Năm ASEAN 2020 và chuỗi hoạt động đầy ý nghĩa của doanh nghiệp trong nửa cuối năm

Các hoạt động của doanh nghiệp trong năm ASEAN 2020 tập trung vào các chủ đề "công nghệ", "số hóa" trong bối cảnh doanh nghiệp cần nhanh chóng khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19.

Sáng 22/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu chuỗi các hoạt động doanh nghiệp trong Năm ASEAN 2020 do VCCI chủ trì theo sự phân công của Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020.

Phát biểu tại họp báo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, trong năm 2020, VCCI giữ vai trò Chủ tịch ASEAN BAC, trong đó nhiệm vụ chính của Hội đồng là thúc đẩy quan hệ đối tác công-tư hướng tới hội nhập và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và cung cấp thông tin phản hồi của giới tư nhân về việc thực hiện hợp tác kinh tế khu vực ASEAN và đưa ra những lĩnh vực ưu tiên trình lên Lãnh đạo ASEAN.

VCCI cùng các thành viên ASEAN BAC có các khuyến nghị doanh nghiệp và đối thoại với Bộ trưởng Kinh tế và Lãnh đạo cấp cao ASEAN xuyên suốt năm 2020.

năm chủ tịch ASEAN
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, hơn lúc nào hết việc tăng cường, gắn kết và sự chủ động thích ứng đang trở thành phẩm chất quan trọng của quản trị quốc gia và các nền kinh tế

Xuất phát từ mục tiêu vì một cộng đồng ASEAN phát triển và với sứ mệnh kết nối doanh nghiệp, trong năm nay, VCCI có những hoạt động nổi bật như: tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS) 2020 với chủ đề: “Việt Nam số hoá: Chủ động thích ứng hướng tới phát triển bền vững” và được tổ chức vào ngày 12/11/2020.

Hội nghị VBS sẽ là cơ hội để các nhà đầu tư tìm hiểu về triển vọng kinh tế Việt Nam trước đại dịch Covid-19 cũng như xác định tiềm năng hợp tác trong các ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn như logistics, nông nghiệp, dịch vụ IT.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng chuyên ngành cũng sẽ có các bài phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể cũng như trong các Phiên chuyên đề của Hội nghị.

Ngoài ra, còn có Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 (ASEAN BIS 2020), được tổ chức ngay liền sau Hội nghị VBS 2020, tức là sẽ chính thức diễn ra tại Hà Nội từ ngày 13-14/11/2020 với chủ đề “ASEAN số: Bền vững và Bao trùm”.

Là sự kiện được mong đợi nhất của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, Hội nghị kỳ vọng sẽ được đón tiếp các vị lãnh đạo cấp cao của 10 nước ASEAN cùng 8 vị nguyên thủ các nước có đối thoại ASEAN tới phát biểu chỉ đạo và đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp ASEAN nhằm xây dựng một khu vực ASEAN phát triển và bền vững, vượt qua những thách thức của đại dịch và tận dụng tối ưu cách mạng công nghệ số.

Hội nghị năm nay sẽ tập trung vào 6 chủ đề bao gồm: Triển vọng kinh tế ASEAN; Công nghệ và tương lai việc làm trong ASEAN; Nông nghiệp đổi mới; Đạt được tăng trưởng xanh qua quản trị tốt; Hậu cần và Thành phố thông minh và ASEAN Đổi mới và Khởi nghiệp công nghệ số.

Đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN quảng bá thương hiệu, khẳng định vị thế tại khu vực và trên trường quốc tế, mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư không chỉ với các đối tác tại 10 quốc gia thuộc khối ASEAN mà còn vươn tới các đối tác đối thoại của ASEAN như Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, EU, Nga, Canada…

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, năm 2020 là một năm đầy thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu; trong đó, doanh nghiệp khu vực ASEAN và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, doanh nghiệp cần hướng tới phát triển bền vững và bao trùm, phải quốc tế hoá và số hoá để tăng cường năng lực cạnh tranh, gắn kết và hội nhập.

“Với chủ đề tập trung vào phát triển bền vững và tiến trình chuyển đổi số, Hội nghị VBS và Hội nghị ASEAN BIS 2020 sẽ là những diễn đàn cần thiết để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội hợp tác và nắm bắt xu thế mới từ đó đưa ra chiến lược phát triển phù hợp”, ông Lộc nhấn mạnh.

năm chủ tịch asean
Các hoạt động của doanh nghiệp trong năm ASEAN 2020 tập trung vào các chủ đề "công nghệ", "số hóa" trong bối cảnh doanh nghiệp cần nhanh chóng khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19

Về các hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp Đông Á - EABC (gồm ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), trong năm 2020, EABC đã tổ chức 02 cuộc họp Hội đồng với sự tham gia các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đại diện cho 13 quốc gia Đông Á, với ba vấn đề trọng tâm được thảo luận gồm: (1) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), (2) Kinh tế số, và (3) Hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Dự kiến EABC sẽ tổ chức thêm 2 cuộc họp vào cuối năm 2020, đồng thời sẽ đối thoại trực tiếp với Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3 vào tháng 8/2020 và Chủ tịch EABC, Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc sẽ báo cáo các khuyến nghị doanh nghiệp lên lãnh đạo ASEAN + 3 vào cuối năm 2020.

Cũng trong năm 2020, ASEAN BAC Việt Nam, VCCI phối hợp cùng với Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai dự án di sản Mạng lưới khởi nghiệp ASEAN công nghệ số - Digital STARS 2020, nhằm tạo dựng một mạng lưới kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ trong ASEAN để đẩy mạnh giao lưu, học tập kinh nghiệm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đặc biệt với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa - MSME, động lực phát triển kinh tế trong ASEAN.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Dự án di sản ASEAN Digital STARS chia sẻ, nhìn ở khía cạnh tích cực, đại dịch Covid-19 là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số để tồn tại và tiếp tục phát triển.

Do đó, theo ông Đoàn, dự án di sản ASEAN Digital STARS do ASEAN BAC chủ trì năm 2020 hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chuyển đổi số cũng sẽ mang đến các cơ hội bình đẳng cho các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, doanh nhân trẻ, người nghèo…, đưa yếu tố con người vào trung tâm, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.

 

Hạ Vũ