Một số lưu ý trong chế độ kế toán tài sản cố định ở Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ THANH TÂM (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong chế độ kế toán doanh nghiệp (DN) hiện hành đã trình bày khá chi tiết các quy định hạch toán TSCĐ trong các DN: về chứng từ kế toán, về tài khoản kế toán, về sổ sách kế toán, về các thông tin của TSCĐ được trình bày trên báo cáo tài chính. Tuy nhiên, với việc hình thành nhiều công ty, tập đoàn liên doanh với nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam tham gia và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu… thì hệ thống kế toán DN hiện hành ở nước ta còn nhiều điểm bất cập so với các hệ thống kế toán trên thế giới. Vì vậy, một yêu cầu quan trọng đặt ra đối với các nhà kế toán và các nhà quản lý ở nước ta trong thời gian tới là nghiên cứu hoàn thiện hệ thống kế toán nói chung và hoàn thiện chế độ kế toán tài sản cố định trong DN nói riêng đáp ứng những đòi hỏi mới của sự phát triển kinh tế. Bài viết phân tích, đặt ra một số lưu ý trong chế độ kế toán tài sản cố định trong DN ở Việt Nam hiện nay và đề xuất giải pháp khắc phục.

Từ khóa: Tài sản cố định, tài sản cố định hữu hình, tài sản cố định vô hình, chế độ kế toán, tài khoản.

I. Cơ sở lý luận

TSCĐ trong các DN có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của DN, ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Vì vậy xây dựng một chế độ kế toán đặc biệt là chế độ kế toán TSCĐ phù hợp với các DN, góp phần tạo nên sự thành công của DN, cung cấp thông tin kinh tế, tài chính đáp ứng nhu cầu ra quyết định của nhà quản lý liên quan đến đầu tư, quản lý và sử dụng TSCĐ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng TSCĐ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của DN.

Chế độ kế toán TSCĐ là những quy định và hướng dẫn thực hiện tổ chức kế toán TSCĐ: Kế toán tăng, giảm TSCĐ; tình hình sử dụng TSCĐ; kế toán khấu hao và giá trị hao mòn của TSCĐ; kế toán sửa chữa TSCĐ; kiểm kê TSCĐ biểu hiện qua hệ thống chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, sổ kế toán và phản ánh trên báo cáo tài chính. Chế độ kế toán TSCĐ là phương tiện đảm bảo thông tin và truyền đạt các nội dung cụ thể về các quy định trong hạch toán TSCĐ, trong sử dụng chứng từ liên quan đến TSCĐ, cách sử dụng tài khoản kế toán và việc phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào sổ sách kế, phản ánh chỉ tiêu TSCĐ trên các báo cáo tài chính. Chế độ kế toán TSCĐ ban hành là cơ sở cho công tác kiểm tra, thanh tra giám sát của cơ quan quản lý về hoạt động kinh doanh của các tổ chức và DN đặc biệt hạch toán TSCĐ và tình hình theo dõi hiệu quả sử dụng TSCĐ. Thông qua công tác kiểm tra để có những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế của các DN và phát hiện kịp thời những gian lận, sai sót trong quản lý TSCĐ cũng như hạch toán TSCĐ.

II. Thực trạng

1. Kết quả đạt được của chế độ kế toán TSCĐ đã ban hành

Chế độ kế toán doanh nghiệp mới ban hành đặc biệt là chế độ kế toán TSCĐ là thành quả tích tụ toàn bộ kết quả của công cuộc đổi mới toàn diện và sâu sắc hệ thống kế toán DN Việt Nam trong 10 năm qua. Chế độ kế toán này được áp dụng trong tất cả các loại hình DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Những kết quả đạt được của chế độ kế toán DN nói chung và chế độ kế toán TSCĐ nói riêng có thể được khái quát qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất: Chế độ kế toán DN nói chung, chế độ kế toán TSCĐ nói riêng ban hành phù hợp với mọi loại hình DN, bao quát toàn bộ nội dung tổ chức công tác kế toán áp dụng cho tất cả các DN hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của nền kinh tế quốc dân.

Thứ hai: Hệ thống chứng từ kế toán về quản lý và hạch toán TSCĐ được ban hành đầy đủ bao quát được các trường hợp biến động TSCĐ như đầu tư, mua sắm, điều chuyển, cấp vốn, thuê, cho thuê, thanh lý, nhượng bán, khấu hao đến sửa chữa TSCĐ. Ứng với mỗi trường hợp các chứng từ có các yếu tố phù hợp trên chứng từ, đã tạo điều kiện cung cấp thông tin ban đầu một cách kịp thời, đầy đủ cho quản lý nghiệp vụ và làm bằng chứng pháp lý cho ghi sổ và lập hệ thống báo cáo tài chính nói chung, báo cáo về TSCĐ nói riêng.

Thứ ba: Chế độ kế toán TSCĐ mới ban hành, hệ thống tài khoản kế toán, các báo cáo tài chính của DN đã có những cải tiến theo hướng tạo ra sự minh bạch hơn trong công tác quản lý tài chính DN như hệ thống tài khoản kế toán ban hành, bao gồm cả tài khoản kế toán tổng hợp và tài khoản kế toán chi tiết, từ kết cấu đến cách ghi chép đến mỗi quan hệ giữa các tài khoản đã góp phần xử lý và cung cấp thông tin về tình hình hiện có và sự biến động của toàn bộ TSCĐ cũng như từng loại TSCĐ trên các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị hao mòn và GTCL, từ đó làm cơ sở cho các DN ra các quyết định quản lý liên quan đến đầu tư, điều chuyển, thanh lý, nhượng bán và sửa chữa TSCĐ.

Thứ tư: Chế độ kế toán mới ban hành nhiều hình thức ghi sổ phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ thông tin hiện nay, đã có thêm hình thức kế toán máy, nhờ vậy, việc mở và ghi đầy đủ số liệu về TSCĐ trên Thẻ TSCĐ, Sổ TSCĐ và Sổ theo dõi TSCĐ tại đơn vị sử dụng đã góp phần cung cấp thông tin về quá trình quản lý và sử dụng của từng TSCĐ, từng loại TSCĐ, bao gồm: nguyên giá, tình hình trích khấu hao, số khấu hao lũy kế tính đến thời điểm giảm TSCĐ, lý do giảm TSCĐ, đồng thời tăng cường thực hiện trách nhiệm vật chất đối với các cá nhân, bộ phận liên quan trong việc quản lý và sử dụng TSCĐ.

Thứ năm: Về hệ thống báo cáo tài chính, trong chế độ đã phản ảnh đầy đủ các chỉ tiêu TSCĐ như trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh cụ thể về tăng, giảm TSCĐHH, TSCĐVH; GTCL của TSCĐHH, Nguyên giá TSCĐ đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng; các chi phí XDCB dở dang và chi phí khấu hao TSCĐ để cung cấp thông tin toàn diện và chi tiết cho quản lý về tình hình hiện có và sự biến động của từng loại TSCĐ trong DN.

Thứ sáu: Không dừng lại ở một phương pháp tính khấu hao TSCĐ như trước nữa, trong chế độ kế toán mới này đã đưa ra 3 phương pháp tính khấu hao (Phương pháp khấu hao đường thẳng, phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần; phương pháp khấu hao theo sản lượng) để phù hợp với tính phong phú của các loại hình DN và các loại TSCĐ.

Trên đây là một số kết quả mà chế độ kế toán TSCĐ đã đạt được, góp phần nhất định vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, hiệu quả kinh doanh và vị thế của các DN nói riêng.

2. Tồn tại hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được trong chế độ kế toán TSCĐ đã ban hành, trong chế độ kế toán TSCĐ vẫn còn một số hạn chế nhất định cần khắc phục và hoàn thiện để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các DN áp dụng. Những tồn tại của chế độ kế toán TSCĐ được khái quát qua các khía cạnh sau:

Thứ nhất: Chế độ kế toán ban hành chưa thống nhất áp dụng trong tất cả các loại hình DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Cụ thể vẫn tồn tại 2 chế độ kế toán DN. Chế độ kế toán DN nhỏ và vừa áp dụng cho tất cả các DN thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Trên thực tế, rất nhiều DN nhỏ và vừa, DN ngoài quốc doanh áp dụng Chế độ kế toán DN. Mặt khác, Chế độ kế toán DN đã bao quát toàn bộ nội dung tổ chức công tác kế toán áp dụng cho tất cả các DN hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau của nền kinh tế quốc dân, trong đó có ngành Xây dựng.

Thứ hai: Việc quy định như vậy tạo ra sự thống nhất, đơn giản cho việc thực hiện của các DN và sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, giá trị tối thiểu của tài sản để ghi nhận TSCĐ còn chịu ảnh hưởng về quy mô, lĩnh vực hoạt động, đặc điểm hoạt động SXKD và năng lực tài chính của DN, ảnh hưởng của lạm phát kinh tế, giá trị đó đối với DN này là trọng yếu nhưng với DN khác là không trọng yếu, nên quy định này vi phạm nguyên tắc trọng yếu.

Thứ ba: Về hệ thống tài khoản kế toán ban hành thì việc quy định tài khoản phản ánh nguyên giá TSCĐ và tài khoản phản ánh hao mòn TSCĐ còn chưa phù hợp và không lôgic. Các tài khoản phản ánh nguyên giá TSCĐ được phản ánh trên các tài khoản tổng hợp, trong khi đó tài khoản theo dõi hao mòn nguyên giá của các TSCĐ thì lại được phản ánh trên cùng một tài khoản tổng hợp và mở chi tiết cho từng loại TSCĐ. Như vậy, rất khó khăn cho việc theo dõi, quản lý TSCĐ một cách chi tiết.

Thứ tư: Các thông tin được trình bày trong Thẻ Tài sản cố định còn chưa phản ánh rõ ngày, tháng đưa TSCĐ vào sử dụng, không nói rõ phương pháp tính khấu hao cho TSCĐ đó và cũng không thể hiện giá trị còn lại của TSCĐ. Chính vì vậy, không thể biết TSCĐ đó được tính khấu hao vào thời điểm nào trong năm do có nhiều phương pháp tính khấu hao nên phải nói rõ sử dụng phương pháp tính nào và thống nhất cách tính; trên thẻ cũng phải thể hiện được GTCL của TSCĐ để giúp DN biết tình trạng của TSCĐ.

Thứ năm: Một số văn bản pháp luật liên quan đến quản lý và hạch toán TSCĐ còn có những điểm không thống nhất gây khó khăn cho DN trong quá trình triển khai thực hiện.

Thứ sáu là: Về hạch toán TSCĐ.

+ Trong chế độ kế toán TSCĐ có quy định về hạch toán trao đổi TSCĐ, gồm trao đổi tương tự và trao đổi không tương tự. Theo quy định của VAS 03 thì “Tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tư, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương”. Tuy nhiên, trên thực tế khi TSCĐ đã qua sử dụng, với các thức sử dụng TSCĐ để mang lại lợi ích kinh tế là khác nhau và phương pháp tính khấu hao cũng như thời gian sử dụng dự kiến khác nhau thì không thể đạt được kết quả trao đổi với giá trị tương đương-không tạo ra bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào do trao đổi. Do đó, trao đổi tương tự chỉ có thể thực hiện khi TSCĐ có cùng công dụng, tính năng và hoàn toàn mới chưa qua sử dụng. Vậy không nên quy định là trao đổi tương tự hay không tương tự, vì nó không có tính thực tiễn mà chỉ mang tính lý thuyết.

+ Chế độ kế toán TSCĐ hiện nay, quy định phương pháp hạch toán góp vốn vào cơ sở kinh doanh đồng thời kiểm soát bằng TSCĐ khá rõ ràng trong việc xác định chênh lệch giữa giá trị của tài sản mang đi góp vốn theo thỏa thuận cũng như việc ghi nhận về mặt kế toán. Tuy nhiên, trong trường hợp GTCL của TSCĐ mang đi góp vốn nhỏ hơn giá trị vốn góp được chấp nhận thì việc ghi nhận như quy định của Chế độ kế toán là khá rườm rà và không thể hiện tính đối ứng rõ ràng giữa các tài khoản kế toán trên Sổ cái của từng tài khoản.

+ Về quy định hạch toán sửa chữa nâng cấp TSCĐ bao gồm việc phản ánh các chi phí sửa chữa nâng cấp phát sinh và ghi tăng nguyên giá TSCĐ phần tổng chi phí sửa chữa nâng cấp thực tế khi công việc nâng cấp hoàn thành. Tuy nhiên, giá trị khấu hao của TSCĐ sau nâng cấp được xác định trên cơ sở GTCL của TSCĐ được nâng cấp và tổng chi phí nâng cấp thực tế. Đối với sửa chữa nâng cấp hiện đại hóa tính năng, tác dụng của TSCĐ thì việc không ghi giảm TSCĐ mang đi nâng cấp tạo ra sự đơn giản cho kế toán nhưng dẫn đến việc xác định giá trị phải khấu hao của TSCĐ sau nâng cấp trở nên khó khăn hơn. Các quy định về nâng cấp và sửa chữa TSCĐ chưa thích ứng với tính đa dạng của nền kinh tế.

Nguyên nhân của những tồn tại trong Chế độ kế toán TSCĐ có thể kể đến đó là nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nên còn nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện chế độ, các tài sản trong DN ngày càng phong phú từ việc tự gia công cho đến việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài, các loại hình DN ngày càng phong phú với những đặc điểm và quy mô hoạt động khác nhau… nên việc hoàn thiện một chế độ kế toán nói chung và chế độ kế toán TSCĐ nói riêng không phải là công việc “một sớm một chiều” mà cần có thời gian và sự đóng góp tích cực của các DN.

Trên đây là những tồn tại trong Chế độ kế toán TSCĐ, nếu những tồn tại này được khắc phục sẽ góp phần hoàn thiện hơn chế độ kế toán DN, tạo điều kiện hơn cho công tác kế toán ở các DN được diễn ra một cách dễ dàng, hiệu quả.

III. Đề xuất giải pháp

1. Hoàn thiện điều kiện ghi nhận TSCĐ

Để đảm bảo nguyên tắc phù hợp và nguyên tắc trọng yếu trong kế toán và tạo ra sự chủ động cho các DN trong việc quản lý, sử dụng tài sản nói chung, TSCĐ nói riêng, Nhà nước không nên quy định giá trị tối thiểu của TSCĐ mà nên cho các DN đăng ký danh mục TSCĐ với cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý trên cơ sở các tiêu chuẩn ghi nhận do Nhà nước ban hành. Tức là đưa ra quy định loại bỏ tính quy mô, gắn với từng DN cụ thể, Nhà nước hướng dẫn về số tương đối (giá trị cao, không đưa ra một số cụ thể), DN trên sự hướng dẫn của Nhà nước thì đưa ra số tuyệt đối.

2. Hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán trong hạch toán TSCĐ

Quy định rõ các loại chứng từ cần có đối với từng trường hợp hình thành TSCĐ để tạo ra sự thống nhất giữa DN và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xác định giá trị tài sản và quyết toán thuế thu nhập DN. Các trường hợp hình thành TSCĐ bao gồm: mua, xây dựng cơ bản, nhận vốn góp, được biếu tặng, tự sản xuất… cần phải được quy định một cách đầy đủ và cụ thể các loại chứng từ hợp pháp, hợp lệ phục vụ cho việc xác định giá trị hợp lý của TSCĐ. Hoàn thiện hóa đơn sử dụng trong các giao dịch mua, bán. Hóa đơn hiện đang được sử dụng trong nền kinh tế không phản ánh nội dung chiết khấu thương mại, điều này dẫn đến trên thực tế tồn tại nhiều cách thức ghi hóa đơn và tạo ra sự không thống nhất giữa cơ quan nhà nước với DN khi quyết toán. Chính vì vậy, nên thay đổi mẫu hóa đơn theo hướng nội dung giá trên hóa đơn được chia thành: giá trước chiết khấu, chiết khấu và giá sau chiết khấu. Thuế giá trị gia tăng của giao dịch được tính trên giá sau chiết khấu, bên bán ghi nhận doanh thu, bên mua ghi nhận tài sản hoặc chi phí theo giá sau chiết khấu.

3. Hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán TSCĐ

Nghiên cứu và hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán góp phần hoàn thiện hệ thống chế độ kế toán DN ở Việt Nam. Khi thiết kế hệ thống tài khoản phản ánh nguyên giá trên các tài khoản tổng hợp thì các tài khoản theo dõi hao mòn cũng phải thiết kế trên tài khoản tổng hợp; hoặc nếu tài khoản phản ánh nguyên giá thiết kế trên tài khoản chi tiết thì tài khoản phản ánh hao mòn cũng phải được thiết kế trên tài khoản chi tiết để đảm bảo tính khoa học và logic.

4. Hoàn thiện cách tính khấu hao TSCĐ

Theo quy định hiện hành, DN có thể tính khấu hao TSCĐ theo 3 phương pháp là phương pháp đường thẳng (khấu hao đều theo thời gian), phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm (khấu hao theo sản lượng) và phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh. Đối với các DN, cần quan tâm đến các điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp khấu hao để lựa chọn phương pháp khấu hao cho phù hợp với từng loại hay từng nhóm TSCĐ. Để kết quả tính khấu hao chính xác với thực tế sử dụng TSCĐ cần thực hiện tính hoặc thôi tính khấu hao kể từ ngày tăng hoặc giảm TSCĐ. Trên thực tế, các loại hình DN rất đa dạng và phong phú với quy định TSCĐ chỉ được tính khấu hao theo một trong 3 phương pháp kể trên như vậy là chưa bao quát được hết cả loại TSCĐ của các DN. Trong quy định hiện hành nên bổ sung thêm 2 phương pháp tính khấu hao: khấu hao theo nhóm hoặc theo đa hợp, khấu hao theo thời gian sử dụng máy thực tế.

5. Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị TSCĐ

Thứ nhất: Đánh số hiệu TSCĐ, đặc biệt là TSCĐHH, là một công việc quan trọng nhằm tạo sự thống nhất và thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý và sử dụng TSCĐ trong DN. Đánh số hiệu TSCĐ là quy định cho mỗi đối tượng ghi TSCĐ một số hiệu riêng theo những nguyên tắc nhất định để sử dụng thống nhất trong phạm vi toàn DN.

Thứ hai: Hoàn thiện thẻ TSCĐ

Thẻ TSCĐ dùng để theo dõi chi tiết từng TSCĐ của các DN, nguyên giá ban đầu, tình hình thay đổi nguyên giá và giá trị hao mòn trích hàng năm của từng TSCĐ. Mỗi đối tượng ghi TSCĐ được mở riêng một thẻ. Thẻ được lập và lưu tại phòng kế toán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Để phục vụ cho việc đánh giá tình hình và hiệu quả sử dụng TSCĐ gắn với từng bộ phận, lĩnh vực hoạt động kinh doanh trong các DN ở Việt Nam, Thẻ TSCĐ cần được thiết kế thông tin về chi phí, kết quả hoạt động của TSCĐ theo bộ phận, lĩnh vực, hoạt động sử dụng TSCĐ. Chi phí sử dụng TSCĐ bao gồm chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí sửa chữa, chi phí mua bảo hiểm… Kết quả sử dụng TSCĐ có thể là giá trị sản phẩm, công việc, dịch vụ hoàn thành, doanh thu cho thuê…

IV. Kết luận

Việt Nam ngày càng thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài kể cả vốn lưu động và vốn cố định, nên Việt Nam phải đưa ra những chính sách hợp lý để quản lý các nguồn vốn đó, mặt khác, ở các DN, TSCĐ là một phần không thể thiếu được cho sự tồn tại và phát triển. Chính vì vậy, nghiên cứu và hoàn thiện chế độ kế toán và cụ thể là hoàn thiện chế độ kế toán TSCĐ trong DN ở Việt Nam là một việc làm cấp thiết nhất hiện nay ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chế độ kế toán Việt Nam.

2. Các quy định pháp luật về chế độ hạch toán tài sản cố định.

3. “Chế độ kế toán doanh nghiệp mới - thành quả 10 năm đổi mới hệ thống kế toán doanh nghiệp”, Tạp chí Tài chính.

4. Giáo trình Kế toán quản trị, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội.

5. Giáo trình Kế toán tài chính trong các doanh nghiệp, Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.

SOME NOTES TO THE FINANCIAL STATEMENTS

OF FIXED ASSETS IN VIETNAM

● MA. DO THI THANH TAM

Faculty of Economics - University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

In the current enterprise accounting regime, the detailed accounting regulations on fixed assets in enterprises are presented in detail: accounting documents, accounting accounts, accounting books, information of the fixed assets presented in the financial statements. With the formation of many companies and joint ventures with foreign countries, the Vietnamese economy joined is being deepened integration with the global economy, however the current accounting system of enterprises in the country has many disadvantages compared to accounting systems in the world. Therefore, an important requirement for accountants and managers in the coming time is to study the finalization of the accounting system in general and to complete the accounting regime for fixed assets. Business in particular meet the new requirements of economic development. The article illustrates a member of notes, puts a number of notes in the fixed asset accounting system in enterprises in Vietnam today and proposed solutions to overcome.

Keywords: Fixed assets, tangible fixed assets, intangible fixed assets, accounting system.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 2 tháng 2/2018 tại đây