Nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại

ThS. NGUYỄN HỒNG YẾN và ThS. VŨ THỊ KIM THANH (Khoa Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Nguồn vốn huy động có vai trò rất lớn trong hoạt động của ngân hàng, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường. Do đó, việc mở rộng các sản phẩm tiền gửi tới các tổ chức kinh tế cũng như các tầng lớp dân cư là vấn đề hàng đầu của ngân hàng.

Từ khóa: Huy động vốn, ngân hàng thương mại, kinh tế thị trường, vốn nhàn rỗi.

I. Đặt vấn đề

Nghiệp vụ huy động vốn tuy không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng nhưng lại rất quan trọng. Không có nghiệp vụ huy động vốn coi như không có hoạt động của ngân hàng. Khi thành lập, ngân hàng phải có một số vốn điều lệ, nhưng số vốn này chỉ đủ để đầu tư cho các tài sản cố định, như: trụ sở, văn phòng, máy móc thiết bị, chứ chưa đủ vốn để ngân hàng có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh như cấp tín dụng và các hoạt động khác. Để có vốn thực hiện các hoạt động này, ngân hàng phải huy động vốn từ khách hàng. Đây là nghiệp vụ giải quyết yếu tố đầu vào cho ngân hàng.

II. Vấn đề huy động tại các ngân hàng

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), huy động vốn của toàn hệ thống năm 2016 tăng khoảng 21,2%. Còn theo báo cáo tài chính của các ngân hàng lớn huy động vốn năm 2016 tăng khá mạnh, đặc biệt là 6 tháng cuối năm, có ngân hàng đạt mức 85% so với năm 2015.

Nguyên nhân được xác định là do sự ứng biến linh hoạt của lãi suất. Huy động VND kỳ hạn dài tăng nhẹ trong quý 1/2016 (tăng 0,1- 0,5 điểm % so với cuối năm 2015 và tăng 0,3 - 0,7 điểm % so với cùng kỳ năm 2015) và duy trì khá ổn định trong quý 2/2016. Từ ngày 14/6/2016, tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ, lãi suất huy động kỳ hạn dài tăng đến 0,7 điểm % so với cuối năm 2015. Nguyên nhân lãi suất huy động tăng chủ yếu do các NHTM đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn nhằm cân đối nguồn vốn trước các quy định sửa đổi của Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Sang đến năm 2017, các ngân hàng tiếp tục lạc quan về khả năng thu hút nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trong năm 2017 trước những dự báo về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn năm trước, đồng tiền ổn định và lạm phát nằm trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ thêm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Điều này được thể hiện qua những con số trong quý I/2017, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng bình quân 4,57% (VND: +5,13%; ngoại tệ: +0,75%). Nguyên nhân là do từ đầu năm tới nay, các ngân hàng nhóm cổ phần nhà nước huy động vốn với lãi suất cao nhất là 6,5 - 6,8%/năm với các kỳ hạn dài, còn nhóm cổ phần lớn, có thanh khoản tốt cũng chỉ huy động ở quanh vùng 7 - 7,5%/năm, nhiều ngân hàng nhỏ huy động vốn cao nhất quanh 8%/năm và cao nhất là ở NCB với mức 8,2%/năm. Có nơi lên đến gần 9%/năm (như LienVietPostBank, Sacombank).

Dự kiến hết năm 2017, huy động vốn toàn ngân hàng tăng trưởng bình quân 16,76% (VND: +18,12%; ngoại tệ: +0,95%). Đóng góp chủ yếu vào kỳ vọng về mức tăng huy động vốn chung là kỳ vọng về tốc độ trưởng huy động vốn bằng VND, trong đó huy động vốn bằng ngoại tệ chỉ tăng nhẹ không đáng kể (dưới 1%, trong khi năm 2015 tăng gần bằng tốc độ tăng trưởng huy động vốn VND). Kỳ vọng này khá sát với xu hướng và diễn biến thực tế trên thị trường, đồng thời thể hiện thành công của NHNN trong nỗ lực chống đô la hóa, chống tích trữ ngoại tệ trong nền kinh tế.

Trên đây là những thành tựu mà các ngân hàng đạt được nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít khó khăn.

Theo nhận định của một số chuyên gia thì có khoảng trên 90% tỷ trọng vốn của ngân hàng hiện này là nguồn vốn ngắn hạn. Điều này gây khó khăn cho các NHTM trong việc quản trị nguồn vốn, khó bảo đảm cân đối kỳ hạn. Kỳ hạn huy động vốn bình quân có xu hướng rút ngắn trong khi kỳ hạn cho vay bình quân dài, tạo nguy cơ rủi ro kỳ hạn và lãi suất. Huy động vốn trung và dài hạn không đủ để tài trợ cho các hoạt động tín dụng trung và dài hạn. Điều này dẫn tới việc các ngân hàng buộc phải chuyển một phần vốn ngắn hạn sang để đáp ứng cho nhu cầu dài hạn. Việc tỷ trọng vốn trung và dài hạn quá thấp, mất cần đối trong tổng nguồn vốn huy động, sự mất cần đối kỳ hạn vốn của ngân hàng hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, đặt biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do các doanh nghiệp này chủ yếu vay vốn trung và dài hạn để đầu từ mở rộng sản xuất kinh doanh, hoặc đối với một số ngân hàng lớn thì tình trạng này cũng khiến họ gặp khó khăn cho việc tài trợ các dự án mang tầm cỡ quốc gia.

Về thái độ phục vụ khác hàng, tuy không xảy ra quá phổ biến nhưng vẫn còn có hiện tượng khách hàng phàn nàn về thái độ phục vụ, tác phong, tính chuyên nghiệp của nhân viên ngân hàng, nhất là một số chi nhanh giao tiếp nhỏ lẻ. Điều này cũng phần nào khiến cho khách hàng không còn muốn sử dụng dịch vụ của ngân hàng nữa.

Lãi suất huy động chưa được đa dạng hóa, một phần do hình thức huy động vốn chưa được phân chia cụ thể. Nguyên nhân lãi suất bị khống chế là do lãi suất trần của NHNN nên lãi suất huy động vẫn chưa phản ánh được lãi suất thực trên thị trường. Ngoài ra, đối với riêng các ngân hàng nhỏ, việc NHNN quy định trần lãi suất huy động cào bằng khiến các ngân hàng nhỏ trở nên khó khăn hơn trong thu hút vốn, vì lẽ dĩ nhiên nhà đầu tư sẽ lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng lớn.

Huy động vốn thông qua việc phát hành các công cụ nợ còn chưa cao do công cụ có tính lỏng thấp, mối quan hệ qua lãi giữa ngân hàng và thị trường chứng khoán còn lỏng lẻo, chưa có tính hỗ trợ cao.

Một khó khăn nữa đặt ra cho các NHTM trong nước đó là xự xâm nhập của các ngân hàng nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Điều này đặt ra thách thức cho các ngân hàng trong nước khi mà ngân hàng nước ngoài vốn rất nhanh nhạy trong việc đưa ra các loại hình dịch vụ, chiến lược truyền thông, quảng bá rầm rộ… Các ngân hàng trong nước đứng trước nguy cơ bị cạnh tranh về thị phần, dẫn đến vốn huy động càng trở nên khó khăn hơn.

III. Biện pháp nâng cao hiệu quả huy động vốn

1. Về cơ chế điều hành huy động vốn và kinh doanh vốn

Xây dựng chính sách huy động nguồn vốn đúng với cơ chế chính sách của Nhà nước, phù hợp diễn biến thị trường, nhu cầu khách hàng và định hướng chiến lược kinh doanh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế điều hành lãi suất theo hướng linh hoạt, tạo quyền tự chủ cho các chi nhánh của ngân hàng. Nghiên cứu thị trường nguồn vốn huy động để đưa ra chính sách lãi suất huy động mềm dẻo, linh hoạt hấp dẫn khách hàng, phù hợp với diễn biến lãi suất thị trường trong từng thời kỳ...

2. Về cơ cấu nguồn vốn huy động

- Để giảm bớt chi phí và tạo tính chủ động trong hoạt động kinh doanh, cần nghiên cứu để đưa ra các sản phẩm huy động vốn đặc trưng cho từng ngành.

- Đối với nguồn vốn khu vực đô thị, các vùng cạnh tranh cao cần nghiên cứu để đưa ra chính sách huy động vốn phù hợp. Phấn đấu nguồn vốn huy động ở khu vực đô thị luôn chiếm khoảng 70% trên tổng nguồn vốn của toàn ngành. Thực hiện huy động vốn đô thị để cho vay nông nghiệp, nông thôn…

- Khai thác tối đa nguồn vốn rẻ, thời gian sử dụng lâu dài từ các định chế tài chính, tổ chức quốc tế. Tăng cường hợp tác với các tổ chức, định chế tài chính trong và ngoài nước để khai thác các nguồn vốn nội, ngoại tệ trung dài hạn.

- Ngân hàng sớm ban hành quy định về tiền gửi, cho vay trên thị trường liên ngân hàng, quy định về chấm điểm, xếp hạng đối với các định chế tài chính để chuẩn hóa hoạt động của ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng. Tăng cường công tác quản lý kế hoạch đối với chi nhánh, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn ngoài kế hoạch; kiên quyết xử lý đối với các chi nhánh nhận vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế ẩn...

