Nâng cao nhận thức về An toàn môi trường - Giá trị cốt lõi phát triển bền vững của doanh nghiệp

Nhằm nâng cao nhận thức xã hội về hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với phát triển bền vững ngành Công Thương, ngày 28/12/2021, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (ATMT) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam (CNMT) tổ chức Hội thảo “An toàn môi trường - Giá trị cốt lõi phát triển bền vững của doanh nghiệp”

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 02 điểm cầu tại HN, 01 điểm cầu tại Đà nẵng và 01 điểm cầu tại TP. HCM thu hút hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, cơ quan quản lý trong lĩnh vực môi trường và nhiều doanh nghiệp.

Hội thảo Tập trung phân tích những cơ hội, thách thức của doanh nghiệp trong hoạt động BVMT, những kiến nghị về hoàn thiện chính sách pháp luật về phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững cũng như giới thiệu một số giải pháp, mô hình tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải… Hội thảo cung cấp thêm thông tin, cách tiếp cận mới nhằm tăng cường hiệu quả BVMT ngành Công Thương trong giai đoạn tới.

Kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”

Phát biểu khai mạc Hội nghị ông Tô Xuân Bảo - Cục trưởng ATMT cho biết giai đoạn vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạo kéo dài, ngành Công Thương đã không ngừng nỗ lực, kiên trì đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng về DN và người dân để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống của người dân, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả trên, ngành Công Thương luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trên quan điểm lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững.

BVMT gắn với phát triển bền vững ngành Công Thương, trong những năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng và tổ chức triển khai nhiều kế hoạch cấp quốc gia như: Quyết định số 1375/QĐ-TTg ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020-2025; Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2025…

ảnh minh họa chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững
Theo bà Trần Thu Hằng - Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Bộ Công Thương, Chương trình Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững hướng tới mục tiêu thúc đẩy quản lý khai thác và sử dụng hiệu quả bền vững tài nguyên, nhiên, nguyên vật liệu, phát triển các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy lối sống bền vững tạo việc làm xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân…Ảnh minh họa

Luật BVMT năm 2020 sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2022 tới đây đã luật hóa những quan điểm trên bằng quy định tại Điều 142 về kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong đó đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp phải triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải trong suốt vòng đời dự án từ thiết kế sản phẩm, sản xuất, phân phối và tiêu dụng…

mô hình tái chế ắc quy của BRI
BRI VietNam cho biết Giải pháp phục hồi và tái tạo ắc quy cũ yếu của BSI cho phép tái sinh lại acid mà không phát sinh bất kỳ chất thải nào, với chi phí tiết kiệm tối thiểu 50% so với mua ắc quy mới (khả năng hoạt động tương tự 80 - 90% như ắc quy mới)

Doanh nghiệp cần nhanh chóng tiếp cận, tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững

Tại Hội thảo ông Hoàng Văn Vy Phó Cục trưởng Cục BVMT miền Bắc – Tổng cục Môi trường cho biết Luật BVMT 2020 đã có những chế định rất cụ thể, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh những thời cơ, không tránh khỏi những thách thức cần tiếp tục quan tâm giải quyết.

Đề cập đến những điểm nổi bật của Luật Bảo vệ môi trường 2020 như: chế định kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I); Việc cắt giảm thủ tục hành chính BVMT (được quy định tại Luật); Đẩy mạnh hoạt động phân loại rác thải tại nguồn, áp dụng cơ chế giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải…; Đẩy mạnh tái chế chất thải, bao bì, sản phẩm sản xuất, nhập khẩu; Hoạt động ứng phó sự cố môi trường đối với chất thải (được Luật BVMT năm 2020 quy định đối với một số đối tượng có nguồn thải lớn) hay yêu cầu bắt buộc phải có hệ thống quan trắc, giám sát nguồn thải tự động, liên tục đối với các nguồn thải lớn…

Theo ông Vy việc cắt giảm thủ tục hành chính BVMT là điều kiện thuận lợi để triển khai nhanh chóng các dự án đầu tư phát triển, tiết kiệm thời gian, chi phí… Tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ việc cắt giảm này sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư FDI vào các ngành sản xuất công nghiệp; trong đó có nhiều ngành thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng: Dệt, nhuộm, sắt, thép, lọc hóa dầu,...) dẫn đến gia tăng nhu cầu năng lượng, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến môi trường (nước, đất, không khí). Bên cạnh đó sẽ là nguy cơ từ việc gia tăng nhập khẩu hàng hoá, vật tư, công nghệ, thiết bị, dây chuyền lạc hậu, nơi tiêu thụ những hàng hoá kém chất lượng, thậm chí là chất thải... (nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ)

Về vấn đề KTTH ông Lại Văn Mạnh - Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng tại Việt Nam phát triển KTTH gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân như: Tư duy và tiếp cận hệ thống; Hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật; Thị trường; Vai trò của Nhà nước; Một số công cụ chính sách chưa đồng bộ, thống nhất, thiếu một cơ quan điều phối việc triển khai, thực thi KTTH; Hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng; Nguồn lực tài chính; Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tài nguyên môi trường còn hạn chế; Hệ thống thông tin, dữ liệu và cơ chế…

Ông Mạnh khuyến nghị một số giải pháp: Truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức; Thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; Hình thành cơ quan điều phối, chia sẻ bài học, hướng dẫn về thực hiện KTTH trên phạm vi toàn quốc; Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho KTTH; Đổi mới công nghệ, từng bước áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường và có lộ trình loại bỏ các công nghệ lạc hậu; Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thu gom, phân loại, xử lý chất thải (rác thải, nước thải); Xây dựng Chương trình phát triển CNMT; Các Luật cần phải điều chỉnh (Thuế BVMT 2010, thuế GTGT, Luật Bảo vệ người tiêu dùng...)…

Từ các phân tích và khuyến nghị của các chuyên gia, cơ quan quản lý, Hiệp hội CNMT nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay (nhất là khi Luật BVMT 2020 chuẩn bị có hiệu lực), doanh nghiệp cần nhanh chóng nhận diện thách thức cũng như tranh thủ tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững.

 

Pvi