Trong năm 2020, mặc dù chịu các tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu trong nước vẫn ghi nhận những nét tích cực. Theo thống kê của Bộ Công Thương năm 2020, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2020.
Bước sang năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục đón nhận nhiều tin mừng. Ngay tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 27,7 tỷ USD, tăng 50,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 26,4 tỷ USD, tăng 41%. Xuất siêu tháng 1 đạt 1,3 tỷ USD.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả ở trong nước và trên thế giới, tiếp tục tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, “trong nguy có cơ”, trong số 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia, 13 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA sắp có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán. Với phạm vi cam kết rộng và toàn diện, các FTA mở ra nhiều cơ hội giúp Việt Nam có thể vươn lên chiếm lĩnh thị trường thế giới.
Trong bối cảnh này, phóng viên Tạp chí Công Thương đã có buổi trao đổi với ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về bức tranh ngoại thương năm 2021 cũng như những giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Phóng viên: Thưa ông, tăng trưởng xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu rất khả quan. Xin ông cho biết những lĩnh vực, ngành hàng cụ thể nào có đóng góp lớn vào kết quả này?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Tính đến 15/2/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt được 38 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu, tính đến giữa tháng 2, con số này cũng tăng 25%, đây là một kết quả rất tích cực trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, gây tác động về mặt lâu dài đối với nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Kết quả này có sự đóng góp rất rõ của tất cả các ngành sản xuất khác nhau, đặc biệt là các khối ngành công nghiệp, các ngành hàng như dệt may, da giầy… bởi, ở năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, kim ngạch xuất khẩu hai ngành hàng này đã bị sụt giảm sản lượng đến 10%.
Tương tự, trong một tháng rưỡi qua, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác như điện thoại; máy móc, phụ tùng và các sản phẩm điện tử cũng tăng trưởng ở mức rất cao. Mức tăng này đã phản ánh nhu cầu tiêu thụ của thế giới là rất lớn trong bối cảnh giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, một số khu vực, trung tâm sản xuất các mặt hàng tương tự trên thế giới cũng có hạn chế sản xuất, do vậy nguồn cung từ phía Việt Nam cũng được gia tăng.
Riêng với nhóm hàng nông sản, mặc dù kim ngạch không tăng cao so với nhóm hàng công nghiệp, nhưng tính đến 15/2 xuất khẩu nông sản cũng đã đạt được kim ngạch khá tốt, ở mức tăng trưởng 5%.
Tuy nhiên, các mặt hàng nông sản có yếu tố phụ thuộc về diễn biến của thời tiết cũng như các yếu tố về bảo quản rất nhạy cảm, do vậy, cần hết sức chú trọng việc đảm bảo về khâu lưu thông cũng như các yếu tố về vận chuyển, bảo quản để giúp cho nông sản, lâm sản xuất khẩu được tốt hơn.
Phóng viên: Còn đâu là những mặt hàng/lĩnh vực chịu tác động, ảnh hưởng/gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu 2 tháng qua, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Chúng ta cũng đã thấy, qua thời gian dịch bệnh vừa qua, nhóm các mặt hàng vẫn duy trì được sự tăng trưởng, thậm chí có sự tăng trưởng cao chính là nhóm các mặt hàng liên quan đến việc sử dụng cá nhân và ở trong nhà. Cụ thể là nhóm hàng đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại di động… đây là những sản phẩm mặc dù trong bối cảnh giãn cách xã hội nhưng nhu cầu tiêu dùng vẫn rất cao để phục vụ làm việc từ xa.
Còn những nhóm hàng bị ảnh hưởng trong năm 2020 thì chúng ta cũng thấy rõ là nhóm hàng dệt may, da giày. Đây là hai nhóm hàng có thể nói là nhu cầu tiêu dùng đã giảm xuống trong bối cảnh người dân phải thắt chặt chi tiêu và do đó đã có tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của hai nhóm hàng này của Việt Nam trong năm qua.
Trong năm 2020, nhất là trong giai đoạn đầu khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát chúng ta thấy có những đặc điểm tác động đến xuất nhập khẩu, trước hết đó là việc thiếu hụt về nguồn cung. Vào giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, khi chúng ta khôi phục và thích ứng được về nguồn cung thì khó khăn tiếp theo là về thị trường, tức là cầu.
Đến cuối năm 2020 các vấn đề đó chúng ta đều vượt qua được thì thời điểm hiện nay, khó khăn lại nằm ở khâu giữa - logistics là khâu kết nối giữa cung và cầu. Cụ thể là những vấn đề như chi phí container rỗng gia tăng hoặc thiếu hụt các chuyến tàu, đặc biệt là đi các thị trường châu Âu, châu Mỹ đã làm cho chi phí vận chuyển tăng lên rất nhiều.
Còn ngay ở trong nước, chúng ta cũng thấy là tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở một số địa phương, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch cũng đã có những tác động nhất định đến khâu vận chuyển, lưu thông và do vậy thì các hàng hóa để đưa ra cảng đi xuất khẩu cũng phần nào bị ảnh hưởng.
Phóng viên: Thưa ông, Bộ Công Thương đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm nay chỉ là 4-5%, là mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vì sao Bộ Công Thương lại đặt ra mục tiêu này và khả năng đạt được ra sao, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Có thể nói diễn biến thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây cho thấy môi trường kinh doanh quốc tế hiện nay có những yếu tố bất ổn và xuất hiện rất nhanh. Ví dụ như sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ trong 10 năm vừa qua đã tác động rất sâu sắc và thay đổi hẳn bộ mặt của thương mại quốc tế, và đương nhiên có tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Dịch Covid-19 cũng là yếu tố mà trước đây các quốc gia hầu như chưa tính toán đến, thì bây giờ tất cả các kịch bản phát triển chúng ta cũng đều phải đưa ra những yếu tố tương tự như vậy - tức là những vấn đề có thể không lường trước được ngay - như thiên tai, dịch bệnh hoặc những xung đột thì đều có thể tiềm ẩn những bất ổn.
Đồng thời, việc Việt Nam hiện nay đã tham gia và có độ mở rất lớn trong quá trình hội nhập, chính vì vậy sự tương tác và phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào xuất nhập khẩu cũng sẽ có sự phụ thuộc lớn hơn từ các thị trường thế giới. Thì khi cân nhắc những yếu tố như vậy thì Bộ Công Thương đã đưa ra chỉ tiêu phát triển xuất khẩu trong thời gian tới ở mức 4-5% và cũng trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới cũng như ở Việt Nam thì đây cũng là yếu tố, chỉ tiêu hợp lý để chúng ta phấn đấu hoàn thành được trong thời gian tới.
Phóng viên: Chúng ta sẽ khai thác các FTA như thế nào, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA - là những hiệp định đã có hiệu lực cũng như Hiệp định RCEP mới đc ký kết, thưa ông?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Năm 2020, Việt Nam có 3 hiệp định thương mại tự do (FTA) đi vào thực hiện, được ký kết, đó là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong đó, Hiệp định EVFTA và RCEP là những Hiệp định có quy mô rất lớn và được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam có thay đổi mạnh mẽ.
Khi Hiệp định EVFTA có vào hiệu lực vào ngày 1/8/2020, ngay lập tức số lượng C/O mẫu EUR.1 xuất khẩu đi EU tăng rất mạnh, điều cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã ngay lập tức nắm bắt và khai thác được lợi thế từ Hiệp định này.
Năm 2020, chúng ta cũng thấy những tác động của dịch Covid-19, một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nhiều chính là khu vực thị trường châu Âu. Tuy nhiên, đến hết năm 2020 và đến thời điểm này, xuất khẩu sang EU vẫn có tăng trưởng tốt, không chỉ ở trong các nhóm hàng truyền thống mà kể cả những nhóm hàng mới, đặc biệt là nhóm hàng đồ gỗ…
Tác động của các Hiệp định sẽ được thể hiện rõ hơn trong thời gian tới, khi các Hiệp định này được thực thi một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn cũng như khi các yếu tố về dịch bệnh được đẩy lùi. Kỳ vọng trong năm 2021 và 2022, các Hiệp định sẽ là động lực, là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng cho hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Phóng viên: Vậy, ở năm 2021, ông có dự báo như thế nào về hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và có những khuyến cáo gì đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp?
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải: Năm 2020, cả nước cùng chung tay thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế. Điểm nối bật nhất trong năm qua có thể ghi nhận, đó là khả năng thích ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh.
Bởi, năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp không hề thuyên giảm cả ở trong nước và trên thế giới, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng chuyển đổi từ việc tìm các nguồn cung nguyên liệu mới đến các thị trường xuất khẩu và khắc phục những khó khăn về đứt gãy của chuỗi cung ứng, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, đạt được thành tích xuất khẩu với kim ngạch xuất siêu đến 19 tỷ USD trong năm 2020.
Đây chính là sự ghi nhận về khả năng thích ứng của các doanh nghiệp và có thể nói, ở một góc độ nào đó, dịch Covid- 19 đã làm cho các doanh nghiệp Việt đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc và thích ứng nhanh hơn. Đi cùng với đó là những tác động của quá trình chuyển đổi số, đỏi hỏi các doanh nghiệp phải thích ứng với một môi trường kinh doanh năng động hơn, với những cách tiếp cận mới hơn.
Năm 2021, dịch bệnh có thể được kiểm soát nhưng tác động của Covid-19 vẫn sẽ còn lâu dài, ít nhất trong một vài năm nữa. Thêm vào đó, yếu tố thị trường có thể cũng chưa trở lại, chưa khôi phục hoàn toàn, do vậy, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp của chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố này để không thể chủ quan. Và chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng các công cụ đã phát huy tốt trong năm 2020, ví dụ như việc sử dụng các kênh tiếp thị ở trên môi trường số.
Thứ hai, chúng ta đã có trong tay các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các thị trường cơ bản, những thị trường lớn trên thế giới, vì vậy, các doanh nghiệp trong nước cần tổ chức sắp xếp lại những chiến lược, những định hướng sản xuất kinh doanh; cùng với đó, tìm hiểu thật kỹ để tận dụng được tối đa lợi thế từ các hiệp định này.
Vấn đề quản trị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như các yếu tố về cải cách hành chính để hỗ trợ cho doanh nghiệp… là những giải pháp về lâu dài và chúng ta phải duy trì thường xuyên.