Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nêu rõ, dưới sự ủng hộ của Chính phủ Nga và Chính phủ Ukraine cùng với các nỗ lực của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, các bên có liên quan đã đồng thuận việc gia hạn thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen lần thứ ba với thời hạn 60 ngày.
Thông báo này được đưa ra ngay trước khi thoả thuận Sáng kiến Biển Đen hết hạn sau ngày 18/5 và tàu chở ngũ cốc cuối cùng được cấp phép trong lúc thoả thuận còn hiệu lực đã rời cảng Ukraine.
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022. Đại diện Nga và Liên hợp quốc đã ký bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới. Trong khi đó, đại diện Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc về đảm bảo duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Sáng kiến Biển Đen được gia hạn lần đầu với thời hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và tiếp tục được gia hạn lần hai với thời hạn 60 ngày, cho đến ngày 18/5/2023. Thoả thuận này nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả.
Trước khi cuộc xung đột nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen. Sáng kiến Biển Đen đang được các bên đánh giá gia hạn thêm sau ngày 18/5/2023.
Trước khi đạt được thoả thuận gia hạn lần thứ ba, Nga đã nhiều lần cho biết có thể không gia hạn Sáng kiến Biển Đen do các nước phương Tây không không thực hiện nghiêm túc các cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Đồng thời, Nga cũng yêu cầu phương Tây cần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nước này nhập khẩu máy móc, phụ tùng máy nông nghiệp; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm…
Việc Sáng kiến Biển Đen tiếp tục được gia hạn đã giúp giải toả phần nào nỗi lo căng thẳng nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu niên vụ 2022/2023. Trong báo cáo gần nhất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định nhờ Sáng kiến Biển Đen nên giá lúa mì và giá ngô đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, góp phần kiềm chế giá lương thực trên toàn cầu.
FAO cho biết chỉ số Giá ngũ cốc thế giới trong tháng 4/2023 đã giảm 1,7% so với hồi tháng 3 trong bối cảnh giá nhiều loại ngũ cốc chủ chốt trên thế giới đều đã hạ nhiệt. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này hiện đã giảm đến 19,8%. Trong đó, giá lúa mì đã về mức thấp nhất kể từ hồi tháng 7/2021. Tương tự, giá ngô cũng đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái khi nguồn cung được đảm bảo.