- Kiện toàn hệ thống tổ chức, phân công đơn vị đầu mối có chức năng khai thác nguồn vốn tài trợ thương mại, ban hành quy trình vay tài trợ thương mại trong hệ thống các ngân hàng. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác nguồn vốn tài trợ thương mại và lập kế hoạch cho vay khách hàng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tránh tình trạng bị động.

3. Về sản phẩm huy động vốn

Thực hiện nghiên cứu thị trường, phân đoạn khách hàng đưa ra các sản phẩm huy động vốn phù hợp với các đối tượng khách hàng gửi tiền, đặc điểm các vùng, miền, xây dựng chính sách ưu đãi về lãi suất, khuyến mãi phù hợp với từng phân đoạn khách hàng; đa dạng hóa và hoàn thiện hệ thống danh mục sản phẩm huy động vốn, gia tăng tiện ích cho sản phẩm huy động vốn, bán chéo sản phẩm...

4. Về quy trình giao dịch trong hoạt động huy động vốn

Rà soát lại quy trình, thủ tục, chứng từ giao dịch, chương trình liên quan trong giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Hoàn thiện quy trình giao dịch tiền gửi tiết kiệm; chương trình cảnh báo; giám sát trên hệ thống về các giao dịch tiền gửi, huy động vốn...

5. Về kênh phân phối

- Với kênh phân phối truyền thống, đánh giá hoạt động huy động vốn trong thời gian qua, từ đó có các giải pháp cơ cấu, sắp xếp lại để các chi nhánh, phòng giao dịch phát huy tiềm năng.

- Tập trung khai thác các đại lý/tổ nhóm trung gian trong huy động vốn. Ngoài chức năng tổ /nhóm cho vay thu nợ, mở rộng thêm nắm bắt nhu cầu sử dụng để tư vấn về sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó gia tăng nguồn vốn huy động từ kênh phân phối này.

- Kênh phân phối hiện đại, nên bổ sung những tính năng để gia tăng tiện ích dịch vụ mà các ngân hàng nước ngoài đã triển khai hoặc chưa triển khai, từ đó thu hút, khuyến khích khách hàng gửi tiền và sử dụng dịch vụ ngân hàng trong nước.

6. Về cơ chế khuyến khích trong huy động vốn

- Thành lập Tổ chỉ đạo huy động vốn giai đoạn 2015- 2020 với nhiệm vụ là xây dựng và chỉ đạo kịp thời các cơ chế, giải pháp… liên quan đến phát triển nguồn vốn tại các ngân hàng.

- Xây dựng cơ chế khuyến khích nội bộ, phân vùng, địa bàn hoạt động để xây dựng cơ chế thưởng huy động vốn phù hợp; xây dựng cơ chế phí, lãi suất theo hướng khuyến khích các đơn vị huy động thừa vốn…

- Cơ chế khuyến khích đối với khách hàng, xây dựng chính sách khách hàng áp dụng thống nhất trong hệ thống từng ngân hàng…

7. Về công nghệ thông tin trong hoạt động huy động vốn

Để đảm bảo được việc quản lý huy động vốn đầy đủ, hệ thống công nghệ thông tin cần xây dựng hệ thống đáp ứng được việc quản lý thông tin huy động vốn trên một số phân hệ như sau: Quản lý các nguồn vốn huy động từ tiền gửi, trong đó bao gồm tiền gửi thanh toán (không kỳ hạn), tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm; Quản lý các nguồn vốn huy động từ phát hành kỳ phiếu, trái phiếu, các chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn; Quản lý các nguồn vốn huy động từ đi vay, vay từ NHNN, vay từ các định chế tài chính; Quản lý các nguồn vốn từ các nguồn khác, sử dụng các luồng tiền nhàn rỗi trong hệ thống...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Trang web Ngân hàng Nhà nước: sbv.gov.vn

2. Trang web Cafef.vn

3. Giáo trình Ngân hàng thương mại - Học viện Ngân hàng

4. Số liệu Tổng cục Thống kê

ENHANCING THE EFFECTIVENESS OF CAPITAL MOBILIZATION ACTIVITIES OF COMMERCIAL BANKS

MA. NGUYEN HONG YEN

MA. VU THI KIM THANH

Faculty of Finance and Banking,

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Called-up capital plays an enormous role in the operation of commercial banks, particularly in the context of a market economy. Therefore, it is important for commercial banks to diversify their financial services and products in order to attract dormant capital of both economic organizations and individuals.

Keywords: Capital mobilization, commercial banks, market economy, dormant capital.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây