Phụ tải lập nhiều kỷ lục mới
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trong tuần 17/2024 (ngày 22/4-28/4), mặc dù bắt đầu dịp nghỉ 30/04 - 1/5 tuy nhiên do ảnh hưởng bởi diễn biến nắng nóng 3 miền, đặc biệt tại miền Bắc nên nhu cầu phụ tải ở mức cao với sản lượng trung bình ngày, đạt 946,6 triệu kWh, cao hơn so với tuần trước khoảng 65,4 triệu kWh (cao hơn so với phương thức tháng 4 khoảng 80,9 triệu kWh), riêng miền Bắc phụ tải bình quân tuần qua tăng hơn 31,7 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó.
Đáng chú ý, trong tuần, nhiều kỷ lục mới về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày đã được thiết lập.
Vào lúc 13h30 ngày 27/4/2024, công suất cực đại toàn quốc đã lên tới 47.670 MW,
Sản lượng điện tiêu thụ toàn quốc ngày 26/4/2024 đã lên tới 993,974 triệu kWh.
Tính từ đầu năm đến nay, phụ tải Quốc gia tăng trưởng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023 (miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung 8,5%, miền Nam 11,7%).
So với cùng kỳ năm 2023, có những ngày như 26/4, sản lượng ngày của hệ thống điện quốc gia tăng 23,1%, sản lượng điện hệ thống điện miền Bắc tăng 35,5%; ngày 27/4, công suất cực đại hệ thống điện quốc gia tăng 20,2%, công suất cực đại hệ thống điện miền Bắc tăng 19,9%.
Đặc biệt, theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0), phụ tải miền Bắc tăng mạnh đạt sản lượng lớn nhất 457,4 triệu kWh ngày 27/4 (tăng 43 triệu kWh so với ngày lớn nhất tuần trước đó) đồng thời đồ thị phụ tải có sự dịch chuyển cao điểm khi bắt đầu có nắng nóng với sự xuất hiện cao điểm trưa 13h - 15h và cao điểm tối 21h - 23h với khả dụng có thể đáp ứng được khoảng 23.000MW. Dự kiến A0 sẽ thông báo dịch chuyển giờ cao điểm của thuỷ điện nhỏ vào các khung thời gian này để hỗ trợ công suất.
Dù phải đối mặt với tình trạng phụ tải hệ thống tăng cao như vậy, tình hình cung ứng điện tuần qua vẫn tiếp tục được đảm bảo tốt.
Cập nhật số liệu về công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ ngày có xu thế giảm dần, cụ thể đến ngày 29/4/2024, công suất cực đại giảm xuống còn 41.601MW, sản lượng điện tiêu thụ ngày giảm xuống còn 879,360 triệu kWh. Tuy nhiên các số liệu này vẫn ở mức cao, đặc biệt so với ngày cùng kỳ năm 2023.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo quy luật hàng năm trước đây, mức tiêu thụ điện vào các kỳ nghỉ lễ, tết thường giảm mạnh so với các ngày trước lễ với mức thấp hơn khoảng 25%-30%; tuy nhiên đối với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, số liệu thống kê cho thấy tiêu thụ điện bình quân trong kỳ nghỉ lễ chỉ giảm khoảng 8% so với ngày thường trước lễ, đồng thời tăng rất cao so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023.
Cụ thể, trung bình ngày trong cả kỳ nghỉ lễ, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống điện Quốc gia ở mức khoảng 40.459 MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860.5 triệu kWh/ngày. Như vậy, nếu so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023 thì sản lượng điện bình quân ngày trong cả dịp lễ 30/4-1/5 năm nay tăng tới 37,2%, đồng thời công suất tiêu thụ cực đại toàn hệ thống trong dịp lễ cũng tăng tới 30.6%. Thậm chí ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ (27/4/2024) còn ghi nhận công suất tiêu thụ điện toàn quốc lập đỉnh mới với con số 47670 MW do diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở cả 3 miền.
Huy động tiết kiệm thủy điện
Tại miền Bắc, công tác vận hành nguồn điện được thực hiện điều hành linh hoạt, tiết kiệm các hồ thủy điện phù hợp với nhu cầu hạ du để giữ nước ở mức độ cao nhất nhằm đảm bảo cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2024. Trong đó, tiết kiệm triệt để các hồ thủy điện, đặc biệt các hồ có mực nước thấp, thực hiện các giải pháp đặt ràng buộc tăng huy động nhiệt điện để tiết kiệm thuỷ điện.
Đồng thời, để tận dụng khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc, truyền tải trên cung đoạn 500kV Nho Quan - Nghi Sơn duy trì mức xấp xỉ giới hạn cho phép với sản lượng truyền tải trong tuần 25,7 - 47,7 triệu kWh, công suất truyền tải tối đa có thời điểm ghi nhận đạt 2.483 MW.
Tại miền Trung và Nam, huy động tiết kiệm các thủy điện theo tình hình thủy văn thực tế và mực nước kế hoạch tháng để đảm bảo cung ứng điện.
Trước tình hình phụ tải miền Bắc tăng cao, để đảm bảo cung ứng điện và tiết kiệm thủy điện, A0 đã tạm hoãn các công tác nguồn, khởi động tổ máy 2 Ô Môn ngày 27/4 và huy động Phú Mỹ 4, Phú Mỹ 21 chạy LNG. Đồng thời, phối hợp Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Bắc (A1), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) yêu cầu thủy điện ACT phát hỗ trợ cao điểm phụ tải; giữ nước các hồ thủy điện dưới 2 ngày trong các thời điểm phụ tải thấp và tập trung phát vào cao điểm hệ thống.
Trong các ngày tới, căn cứ diễn biến thời tiết và dự báo phụ tải, các nhà máy nhiệt điện sẽ tiếp tục được thực hiện công tác sửa chữa để đảm bảo cung ứng điện trong các tháng mùa khô trọng điểm miền Bắc. Cập nhật giới hạn truyền tải Nho Quan - Nghi Sơn lên 2.450MW (cao hơn 100 MW).
Trong những ngày tới, Cục Điều tiết điện lực cho biết các nhà máy thủy điện sẽ khai thác theo tình hình thủy văn thực tế và định hướng điều tiết tối ưu trong kế hoạch vận hành tháng 5/2024, đáp ứng ràng buộc lưới điện/nhu cầu hệ thống, mực nước và yêu cầu cấp nước hạ du theo Quy trình liên hồ.
Các nhà máy nhiệt điện than được huy động theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, quán tính hệ thống và chất lượng điện áp.
Các nhà máy tuabin khí được huy động theo nhu cầu hệ thống, đồng thời đảm bảo các ràng buộc giới hạn truyền tải của lưới điện, chất lượng điện áp và yêu cầu vận hành an toàn, ổn định của các mỏ khí theo đề nghị của PV GAS.
Các nguồn năng lượng tái tạo được huy động cao nhất có thể theo nguồn nhiên liệu sơ cấp, đảm bảo hệ thống điện vận hành an toàn, tin cậy, ổn định và không làm quá tải các phần tử trên hệ thống điện.
Đồng thời, huy động các nguồn chạy dầu khi cần thiết và tạo điều kiện cho các nhà máy điện mới thử nghiệm.