Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong bối cảnh thế giới vẫn đang ở trong tình trạng chịu tác động rất nặng nề của dịch bệnh Covid-19, cùng những hệ quả khác từ dịch bệnh như vấn đề thiếu container rỗng, hay việc tăng giá cước tàu biển, sự cố của kênh đào Suez cộng với chi phí vận chuyển tăng cao… nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đang có sự bứt phá trong những tháng đầu năm 2021 và có sự phát triển khá bền vững dựa vào tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng như điện tử, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị, nông sản… và ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN…
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 4, nước ta đạt kim ngạch xuất nhập khẩu gần 27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,65 tỷ USD, nhập khẩu đạt 13,96 tỷ USD. Như vậy, trong nửa đầu tháng 4, nước ta nhập siêu hơn 1,3 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong nửa đầu tháng đầu tiên của Quý II, có 2 nhóm hàng nhập khẩu với kim ngạch lên tới hơn 2 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,82 tỷ USD và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với con số đạt hơn 2 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, gây tác động về mặt lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
“Kết quả này có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất khác nhau, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp, các ngành hàng như dệt may, da giầy... bởi, ở năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hai ngành hàng này đã bị sụt giảm sản lượng đến 10%”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định.
Cụ thể, ông Trần Thanh Hải cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế trong Quý I và nửa đầu tháng 4 đến từ thành tích chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, của doanh nghiệp và của toàn dân. Thứ hai, là việc duy trì ổn định tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước đang chịu những tác động rất lớn.
Thêm vào đó, động lực tăng trưởng còn đến từ chính sự nỗ lực, cố gắng của bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển hướng, tìm kiếm phương án mới trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các doanh nghiệp dệt may, da giày...
Ngoài ra, nhờ tác động tích cực từ các FTA và doanh nghiệp đã tận dụng tốt hơn những lợi thế về thuế suất ưu đãi nên tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực nêu trên. Cùng với đó, dư địa cho xuất khẩu cũng mở rộng hơn so với trước.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 600 tỷ USD là khả thi
Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, sau Quý đầu năm, kết quả xuất nhập khẩu hiện đang duy trì rất tốt và với đà tăng trưởng này từ nay đến cuối năm, nhiều khả năng nước ta sẽ về đích 600 tỷ USD cho tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021.
“Điều này hoàn toàn có cơ sở và khả thi” - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định, bởi, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn.
Các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Xuất nhập khẩu còn nhấn mạnh, giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh như gạo, cà phê, chè, cao su, hạt tiêu… sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng lưu ý, quãng thời gian từ nay đến hết năm còn khá dài và tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi và chưa thể lường hết. Do đó, cả cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng đến các doanh nghiệp đều không được phép chủ quan.
“Yếu tố quan trọng nhất để giúp cho chúng đã đạt thành tích xuất nhập khẩu như vừa qua chính là nhờ kết quả chống dịch Covd-19. Chính vì vậy, việc không lơ là, chủ quan trong chống dịch là một yêu cầu hết sức thiết yếu để làm nền tảng cho việc duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới”, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Ngoài ra, hoạt động xuất nhập khẩu hiện vẫn phải đổi diện với nhiều rào cản như việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn; nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu thị trường chưa hồi phục đồng đều; chi phí đầu vào như logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao; các thị trường xuất khẩu nông, thủy sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm…
Vì vậy, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.
Đặc biệt, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, năm 2021 sẽ chứng kiến sự tác động rõ nét của các FTA đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt. Do đó, các doanh nghiệp cần khẩn trương tổ chức sắp xếp lại chiến lược, định hướng về sản xuất kinh doanh, trang bị có mình kiến thức và năng lực để tận dụng được tối đa lợi thế từ các FTA.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về đầu vào, hỗ trợ về mặt thông tin, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến…