Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI tại Đồng bằng sông Cửu Long

NGUYỄN TRUNG TRỰC (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (IUH))

TÓM TẮT:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (Foreign Direct Investment) vào Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng có vai trò rất quan trọng. Các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI - với ưu thế về công nghệ, quản lý và lợi thế về thị trường tiêu thụ của công ty mẹ sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ, tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, tăng trưởng GDP. Do đó, nghiên cứu các giải pháp để đẩy mạnh thu hút vốn FDI vào Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng.

Từ khóa: Đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Cơ sở lý luận

Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (Foreign Direct Investment) vào Việt Nam nói chung, ĐBSCL, nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, do:

- Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dịch vụ: Nhờ lợi thế về thị trường tiêu thụ của công ty mẹ, nên các DN FDI ở Việt Nam sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa dịch vụ, tăng thu ngoại tệ, tăng thu ngân sách, góp phần tái cơ cấu lại nền kinh tế của quốc gia, của khu vực ĐBSCL, thực hiện phân bổ các nguồn lực một cách tối ưu, có hiệu quả, tăng trưởng GDP, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.

- Các doanh nghiệp FDI là nguồn chuyển giao công nghệ tiên tiến ở Việt Nam và khu vực ĐBSCL: Thể hiện ở tác động của nó trong việc sử dụng các công nghệ hiện đại, phương thức tổ chức quản lý tiên tiến. Nhìn chung, trình độ công nghệ của các doanh nghiệp FDI, các DN liên doanh đều cao hơn công nghệ đang sử dụng ở Việt Nam và ở các nước có trình độ phát triển trung bình của khu vực Đông Nam Á, một số dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo máy tính, điện tử thuộc loại tiên tiến so với trình độ công nghệ thế giới. Sự xuất hiện của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tác động dây chuyền tích cực, như tăng mức độ cạnh tranh trên thị trường, giúp các nhà quản lý doanh nghiệp trong nước tiếp thu cách thức bố trí sản xuất, quản lý, tiếp thu công nghệ, kiểu dáng sản phẩm, nghệ thuật tiếp thị, phục vụ khách hàng…, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI từng bước gắn bó hơn. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư rất mạnh vào các lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, như: Sản xuất hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, du lịch…, đưa ra nhiều sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu tăng chất lượng đầu tư, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả, với điều kiện vốn trong nước còn hạn chế, đầu tư nước ngoài với ưu thế về công nghệ, kỹ năng quản lý tiên tiến và thị trường xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng nhất để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một nguồn vốn quan trọng để phát triển nền kinh tế Việt Nam và khu vực ĐBSCL hiện nay.

2. Thực trạng thu hút vốn FDI ở đồng bằng sông Cửu Long

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ĐBSCL đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy các DN ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh, góp phần hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa dịch vụ. Mặt khác, với lợi thế về thị trường tiêu thụ ở nước ngoài của công ty mẹ, các DN FDI đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, dịch vụ ĐBSCL thâm nhập thị trường quốc tế dễ dàng hơn, do đó, góp phần tăng trưởng GDP, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngoại tệ… Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành đã ban hành nhiều văn bản: Luật, nghị quyết, nghị định, thông tư… để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như: Năm 1987 ban hành luật đầu tư nước ngoài, ngày 28/8/2001 Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/2001/NQ-CP về tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài, Quyết định số 62/ QĐ-TTg ngày 17/05/2002 của Chính phủ ban hành danh mục dự án quốc gia gọi vốn đầu tư nước ngoài thời kỳ 2001-2005, Luật số: 67/2014/QH13, ngày 26/11/2014 ban hành luật Đầu tư… Với những nỗ lực trên, từ năm 1988 đến ngày 31/12/2016, ĐBSCL đã thu hút được một lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để khai thác tiềm năng thế mạnh của khu vực với 1.326 dự án, có tổng số vốn đăng ký 18.549,10 tỷ USD ở các địa phương như sau:

Khu vực ĐBSCL luôn đánh giá cao và kỳ vọng lớn ở DN FDI trong hoạt động xuất khẩu, điều này đã thể hiện ở chính sách ưu đãi xuất khẩu, nhưng DN FDI đóng góp vào sản xuất, xuất khẩu khu vực ĐBSCL còn nhiều hạn chế so với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, đó là sự độc quyền của một số DNNN trong một số lĩnh vực, như: Giao thông, bến cảng, sân bay… Làm cho chi phí đầu tư ở Việt Nam nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng còn cao. Một số chi phí đầu vào ở ĐBSCL có giá cao hơn so với một số nước trong khu vực, như: Chi phí vận tải hàng không, đường biển, đường bộ... Thị trường vốn, thị trường công nghệ phát triển chậm, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các qui định về thành lập, hoạt động, quản lý, chuyển đổi DN có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều bất hợp lý, cụ thể:

- Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém: Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tốt yêu cầu của nhà đầu tư: Cảng Cần Thơ chưa thể tiếp nhận tàu trọng tải lớn trên 10.000 tấn, giao thông thủy bộ còn nhiều bất cập, thường ùn tắc… chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các DN FDI giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư.

- Đào tạo nguồn lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu của các DN FDI: Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ có chất lượng cao, có lúc chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư FDI, nhất là trong xu hướng cách mạng 4.0.

- Các trường Đại học, nhất là Trường Đại học Cần Thơ từng lúc, từng nơi chưa phát huy tốt vai trò là trung tâm nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho các DN FDI.

- Về hình thức đầu tư, tổ chức DN, hình thức pháp lý còn một số bất cập: Việc cơ cấu lại vốn đầu tư, vốn pháp định, thay đổi tỷ lệ góp vốn của các bên liên doanh phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận. Việc chuyển nhượng vốn phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước. Các nhà đầu tư được lựa chọn một trong các hình thức đầu tư, nhưng việc chuyển đổi phải được sự phê duyệt của cơ quan quản lý. DN FDI mới chỉ được phép tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, chưa được thành lập công ty cổ phần, phát hành cổ phiếu, trái phiếu huy động vốn tại Việt Nam như hầu hết các nước trong khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc tổ chức lại DN (chia, tách, sát nhập, hợp nhất, chuyển đổi hình thức đầu tư) phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận.

- Về vốn pháp định của DN liên doanh còn nhiều qui định bất hợp lý: Đối với khoản vốn góp bằng tiền mặt, ngoài tiền nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được góp vốn bằng tiền Việt Nam có nguồn gốc đầu tư tại Việt Nam. Trên thực tế, qui định này không khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài dùng nguồn thu nhập hợp pháp bằng tiền Việt Nam để đầu tư tại Việt Nam, như: Thu nhập về chuyển giao công nghệ, cho vay, thừa kế… Ở một số nước, việc xác định thế nào là khoản đầu tư nước ngoài được dựa trên căn cứ chủ sở hữu của khoản đầu tư đó là ai, không phân biệt khoản đầu tư đó được mang đến từ đâu và do đâu mà có, miễn là hợp pháp. Việc điều chỉnh vốn đầu tư, vốn pháp định của DN 100% vốn nước ngoài phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận…

- Thủ tục thành lập DN còn chậm: Theo qui định của Luật Đầu tư, các thủ tục cấp giấy phép phải hoàn thành trong vòng 15 ngày, nhưng trên thực tế khó có thể thực hiện được điều này, do yêu cầu thẩm định chi tiết trước khi cấp giấy phép. Tuy một số dự án được áp dụng chế độ đăng ký cấp phép nhưng điều kiện rất khó khăn: Yêu cầu thẩm định trước khi cấp phép, không giúp cải thiện tình trạng tài chính của dự án khi triển khai, một vấn đề thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư. Thẩm quyền cấp giấy phép được qui định chưa hợp lý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ cấp giấy phép cho các dự án nhóm A, bao gồm các dự án thuộc các ngành nước giải khát, đường, sữa.

- Chính sách xuất nhập khẩu đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế: Hạn chế mua ngoại tệ đối với các dự án không được bảo đảm của Nhà nước. Nhiều yêu cầu được áp dụng chủ yếu cho những dự án đang làm thủ tục xin cấp giấy phép, mà không áp dụng cho những dự án đang hoạt động đã ngăn cản các nhà đầu tư mới vào Việt Nam.

- Các chính sách thường thay đổi, khó dự đoán, nhất là chính sách thuế: Các chính sách, nhất là chính sách thuế luôn thay đổi gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài như: Dự kiến tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng thực phẩm, nước ngọt, rượu bia, chuyển quyền giá trị sử dụng đất,… ; Tăng thuế suất thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; Chi phí lãi tiền vay, khi tính thuế thu nhập DN, tương ứng với số vốn vay không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đối với lĩnh vực sản xuất và không quá 4 lần đối với lĩnh vực khác…

Tất cả những tồn tại vướng mắc này làm giảm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực ĐBSCL, do đó, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP của khu vực.

3. Giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI khu vực ĐBSCL

Trên cơ sở các phân tích trên để đẩy mạnh thu hút FDI vào ĐBSCL, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng: Nhanh chóng hoàn thiện đầu tư cơ sở hạ tầng: Nâng cấp cảng Cần Thơ, đảm bảo tiếp nhận được tàu có trọng tải trên 10.000 tấn, giao thông thủy bộ, thông suốt, giảm đến mức thấp nhất tình trạng kẹt xe trên quốc lộ 1…, nhằm tạo điều kiện cho các DN FDI giảm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các DN FDI: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ với chất lượng cao, phù hợp với xu hướng của cách mạng 4.0, thỏa mãn nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho các DN FDI, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất khẩu.

- Khuyến khích các trường đại học, nhất là trường Đại học Cần Thơ thực hiện tốt các đơn đặt hàng của các DN FDI trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ.

- Tiếp tục thực hiện việc tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, không ban hành các qui định sửa đổi luật, Nghị định mang tính chất tình thế, chưa phù hợp với tinh thần luật đầu tư, như dự kiến tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng của một số mặt hàng thực phẩm, nước ngọt, rượu bia, chuyển giá trị quyền sử dụng đất,… ; Tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu; Qui định chi phí lãi tiền vay, khi tính thuế thu nhập DN, tương ứng với số tiền vay không quá 5 lần vốn chủ sở hữu, đối với lĩnh vực sản xuất và không quá 4 lần đối với lĩnh vực khác… Sửa đổi danh mục địa bàn ưu đãi, theo hướng tăng mức độ ưu đãi đối với những dự án, ngành, lĩnh vực khuyến khích ưu đãi đầu tư, những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo), như: Bán đảo Cà Mau, Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, biên giới, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu,…

- Đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư: Xây dựng phương án giải quyết việc gia hạn dự án theo tinh thần, nếu nhà đầu tư có nguyện vọng thì được tự động gia hạn. Đồng thời, công bố công khai mọi quy trình, thời hạn, trách nhiệm xử lý các thủ tục đầu tư FDI, nhằm tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về cải cách hành chính trong lĩnh vực này.

- Hoàn thiện chế độ kiểm tra, thanh tra: Qui định cụ thể chế độ kiểm tra, thanh tra nhằm chấm dứt tình trạng kiểm tra tùy tiện, tránh hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đi đôi với áp dụng các chế tài đối với những DN FDI vi phạm pháp luật, nhất là ở các lĩnh vực chuyển giá, môi trường...

- Sửa đổi qui định việc thành lập, tổ chức, quản lý DN FDI: Giải quyết các vướng mắc về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, khi cổ phần hóa DN FDI theo hướng đánh giá lại giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm cổ phần, có chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài dùng tiền thu được do bán cổ phần để tái đầu tư ở Việt Nam, thay cho biện pháp cấm chuyển tiền ra ngoài nước. Cho phép các tập đoàn, công ty đa quốc gia có nhiều dự án đầu tư ở Việt Nam được thành lập công ty quản lý (holding company), quỹ đầu tư để điều hành chung và hỗ trợ các dự án của họ. Đối với những ngành nghề, những lĩnh vực nhà nước cần nắm cổ phần chi phối cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua đến 40% cổ phần.

- Sửa đổi các chính sách, thủ tục về đất đai, tài chính, tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, thuế: Luật Đầu tư mới (có hiệu lực thi hành từ 01/07/2015) cho phép DN FDI được thế chấp tài sản gắn liền với đất đai và giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo vay vốn tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam. Qui định mới này là biện pháp quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN FDI tiếp cận nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả tổ chức tín dụng nước ngoài. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của qui định nói trên, cần sửa đổi Luật Đất đai, Pháp lệnh về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất tại Việt Nam nói chung, khu vực ĐBSCL nói riêng cho đồng bộ với qui định của Luật Đầu tư. Hoàn thiện các qui định về bảo đảm vay vốn, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh.

Từng bước thực hiện mục tiêu tự do hóa ngoại tệ đối với các giao dịch trên tài khoản vãng lai, đưa đồng tiền Việt Nam thành đồng tiền tự do chuyển đổi. Mặt khác, hoàn thiện thị trường chứng khoán theo hướng các DN FDI có thể góp vốn đầu tư bằng các nguồn vốn huy động dài hạn như: Trái phiếu, cổ phiếu. Tạo điều kiện thuận lợi để các DN FDI có đủ điều kiện được niêm yết tại Trung tâm giao dịch chứng khoán. Từng bước liên thông thị trường chứng khoán trong nước và thị trường chứng khoán nước ngoài, mở rộng qui mô và phạm vi hoạt động, kể cả thu hút FDI. Nghiên cứu bổ sung các chính sách ưu đãi có sức hấp dẫn cao đối với những lĩnh vực, địa bàn cần thu hút FDI theo hướng thực hiện chính sách thuế khuyến khích các dự án công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, bổ sung các ưu đãi cao hơn đối với các dự án sản xuất, chế biến nông thủy sản xuất khẩu; đầu tư vào nông thôn, các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, như: Bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, biên giới, đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu,… , các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Sửa đổi thuế thu nhập cá nhân theo hướng thống nhất một mức khởi điểm chịu thuế, một khung thuế suất giữa người nước ngoài cư trú tại Việt Nam và công dân Việt Nam, cá nhân khác định cư tại Việt Nam.

- Tiếp tục ký kết các Hiệp định bảo hộ đầu tư và tránh đánh thuế hai lần với những đối tác chính, mở rộng lĩnh vực đầu tư: Trên cơ sở các Hiệp định đã ký, như Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ… Theo các cam kết về mở cửa thị trường cho nhà đầu tư Hoa Kỳ, cũng như cam kết ở Hiệp định AIA, Việt Nam sẽ có lộ trình mở cửa từng bước các ngành nghề mà pháp luật hiện hành còn hạn chế, dưới hình thức các điều kiện đầu tư. Do vậy, để tăng cường tính minh bạch và dễ dự đoán được của luật pháp, chính sách cũng như thực hiện các cam kết hội nhập, cần xây dựng cơ chế đảm bảo quyền tự do lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nên công bố công khai, minh bạch điều kiện cấp phép đối với một số lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Đi đôi với xem xét nới lỏng và tiến tới loại bỏ các yêu cầu nói trên theo hướng chuyển sang sử dụng các biện pháp ưu đãi về tài chính là chủ yếu, thay cho các yêu cầu có tính áp đặt dưới hình thức kinh doanh có điều kiện…

- Đổi mới nội dung và phương pháp vận động, xúc tiến đầu tư theo một kế hoạch chủ động, có hiệu quả phù hợp với từng địa phương: Chú trọng xúc tiến đầu tư trực tiếp từng dự án, từng nhà đầu tư có tiềm năng. Đối với một số dự án lớn quan trọng, cần chuẩn bị kỹ dữ liệu dự án, lựa chọn đàm phán trực tiếp với các tập đoàn có tiềm lực về tài chính, công nghệ. Ngân sách nhà nước nên hỗ trợ một khoản kinh phí cho công tác này. Tập trung chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời các dự án đang hoạt động là biện pháp vận động có hiệu quả và có sức thuyết phục nhất.

- Thu hút nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách định cư vĩnh viễn: Việt Nam có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển với tốc độ cao, bất bình đẳng ngày càng thu hẹp, thực hiện dân chủ ngày càng tốt, nền văn hóa mang đậm bản chất nhân văn,… đang từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, dần dần trở thành nơi định cư lý tưởng cho các công dân của các nước, nhất là việt kiều. Theo Ronald Inglehart, nhà nghiên cứu ở trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ, Việt Nam xếp hạng thứ 28 trong 82 nước trên thế giới được tiến hành phân tích về nơi sống sung sướng nhất, do đó, Nhà nước cần có chính sách thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách cho phép nhà đầu tư nước ngoài nào đầu tư vào Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng từ mức 2 triệu USD và sử dụng lao động người Việt Nam từ 10 người trở lên, nếu có nguyện vọng sẽ được phép định cư vĩnh viễn tại Việt Nam như một số nước hiện nay đang thực hiện.

4. Kết luận

Với những giải pháp trên sẽ gia tăng sức hấp dẫn các FDI đầu tư vào ĐBSCL, góp phần thực hiện thành công chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn vùng trong thời kỳ mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

A. Trong nước

1. Trần Ngọc Thơ và cộng sự, 2005. Tài chính doanh nghiệp hiện đại. Nhà xuất bản Thống kê.

2. Nguyễn Trung Trực và nhóm tác giả, 2013. Tài chính doanh nghiệp 1. Nhà xuất bản Kinh tế

3. Nguyễn Trung Trực và nhóm tác giả, 2015. Quản trị tài chính. Nhà xuất bản Kinh tế.

4. Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế, 2005, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.

B. Nước ngoài

5. Bodie; Kane, Marcus, 2014, Investments, 10th edition– McGraw Hill

6. Edwin J. Eltonetal, 2010. Modern Portfolio Theory and Investment Analysis, Eighth Edition. John Wiley & Sons, Inc.

7. Erwin Bakker, Edward Rands, 2017. IFRS, by John Wiley & Sons, Ltd. All rights reserved.

8. Jonathan Berk, Peter DeMarzo, 2017. Corporate Financial, 4th. Published by Pearson Education.

9. Krugman, Obstfeld and Melitz, 2012. International economics, 9th edition.

10. Rechard Pike and Bill Neale. Corporate Finance and Investment, 5th edition. Published by McGraw-Hill.

11. Stephen A. Ross, Randolph W. Westerfield and Jeffrey Jaffe, 2016. Corporate Finance 11e th edition. Published by McGraw-Hill.

12. Joanne M.Flood, 2017. GAAP, Published by John Wiley & Sons, Ltd .

13. Jeff Madura, 2015. International Financial Management, 12th edition. Published by McGraw-Hill.

SOLUTIONS TO PROMOTE FOREIGN DIRECT

INVESTMENT - FDI IN THE MEKONG RIVER DELTA

● NGUYEN TRUNG TRUC

Faculty of Finance & Banking, Ho Chi Minh University of Industry, Viet Nam (IUH)

ABSTRACT:

Foreign direct investment (FDI) plays a very important role in Vietnam in general and the Mekong Delta (Mekong Delta) in particular. Foreign direct investment (FDI) enterprises possessing the advantage of technology, management and the consumption market will promote export; increase foreign currency income, budget revenues, and GDP growth and create jobs. Therefore, studying the solutions to promote FDI attraction in Vietnam in general, the Mekong Delta in particular is very important.

Keyworlds: Foreign Direct Investment, promote exporting.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây