Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy, nâng cao năng lực của đội ngũ cán b

 

Thực tiễn những năm đổi mới cho thấy, những thành tựu về kinh tế đã đạt được là hết sức quan trọng, trong đó có sự đóng góp công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển, một bộ phận, cán bộ, công chức còn chưa đủ năng lực thực thi công vụ. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trong phần đánh giá kết quả 20 năm đổi mới đã nhận định: “Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong cơ chế mới; kiến thức về quản lý nhà nước mới với kỹ năng nghiệp vụ hành chính phù hợp chỉ đạt được ở tỷ lệ thấp; bằng cấp, chứng chỉ tăng, nhưng chất lượng thật sự của cán bộ, công chức có bằng cấp chứng chỉ lại đang là vấn đề đáng lo ngại; nội dung và phương pháp đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức tuy đã có một số đổi mới, nhưng chưa có những cải cách cơ bản. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức suy thoái phẩm chất, đạo đức, tham nhũng, cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ, vô cảm trước yêu cầu của nhân dân, của xã hội… Công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, luân chuyển, đề bạt cán bộ, công chức chậm thay đổi. Các phương pháp khoa học trong đánh giá kết quả công tác của từng cán bộ, công chức chậm được áp dụng để thay thế phương pháp đánh giá dựa vào tập thể là chủ yếu”. Từ những đánh giá trên cho thấy, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức là một trong những vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hội nhập kinh tế.

Hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế trở thành một xu thế khách quan không thể đảo ngược. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng luôn tạo ra nhiều cơ hội, nhưng cũng nhiều thách thức cho các quốc gia. Một trong những thách thức đặt ra đó là chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là yêu cầu số một. Hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức là một hoạt động đặc biệt mang tính quyền lực, đảm bảo cho thực thi pháp luật. Chính đội ngũ này đã tham mưu cho các cơ quan chức năng đề ra các chủ trương, chính sách, đồng thời triển khai tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách đó. Hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề mới như tuân thủ luật pháp, cam kết quốc tế, các cơ chế, hiệp định, thông lệ quốc tế, chanh chấp thương mại, sở hữu công nghiệp... đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức phải am hiểu, phải có năng lực để tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện những nội dung mới.

Bàn đến năng lực đội ngũ cán bộ, công chức là bàn đến chất lượng nguồn nhân lực, là nói tới khả năng thực thi công cụ quản lý một cách hiệu quả. Năng lực được coi là tổ hợp các yếu tố tâm lý, sinh lý tạo cho con người hoàn thành một hoạt động nào đó có kết quả. Năng lực của cán bộ, công chức chính là khả năng về thể chất và trí tuệ trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, bao gồm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nhân cách, năng khiếu cá nhân, các yếu tố tiềm năng hoặc thiên bẩm để nâng cao năng lực làm việc. Vì vậy, để  nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, cần sự tác động bằng nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, dài hạn chứ không thể hy vọng giải quyết nhanh trong một sớm, một chiều. Muốn nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay, cần triển khai thực hiện một số giải pháp:

Một là, cần rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ một cách có hệ thống với nhiều tiêu chí cụ thể như, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, độ tuổi, trình độ tin học, ngoại ngữ, quá trình thực thi nhiệm vụ...”. Đánh giá cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở tiêu chuẩn hoá các chức danh gắn với các yêu cầu cụ thể, khả năng thực thi nhiệm vụ, hiệu quả công tác. Các tiêu chí đặt ra càng chi tiết, cụ thể mang tính định lượng thì kết quả càng sát với thực trạng. Trong đánh giá cán bộ, công chức cần phân biệt rõ ràng năng lực thực thi nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tách rời các yếu tố xã hội, thâm niên, độ tuổi... Hay nói cách khác là đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức hiện có.

Hai là, trên cơ sở kết quả đánh giá đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trên cơ sở khuyến khích động viên cán bộ, công chức tự học tập, tu dưỡng dưới nhiều hình thức (đơn vị bố trí thời gian, hỗ trợ kinh phí...) với phương châm “thiếu gì, bổ sung đó”. Hiện nay, khâu yếu nhất của phần lớn cán bộ, công chức của Việt Nam là trình độ tin học, ngoại ngữ, trình độ am hiểu luật pháp quốc tế chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ba là cần thu hút, tạo nguồn cán bộ có đủ năng lực, trình độ thay  thế, bổ sung. Khâu tuyển dụng cần triển khai theo hướng “cung, cầu” mới tìm được cán bộ giỏi. Muốn vậy, phải làm tốt cả bốn khâu: quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo và sử dụng. Để có được những cán bộ giỏi, cần nhanh chóng đổi mới chế độ đãi ngộ, đặc biệt là cải cách chế độ tiền lương. Hiện tượng chảy máu chất xám ở một số đơn vị hiện nay là vấn đề cần hết sức lưu tâm. Cán bộ, công chức chỉ thật sự yên tâm, đóng góp hết công sức, trí tuệ khi không phải “quá lo” về vấn đề cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, phải tạo ra được động lực cạnh tranh lành mạnh bình đẳng.

Bốn là, cần mạnh dạn xây dựng và ban hành cơ chế đưa cán bộ, công chức không đủ năng lực ra khỏi biên chế nhà nước để thay thế bằng những cán bộ đủ năng lực. Đây là vấn đề thực sự rất khó, nhưng không làm thì không tạo được động lực và sự cạnh tranh, không tuyển được những cán bộ mới, có đủ năng lực.

Đội ngũ cán bộ, công chức được coi như “xương sống” của chính quyền, của chế độ, có vai trò hết sức quan trọng trong giai đoạn mở cửa, hội nhập, phát triển đất nước. Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, phải coi công tác cán bộ là một trong những khâu đột phá cần tập trung chỉ đạo, xây dựng quy hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về công tác cán bộ, công chức phù hợp với từng giai đoạn nhất định. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức phải được coi là nhiệm vụ của cấp uỷ đảng, chính quyền và là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội.

  • Tags: