hiệp định EVFTA quy định việc áp dụng quy tắc lựa chọn mức thuế thấp hơn. Cụ thể, khi Việt Nam hoặc EU áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, mức thuế được áp dụng phải căn cứ vào biên độ phá giá hoặc biên độ trợ cấp (tùy thuộc vào biên độ nào là thấp hơn) và chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại.

Thực tế, trong gần một nửa số trường hợp, các biện pháp chống bán phá giá do EU áp dụng đối với nhà xuất khẩu riêng lẻ được đặt ở biên độ thiệt hại thay vì biên độ phá giá cao hơn. Điều này cho thấy, mức thuế mà EU đưa ra sẽ không nhằm mục đích trừng phạt mà chỉ ở mức tối thiểu cần thiết nhằm khôi phục lại một “sân chơi” bình đẳng cho các ngành công nghiệp của EU. Ngoài ra, Việt Nam và EU sẽ không áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích công cộng.

Cũng theo cam kết, phòng vệ thương mại áp dụng khi có sự gia tăng nhập khẩu quá mức từ các bên ký kết Hiệp định EVFTA do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo EVFTA dẫn đến việc ngành sản xuất bị thiệt hại hoặc có nguy cơ bị thiệt hại nghiêm trọng. Biện pháp tự vệ song phương chỉ được áp dụng trong 10 năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực. Ngoài khoản này, việc áp dụng phải được sự đồng ý của bên bị áp dụng.

Uyên Chi