Sử dụng khí hydro xanh từng được xem là một giải pháp năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường; vì hydro xanh là một loại năng lượng không carbon, có thể bổ sung cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Do đó, nhiều quốc gia tiên tiên trên thế giới đang nỗ lực hiện thực hóa loại năng lượng này. Một báo cáo của IEA năm 2019 nhấn mạnh tiềm năng của khí hydro “trở thành một phần trọng yếu của một tương lai năng lượng bền vững hơn và an toàn hơn”.
Hoa Kỳ cùng rất nhiều nước trên thế giới đang rất quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh hydro xanh thay thế cho nhiên liệu truyền thống. Đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.200 tỉ USD của chính quyền Tổng thống Biden, vừa được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 10/8, đã dành 8 tỉ USD cho ít nhất 4 trung tâm hydro sạch cấp vùng. Trước đó, vào tháng 6, Bộ Năng lượng Mỹ tài trợ 52,5 triệu USD cho 31 dự án hỗ trợ “thế hệ hydro sạch mới”.
Tháng 10 năm nay, Chính phủ Vương quốc Anh đã công bố Chiến lược hydro để thúc đẩy một nền kinh tế hydro đang phát triển mạnh, có thể hỗ trợ hàng nghìn việc làm và thu hút đầu tư hàng tỷ bảng Anh. Số liệu được dẫn ra tại Chiến lược hydro cho thấy, nền kinh tế hydro trên thị trường Anh Quốc có thể đạt giá trị 900 triệu Bảng và tạo ra hơn 9.000 việc làm chất lượng cao vào năm 2030, có khả năng tăng lên 100.000 việc làm và trị giá lên tới 13 tỷ bảng Anh vào năm 2050. Chính phủ Đức phê chuẩn Chiến lược hydro quốc gia. Theo đó, bên cạnh việc sản xuất hydro trong nước, Đức sẽ nhập khẩu hydro chủ yếu từ các nước có tiềm năng sản xuất hydro "xanh" giá rẻ trong EU. Trong tương lai, Đức sẽ nhập khẩu lượng lớn hydro, định dạng lại chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo và thành lập chuỗi cung ứng hydro tiềm năng.
Năm 2020, Liên minh châu Âu cũng đã ban hành Chiến lược phát triển hydro nhằm thúc đẩy sản xuất hydro “sạch” và ứng dụng hydro trong các lĩnh vực của nền kinh tế. Mục tiêu từ năm 2020 đến năm 2024 đạt tổng công suất hệ thống điện phân để sản xuất hydro “xanh” đạt tối thiểu 1 GW và sản lượng 1 triệu tấn/năm; từ năm 2025 đến năm 2030 có tổng công suất hệ thống điện phân để sản xuất hydro “xanh” đạt tối thiểu 40 GW và sản lượng 10 triệu tấn/năm; từ năm 2030 đến năm 2050 các công nghệ hydro “xanh” đạt mức độ trưởng thành, được áp dụng ở quy mô lớn và trong tất cả các lĩnh vực khó khử các-bon.
Ở nước ta, Petrovietnam nhanh chóng tham gia vào quá trình hoạch định các Chiến lược, chính sách để tạo khung pháp lý cần thiết cho việc phát triển năng lượng Hydro thông qua việc kết hợp với các Viện nghiên cứu, các Bộ, Ngành liên quan để thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp Hydro của Việt Nam.
Cụ thể, Petrovietnam tập trung công tác nghiên cứu ứng dụng, tiếp cận các công nghệ mới trong chuỗi sản xuất, vận chuyển, lưu trữ và sử dụng/ứng dụng Hydro để đón đầu và sẵn sàng tham gia sản xuất, kinh doanh Hydro khi thị trường có đủ điều kiện. Các nghiên cứu phát triển Hydro “xanh” được đặt trên nền tảng cơ sở đặc thù chuyên ngành và các lợi thế sẵn có của hạ tầng Ngành Dầu khí Việt Nam, trong đó tập trung vào 2 vấn đề cốt lõi. Thứ nhất, xác định có hay không các mỏ/vỉa Hydro tự nhiên;. Thứ hai, nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị Hydro, đặc biệt chuỗi Năng lượng tái tạo – Hydro – (i) Pin nhiên liệu (Fuel cell)/Sản xuất điện và (ii) sản xuất các sản phẩm hóa dầu (đạm, amoniac, methanol...).
Trong cuộc tọa đàm mới đây do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Ngành Công nghiệp Hydro nói riêng hay nền kinh tế Hydro nói chung đang phát triển nhanh và trở nên hiện hữu trên toàn cầu. Nhiều quốc gia đang chuẩn bị cho việc hình thành nền kinh tế hydro và các tập đoàn năng lượng, dầu khí trên thế giới bắt đầu triển khai phát triển Hydro “xanh” sản xuất từ năng lượng tái tạo để chuẩn bị cho việc sản xuất thương mại sau năm 2030. Mặc dù lĩnh vực Hydro “xanh” còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề giá thành sản xuất còn cao, tuy nhiên với tốc độ phát triển của năng lượng tái tạo trong thời gian vừa qua cùng với sự hoàn thiện công nghệ sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của Hydro “xanh” và có thể sản xuất quy mô thương mại từ sau năm 2030.
Trên thực tế, Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy (Vương quốc Anh - Singapore) và các nhà đầu tư từ châu Âu đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam về lập Dự án đầu tư Thăng Long Wind 2 (TLW2) sản xuất hydro từ điện phân nước biển phục vụ xuất khẩu tại khu vực dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long (mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận) với quy mô 2.000MW, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ đô la Mỹ, thời gian triển khai dự kiến từ 2022 đến 2030.
Đây là dự án sản xuất hydro từ điện phân nước biển đầu tiên của Việt Nam, mang tính đột phá, khai thác tối đa tiềm năng gió ngoài khơi, cũng như đặt nền móng cho phát triển nền kinh tế hydro xanh cho Việt Nam trong tương lai gần do nằm trong tuyến hàng hải giao thương quốc tế, khoảng cách ngắn đến các thị trường xuất khẩu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Ngoài ra, trong quá trình triển khai, TLW2 sẽ tận dụng triệt để năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu dầu khí trong nước như PTSC, Vietsovpetro để gia công chế tạo các công trình biển.
Hội nghị thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) hồi đầu tháng 11, nhiều quốc gia đã có những cam kết mạnh trong chống biến đổi khí hậu. Một trong những thông báo quan trọng tại Hội nghị COP 26 đó là cam kết của lãnh đạo các nước về phát thải ròng bằng 0, trong đó đáng chú ý nhất là cam kết của Ấn Độ, một trong những quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới, đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2070. Thái Lan, Nepal, Nigeria và Việt Nam cũng cam kết đưa ra mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong khi Argentina, Brazil, Guyana và Mauritania nằm trong số những nước công bố cập nhật mục tiêu 2030.
Vì vậy, phát triển hydro xanh ở nước ta được đánh giá là một trong những chiến lược không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đối với cam kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.