Một số ý kiến về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm

NCS.ThS. Đoàn Trọng Chỉnh (Giảng viên Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH University)) - Cao Thị Thùy Duyên (Sinh viên năm thứ 4, lớp 19DLKJA1, Viện Công nghệ Việt Nhật (VJIT) - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH University)) - Phạm Nguyễn Hoài Nam (Sinh viên năm thứ 3, lớp 20DLKB3, Khoa Luật - Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH University) )

TÓM TẮT:

Trong xã hội hiện nay, vấn đề bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín không phải là vấn đề mới mà đã tồn tại từ lâu, khi thời đại của công nghệ thông tin chưa phát triển, con người thường trực tiếp xúc phạm nhau bằng việc dùng những từ ngữ vô văn hóa, tế nhị, tục tĩu để chửi, mắng, thóa mạ, xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của đối phương. Người bị xâm phạm không chỉ bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt vật chất và tinh thần, kèm theo đó là trạng thái tâm lý của người bị xúc phạm khi đọc những bình luận ác ý trên mạng sẽ trở nên tiêu cực, nhiều vụ tự tử của nạn nhân khi bị gặp công kích trên mạng cũng là một trong các hậu quả sẽ xảy ra nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời vấn đề này. Trong phạm vi bài báo này, nhóm tác giả phân tích nguyên tắc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm theo quy định Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, thực trạng áp dụng nguyên tắc này và kiến nghị hoàn thiện.

Từ khóa: danh dự, nhân phẩm, uy tín, cá nhân, xâm phạm.

1. Đặt vấn đề

Danh dự là sự đánh giá của xã hội về một con người thông qua hành vi ứng xử của họ trong xã hội, một người được đánh giá là có danh dự là người có lòng tự trọng cao, trung thực, ngay thẳng, không tham lam, gian dối, lọc lừa,… Vì vậy, họ được xã hội tôn trọng, quý mến. Nhân phẩm là những phẩm chất tốt đẹp của con người, những phẩm chất mà chỉ có con người mới có, nó làm cho con người là người và khác với những động vật khác[1]. Uy tín là sự tin tưởng, tín nhiệm và mến phục của mọi người dành cho một người nhất định. Họ có tầm ảnh hưởng lớn tới những mối quan hệ xung quanh và sự ảnh hưởng này được thể hiện ra một cách tích cực.

Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm là hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm cụ thể thế nào là xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác. Tuy nhiên ta có thể hiểu rằng xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín là những hành vi được hành động có chủ ý bằng các thức thể hiện như bằng lời nói hay bằng hành động nhằm công kích, thóa mạ, gây kích động tới chủ thế đang hướng tới. Điểm chung của những hành vi này đều là dùng những hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Những năm gần đây, Nhà nước luôn chú trọng việc xem xét đổi mới vấn đề bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, nhưng các vụ án liên quan bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm xảy ra từng ngày và ngày càng gia tăng, gây mất trật tự xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của con người Việt Nam.  

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm theo quy định Bộ luật Dân sự 2015

Nguyên tắc thứ nhất, thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 1 Điều 585 BLDS 2015, bồi thường toàn bộ được hiểu là thiệt hại xảy ra bao nhiêu thì phải được bồi thường bấy nhiêu. Bồi thường kịp thời được hiểu là ngay khi thiệt hại xảy ra, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải nhanh chóng khắc phục tổn thất mà người bị thiệt hại phải gánh chịu. Tòa án phải giải quyết nhanh chóng yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại trong thời hạn luật định. Vấn đề bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường đủ, khi khả năng kinh tế của bên gây ra thiệt hại hoàn toàn đảm bảo để chi trả, bồi thường thiệt hại có thể bằng tiền hoặc được thay bằng những tài sản, hiện vật có giá, cũng có thể là việc phải thực hiện một công việc,… Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên tự thỏa thuận với nhau hoặc được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật. Việc bồi thường “toàn bộ” còn được quy định tại Điều 13 BLDS 2015. Về tính “kịp thời” việc xâm phạm đến danh dự , nhân phẩm, uy tín của một người là vấn đề hết sức nhạy cảm. Có thể gây ảnh hưởng đến hình ảnh của một người trong mắt người xung quanh khi tin đồn xấu của người đó bị lan rộng một cách nhanh chóng, nhất là thông qua các mạng lưới internet, nếu không kịp thời làm sáng tỏ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người bị xâm phạm (làm mất uy tín trong công việc, nghe lời bàn tán sai sự thật về mình,…) đó là những điều đáng được quan tâm. Cho nên “kịp thời” không những chỉ việc bồi thường vật chất, mà còn đảm bảo người gây ra thiệt hại phải “kịp thời” công khai làm sáng tỏ những tin đồn thất thiệt trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nguyên tắc thứ hai, người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình theo Khoản 2 Điều 585 BLDS  2015. Trong nguyên tắc này muốn được xem xét để giảm mức bồi thường thiệt hại cần đáp ứng đầy đủ 2 điều kiện: Điều kiện thứ nhất người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại “không có lỗi” hoặc “có lỗi vô ý”, điều kiện thứ hai “thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình”. Nguyên tắc này có thể được hiểu người gây thiệt hại thuộc trường hợp “không có lỗi” hoặc “có lỗi vô ý” nhưng họ có khả năng về kinh tế để chi trả mức bồi thường thiệt hại thì người gây ra thiệt hại trong trường hợp phải bồi thường “toàn bộ”, không được giảm mức bồi thường. So sánh nguyên tắc này với nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005: “Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình”. Đầu tiên cụm từ “Người gây thiệt hại” tại Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005 đã thay bằng cụm từ “Người chịu trách nhiệm” tại Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015, việc thay thế này hoàn toàn hợp lý vì một vài trường hợp bồi thường thiệt hại không phải là người gây thiệt hại. Mặt khác, trong Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015 có đề cập đến trường hợp giảm mức bồi thường do người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu “không có lỗi” và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình, trong khi Khoản 2 Điều 605 BLDS 2005 không đề cập đến trường hợp này, dẫn đến việc khó khăn trong các trường hợp áp dụng trách nhiệm bồi thường nhưng không có lỗi. Ngoài ra, cũng tại Khoản 2 Điều 585 BLDS 2015 sử dụng cụm từ “khả năng kinh tế của mình” thay cho cụm từ “khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình” tại Khoản 2 Điều 605 BLDS 2015. Sự lược bỏ này hoàn toàn hợp lý vì khả năng kinh tế hiện tại có thể xác định được một cách dễ dàng nhưng tình trạng kinh tế lâu dài không thể xác định trước được vì có thể thay đổi theo nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau dẫn đến việc khó xác định được “khả năng kinh tế lâu dài” của một người.

Nguyên tắc thứ ba, khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 3 Điều 585 BLDS 2015 cho thấy rằng tại thời điểm giải quyết tranh chấp mức bồi thường thiệt hại liên quan đến bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm do Tòa Án tuyên, nhưng theo thời gian trôi qua phát sinh một vài việc dẫn đến mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp nữa. Ví dụ: Trường hợp người bị xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín sau khi Tòa án tuyên án không lâu vì ngoài ý muốn mà qua đời, thì người gây ra thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án xem xét giảm mức bồi thường. Hay trường hợp hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sau khi Tòa án tuyên bố mức bồi thường dựa trên thiệt hại mang lại cho người bị xâm phạm, nhưng sau đó hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín này tiếp tục gây ra thiệt hại nữa thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án xem xét việc tăng mức bồi thường thiệt hại. Sau khi Tòa án tuyên bố mức bồi thường thiệt hại nhưng do hành vi của người xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, mà người bị xâm phạm bị ảnh hưởng đến tâm lý sau đó phải đi chữa trị tại bệnh viện thì số tiền bỏ ra để điều trị người gây ra thiệt hại phải bồi thường.

Nguyên tắc thứ tư, khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Quy định tại Khoản 4 Điều 585 BLDS 2015. Đây là nguyên tắc bồi thường thiệt hại mới đề cập trong BLDS 2015. Điểm mới này là một sự tiến bộ so với BLDS 2005. Nó cụ thể hóa một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Khoản 3 Điều 3 BLDS 2005 đó là: “Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Tuy nhiên, quy định này cũng có hạn chế ở chỗ, nếu thiệt hại xảy ra ngay khi có hành vi xâm phạm mà việc ngăn chặn, hạn chế cũng không thể làm cho những thiệt hại “đã xảy ra” trở thành “chưa xảy ra” thì việc không ngăn chặn, hạn chế chỉ nên được sửa đổi theo hướng như sau: “Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường một phần hoặc toàn bộ nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”. Tức là nên thêm cụm từ “một phần hoặc “toàn bộ” vào giữa cụm từ “không được bồi thường” và cụm từ “nếu thiệt hại xảy ra”[2].

Nguyên tắc thứ năm, bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 5 Điều 585 BLDS 2015, có thể hiểu bên thực hiện hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, từ đó gây ra thiệt hại cho người bị xâm phạm. Song, thiệt hại đó có thể hoàn toàn bị ngăn chặn nếu người bị xâm phạm thực hiện các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình, nhưng cố tình không làm để thiệt hại xảy ra, thì trong trường hợp này người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường nếu người gây thiệt hại có thể chứng minh được bên bị thiệt hại có thể tự ngăn chặn thiệt hại xảy ra. Đây là nguyên tắc bồi thường thiệt hại mới được đề cập tại BLDS  2015 và cũng là điểm mới so với BLDS 2005. 

2. Thực trạng áp dụng pháp luật về nguyên tắc bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm và kiến nghị

Hạn chế về “nguyên tắc kịp thời và toàn bộ trong bồi thường thiệt hại”. Nguyên tắc chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm. Theo Khoản 1 Điều 585 BLDS 2015 quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại. Có thể thấy nguyên tắc thứ nhất trong bồi thường thiệt hại là “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Tuy nhiên, nguyên tắc bồi thường kịp thời sẽ không đáp ứng được khi thời hạn giải quyết vụ án của Tòa án quá lâu khiến cho nguyên tắc bồi thường “kịp thời và toàn bộ” gần như trở nên vô nghĩa. Để giải quyết được một vụ án dân sự, vụ án đó phải được giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Vậy nên không thể có chuyện thiệt hại vừa xảy ra là người bị xâm phạm nộp đơn thì Tòa án sẽ giải quyết ngay lập tức. Thông thường thời hạn thụ lý một vụ án dân sự kể từ khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện cho đến khi có quyết định thông báo thụ lý vụ án trong vòng 8 ngày dựa vào Khoản 2 và Khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 (sửa đổi, bổ sung (SĐ, BS) 2019, 2020). Ở một số Tòa án hiện nay thời hạn thụ lý vụ án có thể kéo dài lên tới hàng tháng khiến cho nguyên tắc bồi thường kịp thời không đáp ứng được. Tiếp đến thời hạn chuẩn bị xét xử là trong vòng 04 tháng đối với những vụ việc có tính chất đơn giản dựa vào Điểm a Khoản 1 Điều 203 BLTTDS 2015 (SĐ, BS 2019, 2020). Trong một số trường hợp khi Tòa án triệu tập các đương sự để đưa vụ án ra xét xử có thể sẽ vắng mặt, như vậy tính kịp thời lại không đáp ứng được. 

Nguyên nhân của sự hạn chế về việc nguyên tắc kịp thời và toàn bộ trong bồi thường thiệt hại, theo nghiên cứu tổng quan trong thực tiễn, nhóm tác giả đánh giá rằng đa phần các vụ án dân sự khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm đều không đảm bảo được một nguyên tắc cốt yếu, đó chính là nguyên tắc “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Trên thực tế, nguyên tắc này chưa được đảm bảo thực hiện theo như BLDS đã quy định. Trước tiên, thủ tục tố tụng dân sự được giải thích là trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Quá trình này góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; giáo dục mọi người chấp hành pháp luật [3]Nhóm tác giả tạm thời chia cả giai đoạn thủ tục tố tụng dân sự thành 3 giai đoạn chính: Giai đoạn 1: Nộp đơn khởi kiện; Giai đoạn 2: Phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện; Giai đoạn 3: Thụ lý vụ án; tiến hành hòa giải; chuẩn bị xét xử; mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.

Khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của bản thân mình đang bị xâm phạm bởi một cá nhân hay tổ chức nào đó, thì chủ thể cho rằng mình đang bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp có thể làm đơn khởi kiện cá nhân, tổ chức có hành vi xâm phạm ra cơ quan Tòa án có thẩm quyền để giải quyết. Tổng quát lại, nguyên tắc khi bồi thường thiệt hại là tính cấp thiết, kịp thời sẽ hầu như không được bảo đảm vì các nguyên do cả về chủ quan và khách quan nêu trên. Nhóm tác giả thấy rằng, tuy không đảm bảo được tính cấp thiết và kịp thời để bồi thường những thiệt hại do xâm phạm tới giá trị nhân thân, nhưng qua việc thực hiện đầy đủ các thao tác tố tụng đã góp phần làm vững mạnh về tài liệu chứng cứ, tính khách quan và minh bạch trong việc có thể giải quyết được vụ án. Giá trị này được đánh giá cao hơn so với việc vì muốn đảm bảo bồi thường kịp thời mà bỏ qua các giai đoạn tố tụng, việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng sẽ không mang lại kết quả tốt cho cả người tiến hành tố tụng và các bên tham gia tố tụng. Bản án, quyết định của Tòa án sẽ bị tuyên hủy và mọi thứ sẽ phải bắt đầu lại là thụ lý vụ án. Trên là phân tích nguyên nhân của sự hạn chế về việc nguyên tắc bồi thường thiệt hại chưa được thực thi triệt để.

Vậy nên khi có vụ việc xảy ra trên mạng xã hội, cụ thể là mạng xã hội Facebook. Người bị xâm phạm nên chụp lại màn hình các bài viết trên, đồng thời sao chép đường link dẫn của các bài viết trên. Sau đó người bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể viết đơn yêu cầu có tên là “Đơn yêu cầu xử lý hành vi xúc phạm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín đối với chủ tài khoản Nguyễn Văn A” và gửi toàn bộ tài liệu, chứng cứ lên cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông để yêu cầu được giải quyết. Sau khi có vụ việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín xảy ra, người bị xâm phạm viết đơn tố cáo hoặc đơn yêu cầu gửi cho Công an phường nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi mà người có hành vi xâm phạm đang cư trú để giải quyết vụ việc. Sau khi tiếp nhận vụ việc, thì ở hai cơ quan là Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan Công an phường sẽ xem xét, đánh giá, xác minh có hành vi trái pháp luật trên hay không. Nếu qua quá trình xác minh có hành vi trái pháp luật xảy ra thì Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Công an phường sẽ ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Sau khi có được Quyết định xử phạt hành chính rồi, người bị xâm phạm có thể tiếp tục nộp đơn khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh thiệt hại có xảy ra để yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm mà không cần phải chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra, càng rút ngắn được giai đoạn xác minh làm rõ của Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ án. Bởi vì căn cứ vào Điểm b Khoản 1 Điều 92 BLTTDS 2015 (SĐ, BS 2019, 2020) có quy định: “… quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật” là một trong những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh.

Vì vậy, khi nộp đơn yêu cầu hoặc đơn tố cáo cho Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông hay Công an phường thì rõ là “một công đôi việc”, vừa có thể làm cho người có hành vi xâm phạm bị xử phạt hành chính, vừa có được Quyết định xử phạt hành chính - là chứng cứ rõ ràng cho việc có hành vi trái pháp luật xảy ra. Với biện pháp này, người bị xâm phạm không cần tốn nhiều chi phí hay tiền bạc để chứng minh có hành vi trái pháp luật xảy ra, đồng thời cũng rút ngắn lại thời gian giải quyết vụ án của Tòa án khi có những tình tiết, sự kiện không cần phải chứng minh.

3. Kết luận

Quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm thể hiện ý nghĩa pháp lý, ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín nói chung và hành vi gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Ngoài mục đích buộc người xâm phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín phải chịu trách nhiệm về hành vi xâm phạm của mình, thông qua quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm cùng với việc áp dụng quy định về nguyên tắc bội thường thiệt hại còn có ý nghĩa răn đe, giáo dục và phòng ngừa các hành vi vi phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín nói chung và hành vi gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín nói riêng. Ngoài người vi phạm, những người khác cũng sẽ thấy rằng nếu bản thân có hành vi xâm phạm thì cũng sẽ chịu sự xử lý theo quy định của pháp luật.

Tài liệu trích dẫn:

1 Lê Minh Hùng (2019). Sách tình huống Pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nhà xuất bản Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam,  tr. 446.

2 Nguyễn Văn Cừ, Trần Thị Huệ (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, tr.878.

3 Đặng Nga (2021). Thủ tục tố tụng dân sự được tiến hành theo trình tự như thế nào? Truy cập tại: https://phan.vn/thu-tuc-to-tung-dan-su-duoc-tien-hanh-theo-trinh-tu-nhu-the-nao.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự 2015
  2. Quốc hội (2005). Bộ luật Dân sự 2005;
  3. Quốc hội (2019, 2020). Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2019, 2020
  4. Hội đồng thẩm phán (2006). Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 của Hội đồng thẩm phán về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
  5. Lê Minh Hùng (2019). Tình huống pháp luật hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nxb Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam, tr. 446.
  6. Đặng Nga (2021). Thủ tục tố tụng dân sự được tiến hành theo trình tự như thế nào? Truy cập tại: https://phan.vn/thu-tuc-to-tung-dan-su-duoc-tien-hanh-theo-trinh-tu-nhu-the-nao.html

SOME OPINIONS ON THE PRINCIPLE OF COMPENSATION FOR DAMAGE CAUSED BY HARM TO AN INDIVIDUAL'S HONOR, DIGNITY AND REPUTATION

Doan Trong Chinh - Cao Thi Thuy Duyen - Pham Nguyen Hoai Nam

1 Lecturer at Faculty of Law

Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH University)

24th year student, class 19DLKJA1

Vietnam Japan Institute of Technology (VJIT)

- Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH University)

33rd year student, class 20DLKB3

Faculty of Law - Ho Chi Minh City University of Technology (HUTECH University)

Abstract:

In today's society, the problem of being violated in honor, dignity and prestige is not a new issue but has existed for a long time. In the era of undeveloped information technology, people often directly contact with people, offend each other by using uncultured, delicate and obscene words to curse, scold, insult, and insult the honor, dignity and prestige of the other party. The violated person is not only negatively affected physically and mentally, along with that, the psychological state of the offended person when reading malicious comments online will become negative, many suicides will happen. The death of the victim when being attacked online is also one of the consequences that will occur if no measures are taken to prevent this phenonmenons. Within the scope of this article, the authors analyze the principle of compensation for damage caused harm to an individual's honor, dignity and reputation, according to the provisions of the Civil Code 2015, the applying the principle in practice and recommendations for improvement.

Keywords: honor, dignity, prestige, individual, infringement.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 11, tháng 5 năm 2022]