Một vài trao đổi về chi phí và lợi ích khi áp dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam

ThS. NGUYỄN THANH TÙNG (Khoa Kế toán - Kiểm toán, Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) là những quy định về ghi nhận, lập và trình bày Báo cáo tài chính (BCTC) theo một khuôn khổ chung do IASB ban hành, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia.  Một trong những nội dung khác biệt cơ bản của IFRS so với chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) đó là ghi nhận nghiệp vụ và trình bày BCTC theo giá trị hợp lý. Bài viết trình bày những lợi ích cũng như thách thức của doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi và áp dụng theo giá trị hợp lý của IFRS, từ đó đưa một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam để áp dụng giá trị hợp lý hiệu quả trong lập và trình bày BCTC.

Từ khóa: báo cáo tài chính, giá trị hợp lý, báo cáo tài chính quốc tế, IAS.

1. Khái niệm giá trị hợp lý

BCTC đang sử dụng chủ yếu 2 nguyên tắc định giá cơ bản đó là nguyên tắc giá gốc và nguyên tắc giá trị hợp lý. Tại Việt Nam, nguyên tắc giá gốc (hay còn gọi là giá phí lịch sử) vẫn là nguyên tắc cơ bản trong ghi nhận giá trị tài sản nói riêng và lập, trình bày BCTC tại các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, giá trị hợp lý đã được Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) đề cập đến là một cơ sở tính giá quan trọng trong kế toán, thể hiện thông qua việc ban hành các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS), như: Tài sản, nhà cửa và thiết bị (IAS 16); Bất động sản đầu tư (IAS 40); Thuê tài sản (IAS 17); Đo lường và ghi nhận công cụ tài chính (IAS 39),... Trong đó, giá trị hợp lý được hiểu là mức giá mà một tài sản có thể được trao đổi giữa các bên có đầy đủ thông tin trong một giao dịch hoàn toàn ngang giá. Sự khó khăn trong việc định giá theo giá trị hợp lý đã gây ra sự thiếu nhất quán mối liên kết trong cách hiểu cách xác định giá trị hợp lý của các IAS  (cụ thể là IAS 16 và IAS 17).

Vì vậy, năm 2013, IASB đã ban hành một bộ chuẩn mực mới - IFRS - để hướng dẫn đo lường hay xác định giá trị hợp lý, đồng thời yêu cầu về thuyết minh giá trị hợp lý trong BCTC. Theo đó IFRS 13 đã định nghĩa cụ thể - “Giá trị hợp lý là giá có thể nhận được nếu bán một tài sản hoặc phải trả nếu chuyển giao một khoản nợ trong một giao dịch bình thường giữa các bên tham gia thị trường tại ngày đo lường giá trị”. Trong chuẩn mực này, giá trị hợp lý là giá được xác định khách quan trên cơ sở giá thị trường hay giá trị chuyển nhượng mà không theo đánh giá chủ quan của doanh nghiệp.

2. Các lợi ích và chi phí của việc áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam

Việt Nam chưa có quy định bắt buộc cũng như cho phép áp dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam, nên tác giả sẽ tìm hiểu lợi ích và chi phí của việc áp dụng giá trị hợp lý từ các nước trên thế giới đã áp dụng một phần hay toàn bộ các quy định liên quan đến kế toán theo giá trị hợp lý:

2.1. Lợi ích của việc áp dụng giá trị hợp lý

Lợi ích từ cách đo lường mới so với giá gốc, là IFRS cho phép đo lường giá trị hợp lý nhiều cấp độ, thành 3 nhóm:

(a) Cấp 1: Giá niêm yết trên thị trường hoạt động đối với các tài sản hoặc nợ phải trả đồng nhất trong các thị trường hoạt động mà doanh nghiệp có thể thu thập vào ngày định giá.

(b) Cấp 2: Giá có yếu tố đầu vào không phải giá niêm yết ở cấp độ 1, bao gồm: Giá niêm yết của tài sản hay nợ phải trả tương tự, trong thị trường hoạt động; hoặc Giá niêm yết của tài sản hay nợ phải trả đồng nhất hay tương tự trong thị trường, không phải là thị trường hoạt động.

(c) Cấp 3: Giá có yếu tố đầu vào không quan sát được trên thị trường đối với tài sản và nợ phải trả.

Việc áp dụng IFRS 13 hoặc phân loại giá trị hợp lý thành các cấp độ đã cung cấp thêm các thông tin về các công cụ tài chính và công cụ phi tài chính.

Bhamornsiri, Guinn, và Schroeder (2010) lưu ý phần lớn (70%) ước tính giá trị hợp lý dựa vào đầu vào thị trường (Mức 2), với giá thị trường (Mức 1) chiếm 23,5% ước tính và mô hình giá trị hợp lý, còn ước tính dựa trên (Mức 3) chỉ 6,5% ước tính của giá trị hợp lý. Một hiện tượng tương tự xuất hiện cho nợ phải trả, với ước tính Cấp 2 chiếm 82,7% nợ phải trả được báo cáo tại giá trị hợp lý.

Nghiên cứu của Lawrence, Siriviriyakul và Sloan (2016) cho thấy, tỷ lệ đáng kể của tài sản giá trị hợp lý cấp 3 trong tổng tài sản và lưu ý giá trị hợp lý Cấp 3 là nhiều thông tin hơn về dòng tiền trong tương lai của chứng khoán và dự đoán nhiều hơn về lợi nhuận của chứng khoán trong tương lai so với giá trị hợp lý Cấp 1 và Cấp 2.

Nghiên cứu của Stefan Sundgrena và cộng sự (2018) cho thấy, chất lượng công bố thông tin cao hơn nếu áp dụng theo IFRS 13, chất lượng công bố liên quan đến nhà phân tích theo dõi và chênh lệch giá thầu - yêu cầu,,…

Như vậy, áp dụng giá trị hợp lý cho thấy chất lượng thông tin tốt hơn qua nhiều nghiên cứu trên thế giới.

2.2. Chi phí cũng như khó khăn của việc áp dụng giá trị hợp lý

Giá trị hợp lý phụ thuộc vào mô hình đo lường và các loại tài sản khác biệt ở các cấp độ khác nhau của hệ thống phân cấp giá trị hợp lý.

Khả năng dự đoán khi dựa vào các thông tin áp dụng giá trị hợp lý: giá trị hợp lý theo Cấp 1 và Cấp 2 dự báo tốt hơn giá trị hợp lý theo Cấp 3 dẫn đến chi phí vốn cao hơn trong một vài trường hợp.

Nhìn chung, bản thân việc công bố các cấp độ phân cấp theo IFRS 13 cũng như các quy định tương đương trong kế toán Mỹ của SFAS 166 Kế toán Chuyển nhượng Tài sản Tài chính - một sửa đổi của Tuyên bố FASB số 140 cho phép các nhà phân tích tài chính cải thiện độ chính xác dự báo thu nhập của họ, thông tin cơ bản mỗi Cấp có thể dẫn đến một số nhầm lẫn và phân tán thêm giữa các nhà phân tích dự báo. Riedl và Serafeim (2011) sử dụng một mẫu của các tổ chức tài chính Hoa Kỳ (quan sát theo quý của công ty) trong giai đoạn quý 2/2007 - quý 2/2008 và nhận thấy, lượng tài sản giá trị hợp lý cấp 3 lớn hơn có liên quan đến tỷ lệ vốn chủ sở hữu cao hơn so với cấp độ 1 hoặc 2 tài sản giá trị hợp lý. Như vậy, dựa theo giá trị hợp lý cấp 2 các nhà phân tích, dự báo có khả năng dự đoán chính xác hơn, còn với giá trị hợp lý cấp 3 sẽ có sự sai lệch nhiều hơn giữa các dự báo.

Sự khó khăn trong dự báo có thể dẫn đến các nhà đầu tư đòi hỏi một phòng ngừa rủi ro cao hơn, cái có thể tác động đến chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp. Đối với một mẫu quỹ đóng và chỉ sử dụng dữ liệu trong một năm (tức là năm 2010), Cullinan và Zheng (2014) nhận thấy tài sản giá trị hợp lý cấp 3 làm trầm trọng thêm chiết khấu và phí bảo hiểm của các quỹ đóng. Tương tự, Huang, Dao và Fornaro (2016) sử dụng một mẫu các tổ chức tài chính trong khoảng thời gian 2 năm của khủng hoảng tài chính (2008 - 2009) và nhận thấy, lượng giá trị hợp lý Cấp 3 cao hơn có liên quan đến chi phí vốn cao hơn, trong khi giá trị hợp lý cấp 1 và 2 có liên quan đến chi phí vốn thấp hơn.

3. Một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam

Từ phân tích các lợi ích cũng như chi phí của việc áp dụng giá trị hợp lý bên trên, tác giả đưa ra một vài khuyến nghị nhằm thúc đẩy việc áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam.

Một là, tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán nói chung và lập, trình bày BCTC nói riêng, tạo sự thống nhất về quan điểm, tránh chồng chéo.

Tại Việt Nam, các quy định về kế toán nói chung và các quy định về việc lập và trình bày BCTC nói riêng nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật, nhiều khi khó hình dung sẽ áp dụng quy định nào trong các trường hợp cụ thể khi có sự chồng chéo hoặc chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Tóm tắt lại, các quy định về kế toán Việt Nam bao gồm các độ sau: Cấp độ cao nhất: Luật Kế toán; Cấp độ thứ hai: các Nghị định và văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Kế toán và các quy định có liên quan; Cấp độ thứ ba: các chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán do Bộ Tài chính và các cơ quan ngang Bộ ban hành (Ngân hàng Nhà nước) áp dụng cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp đặc thù; Cấp độ 4: hướng dẫn chi tiết nhất về việc thực hành kế toán ở các nghiệp vụ, các khoản mục trường hợp cụ thể như là các thông tư hướng dẫn về lương, bảo hiểm xã hội, các khoản thuế, chế độ trích lập, khấu hao… của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội… các cơ quan quản lý nói chung về Thuế, Hải quan…

Hình 1: Các quy định có liên quan đến kế toán tại Việt Nam

giá trị hợp lý

Nguồn: tác giả tổng hợp

Như vậy, quan điểm ghi nhận theo giá trị hợp lý nếu được áp dụng tại Việt Nam sẽ không chỉ ảnh hưởng đến văn bản pháp luật Chuẩn mực kế toán Việt Nam qua Bộ Tài chính ban hành, mà có thể các văn bản bên trên và bên dưới của hệ thống văn bản luật liên quan đến chuẩn mực kế toán Việt Nam phải thay đổi, trước tiên nhất là quan điểm khái niệm và ghi nhận về tài sản, nguồn vốn,… theo giá trị hợp lý có được thừa nhận hay không trong Luật Kế toán, rồi sau đó là các thông tư hướng dẫn chi tiết việc thực hiện của các cơ quan quản lý có liên quan khi chuyển đổi từ ghi nhận giá gốc qua giá trị hợp lý. Vì vậy, khi áp dụng quy định ghi nhận giá trị hợp lý tại Việt Nam không chỉ đòi hỏi nỗ lực duy nhất của Bộ Tài chính, mà còn có cả các cơ quan Bộ, ngành khác, các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức có liên quan về quyền lợi và nghĩa vụ… trong đó, Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản đầu mối cho việc triển khai áp dụng.

Hai là, xây dựng các cấp độ giá trị hợp lý cụ thể cho việc áp dụng tại Việt Nam

Trong khi IFRS 13 đưa ra 3 cấp độ về việc xác nhận giá trị hợp lý thì ở Việt Nam, ngoài việc thiếu một chuẩn mực chung quy định cụ thể những trường hợp ghi nhận theo giá trị hợp lý, cách hiểu về giá trị hợp lý ở Việt Nam còn chưa thống nhất và rõ ràng. Điều này dẫn đến một vài ý tưởng tương tự như giá trị hợp lý mới đang xuất hiện rải rác ở 1 - 2 chuẩn mực VAS như giá trị thuần có thể thực hiện được trong VAS 02, hay đánh giá sự thay đổi của ảnh hưởng tỷ giá hối đoái trong VAS 10, đánh giá lại ngoại tệ cuối kỳ của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo chế độ kế toán hiện hành.

Vì vậy, để lộ trình áp dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam được rõ ràng và sáng sủa, trước mắt các quy định về giá trị hợp lý ở Việt Nam có thể được xây dựng và áp dụng với các trường hợp cấp độ dễ hơn khi xác định giá trị hợp lý là cấp 1 và cấp 2. Bên cạnh đó, theo thống kê, tỷ lệ áp dụng giá trị hợp lý theo mức 2 và mức 1 chiếm đa số ở các nước. Với một thị trường tài chính đang trong giai đoạn phát triển ở Việt Nam việc áp dụng dần dần mức độ phức tạp của các quy định về tài chính là cần thiết, không nhất thiết phải áp dụng ngay các quy định quá phức tạp về giá trị hợp lý theo mức độ 3.

Ba là, mở rộng việc ghi chép theo giá trị hợp lý trong các trường hợp cụ thể

Các cơ quan quản lý về công bố thông tin của các doanh nghiệp đặc thù có thể cho phép hoặc yêu cầu các loại hình doanh nghiệp dưới đây cung cấp thông tin về giá trị hợp lý. Ví dụ: cho phép đánh giá lại tài sản cố định là đất đai, bất động sản (BĐS) của các doanh nghiệp BĐS, xây dựng nói riêng và của tất cả các doanh nghiệp nói chung.

Thực tế, khi vay ngân hàng, tài sản BĐS của các doanh nghiệp xây dựng, BĐS cũng thường được đánh giá lại bằng các phương pháp thẩm định giá không theo giá gốc của các công ty cung cấp dịch vụ thẩm định giá khi các tài sản này của doanh nghiệp được dùng làm tài sản thế chấp. Khi triển khai một dự án BĐS cần một nguồn vốn rất lớn so với nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Vì vậy, đa phần các doanh nghiệp cần đi vay ngân hàng hoặc huy động vốn từ hành vi thanh toán sớm của các khách hàng, trong đó các khách hàng cũng có thể được tài trợ vốn góp thanh toán sớm cho chủ đầu tư dự án từ ngân hàng có liên kết với các chủ đầu tư này.

Một hình thức khác gần đây là các doanh nghiệp BĐS đã phát hành trái phiếu huy động vốn thông qua các công ty chứng khoán hoặc các đại lý  - nhà đầu tư “chuyên nghiệp” - trên thị trường trái phiếu mà trong đó các công ty chứng khoán hoặc các “đại lý” này mua lô lớn trái phiếu của doanh nghiệp để hưởng chiết khấu. Sau đó, các doanh nghiệp này bán lại cho nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản của các công ty chứng khoán hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư cá nhân với các “đại lý” để mua trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS trên. Các giao dịch này có nên được pháp luật cấm? Nếu không cấm thì các giao dịch trên cần minh bạch hóa thông tin nhiều hơn, và nên mang tính bắt buộc trong công bố hoặc ít nhất khuyến khích để giảm thiểu rủi ro cho các bên liên quan. Rõ ràng trong các giao dịch này, những bên liên quan không ra quyết định dựa trên “giá gốc” của các tài sản đem cầm cố này. Vì vậy, các quy định bắt buộc hay khuyến khích mang tính cần thiết trong việc xác định giá trị hợp lý của các tài sản là BĐS khi đem cầm cố, thế chấp để huy động vốn của các doanh nghiệp là cần thiết để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, công ty chứng khoán, ngân hàng… Giá trị đất đai phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan: vị trí, diện tích, cơ sở hạ tầng xung quanh… cũng như chủ quan (ví dụ về lựa chọn phương pháp định giá…). Vì vậy, quy định cụ thể chi tiết về lĩnh vực này không nhất thiết là trong chuẩn mực kế toán mà trong các thông tư, nghị định… có liên quan càng làm cho giá trị BĐS được hợp lý hơn. 

Một trường hợp khác là giá trị của tài sản cố định trong các hoạt động bán tài sản là BĐS của doanh nghiệp. Đa phần thực tế trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, trong những năm doanh nghiệp bán các tài sản là BĐS thường ghi nhận khoản doanh thu lớn, kéo theo là khoản lãi lớn trong năm đó do giá vốn của các BĐS này là giá gốc từ thời điểm mua cách đây rất xa so với thời điểm bán hiện tại. Nếu giá BĐS tăng đột biến trong năm đó thì đa phần lợi nhuận ghi vào năm bán BĐS là hợp lý. Tuy nhiên, trong trường hợp mục đích mua BĐS là chờ tăng giá trong thời gian dài hoặc triển khai dự án khi hợp lý thì việc tăng giá BĐS là tích lũy trong một khoảng thời gian tương đối lâu khi có sự hoàn thiện dần dần của cơ sở hạ tầng cũng như các yếu tố dân cư, xã hội… có liên quan. Vì vậy, nếu ghi nhận toàn bộ lợi nhuận vào trong năm mở bán BĐS đó khi giá trị BĐS trên bảng cân đối kế toán các năm theo giá gốc có thể khiến tính bất đối xứng về thông tin giữa chủ sở hữu, nhà quản lý doanh nghiệp với nhà đầu tư nhỏ lẻ gia tăng khi các nhà đầu tư này thiếu thông tin về các tài sản doanh nghiệp nắm giữ, nhất là những tài sản nắm giữ trong thời gian tương đối lâu. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ có thể thiệt hại khi ra các quyết định không phù hợp (mua, bán chứng khoán của các doanh nghiệp BĐS này) khi thiếu thông tin. Vì vậy, trong những trường hợp chắc chắn giá trị BĐS của doanh nghiệp tăng giá khi các tài sản là BĐS tương tự trên thị trường tăng giá qua đấu giá, khung giá đền bù của Nhà nước, khung giá đấu giá khởi điểm của địa phương tại khu vực đó gia tăng… cần có các quy định ép buộc hoặc khuyến khích doanh nghiệp nhất thiết cần đánh giá lại giá trị của các BĐS trong các khu vực tăng giá này.

Ngoài việc nắm giữ tài sản là BĐS để bán, trong trường hợp nắm giữ tài sản để cho thuê, giá trị của các BĐS này có nên phụ thuộc vào giá thuê khi giá thuê gia tăng. Nếu theo nguyên tắc thận trọng, tài sản không nên được ghi nhận quá cao, tuy nhiên trong trường hợp một giao dịch trong thị trường tương tự, doanh nghiệp đối thủ có thể phải bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu một tài sản tương tự doanh nghiệp để có một dòng tiền từ cho thuê tài sản giống nhau. Vậy nếu so sánh một doanh nghiệp có doanh thu tương đương từ cho thuê tài sản từ một doanh nghiệp cùng ngành trên báo cáo thu nhập trong khi bảng cân đối của doanh nghiệp đó thu nhỏ hơn vì doanh nghiệp đó nắm giữ tài sản đó khá lâu so với bảng cân đối phình to hơn của một doanh nghiệp tương tự do mới nắm giữ tài sản tài sản BĐS đó thì sự so sánh trên có còn nhiều ý nghĩa không với các nhà đầu tư.

Như vậy trong một vài trường hợp, dòng tiền thu nhập không tương xứng với quy mô tài sản chỉ bởi doanh nghiệp đó đã nắm giữ các tài sản này lâu hoặc doanh nghiệp đó đã tồn tại lâu trên thị trường mà các tài sản này ghi nhận theo giá gốc. Điều này dẫn đến nhà đầu tư có thể đánh giá sai lầm về hiệu quả sử dụng tài sản, khả năng sinh lời của tài sản trong một vài trường hợp cụ thể. Vì vậy, cần cung cấp thêm thông tin trong những trường hợp doanh nghiệp dự định nắm giữ tài sản lâu dài là cần thiết và một trong số đó là giá trị hợp lý hiện tại của các tài sản doanh nghiệp đang nắm giữ. Thực tế hiện nay ở Việt Nam với việc phát triển du lịch, các khu công nghiệp, các căn hộ, văn phòng cho thuê không là chuyện hiếm với ngành BĐS. Như vậy, số lượng các bên liên quan trong một thị trường BĐS còn nhiều tiềm năng với ngày càng nhiều loại hình sản phẩm mới như condotel, officetel, shophouse, BĐS khu công nghiệp… đòi hỏi minh bạch thông tin nhiều hơn.

4. Kết luận

Áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam có thể đem lại nhiều lợi ích hơn chi phí theo những phân tích trong bài báo. Tác giả cũng đã đưa ra các nội dung có thể cần áp dụng giá trị hợp lý trong tương lai ở Việt Nam khi so sánh các quy định về giá trị hợp lý của Việt Nam so với thế giới. Trong bối cảnh tương lai gần, nhằm thúc đẩy áp dụng giá trị hợp lý ở Việt Nam, tác giả có một vài khuyến nghị áp dụng giá trị hợp lý trong một vài trường hợp cụ thể ở Việt Nam trước khi có một quan điểm thống nhất, triển khai đồng bộ sâu rộng về áp dụng giá trị hợp lý tại Việt Nam trong việc lập và trình bày BCTC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bhamornsiri, S., Guinn, R. E., & Schroeder, R. G. (2010). The economic impact of SFAS No. 157. International advances in economic research, 16(1), 65-79.
  2. Cullinan, C. P., & Zheng, X. (2014). Valuation scepticism, liquidity benefits and closed-end fund premiums/discounts: evidence from fair value disclosures. Accounting & Finance, 54(3), 729-751.
  3. Freeman, W., Wells, P., & Wyatt, A. (2017). Measurement model or asset type: Evidence from an evaluation of the relevance of financial assets. Abacus, 53(2), 180-210.
  4. Huang, H. W., Dao, M., & Fornaro, J. M. (2016). Corporate governance, SFAS 157 and cost of equity capital: evidence from US financial institutions. Review of Quantitative Finance and Accounting, 46(1), 141-177.
  5. Lawrence, A., Siriviriyakul, S., & Sloan, R. G. (2016). Who's the fairest of them all? Evidence from closed-end funds. The Accounting Review, 91(1), 207-227
  6. Riedl, E. J., & Serafeim, G. (2011). Information risk and fair values: An examination of equity betas. Journal of accounting research, 49(4), 1083-1122.
  7. Stefan Sundgrena, Juha Mkib, Antonio Somoza-Lópezc. (2018). Analyst Coverage, Market Liquidity and Disclosure Quality: A Study of Fair-value Disclosures by European Real Estate Companies Under IAS 40 and IFRS 13. The International Journal of Accounting, 53(1), March 2018, Pages 54-75.

SOME DISCUSSIONS ABOUT THE COSTS

AND BENEFITS OF APPLYING THE FAIR VALUE STANDARD

IN VIETNAM

Master. NGUYEN THANH TUNG

Faculty of Accounting - Auditing, Banking Academy

ABSTRACT:

International Financial Reporting Standards (IFRS) are a set of accounting standards that govern how particular types of transactions and events should be reported in financial statements. They were developed and are maintained by the International Accounting Standards Board (IASB), and the IFRS is widely recognized and applied in many countries. One of the main differences between the IFRS and Vietnamese Accounting Standards (VAS) is the recognition of transactions and the use of fair value in the presentation of financial statements. This paper presents the benefits and challenges for Vietnamese enterprises when using the IFRS’s standard on fair value. Some recommendations are made for enterprises in Vietnam to effectively apply the IFRS in their preparation and presentation of financial statements.

Keywords: financial statement, fair value, international financial statements, IAS.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]