Mục tiêu lợi nhuận gần 16.000 tỷ đồng, nâng mức chia cổ tức lên 30%
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (Ngân hàng HDBank, mã cổ phiếu HDB - sàn HoSE) đã được tổ chức trong ngày 26/4.
Phát biểu tại Đại hội, ông Kim Byoungho - Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng HDBank cho biết, mặc dù năm 2023 với nhiều thách thức đã tạo ra nhiều áp lực cho toàn ngành ngân hàng, Ngân hàng HDBank đã thích ứng hiệu quả với những biến động thị trường bằng nhiều giải pháp linh hoạt, tích cực tìm kiếm và tận dụng tốt các cơ hội kinh doanh.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 13.017 tỷ đồng, tăng 26,8% so với năm 2022 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ đạt tốc độ tăng trưởng lên tới 34,4%. Các chỉ tiêu tổng huy động, tổng dư nợ tín dụng, hiệu suất sinh lời đều thuộc nhóm cao nhất trong toàn ngành ngân hàng.
Đồng thời, chất lượng tài sản được đảm bảo, nợ xấu ở mức 1,32% - thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, Chủ tịch Ngân hàng HDBank nói.
Theo đó, Ngân hàng HDBank đề xuất kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 15.852 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023, và tỷ lệ ROE tiếp tục ở mức cao đầu ngành, lên tới 24,6%.
Tăng trưởng tổng tài sản dự kiến ở mức 16%, đạt 700.958 tỷ đồng; huy động tăng trưởng 16%, đạt 624.474 tỷ đồng; và dư nợ tăng trưởng 24%, đạt 438.420 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu phấn đấu được kiểm soát ở mức dưới 2%.
Đáng chú ý, tại Đại hội, cổ đông Ngân hàng HDBank đã đồng thuận tăng mức cổ tức năm 2023 từ 25% như đề xuất ban đầu lên mức 30% (bằng tiền mặt và cổ phiếu), và dự kiến cổ tức năm 2024 cũng ở mức 30%.
Vốn điều lệ năm nay của Ngân hàng HDBank dự kiến sẽ tăng thêm 5%, lên mức 29.076 tỷ đồng; qua đó, củng cố vững chắc nền tảng vốn, tạo đà cho mục tiêu phát triển bền vững những năm tiếp theo.
Lãi quý 1/2024 tăng gần 44%, sẵn sàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém
Tại phần Thảo luận, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi về khả năng Ngân hàng HDBank tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và đánh giá tác động của việc này đến triển vọng kinh doanh thời gian tới.
Trả lời vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng HDBank cho hay, Ngân hàng HDBank là một trong 4 ngân hàng được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đánh giá có hoạt động lành mạnh và năng lực tài chính tốt và được lựa chọn để tham gia đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại.
“Khoảng 6-7 năm trước, khi Ngân hàng nhận được lời đề nghị từ phía Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi đã sắp xếp và sẵn sàng tham gia một cách nghiêm túc. Từ phía Ngân hàng HDBank, việc tham gia là vinh dự và là trách nhiệm, thể hiện sự tin cậy tin tưởng của Ngân hàng Nhà nước đối với Ngân hàng HDBank”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nói.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch Ngân hàng HDBank, việc nhận nhiệm vụ này thể hiện trách nhiệm của Ngân hàng và khi tham gia chương trình này Ngân hàng có cơ hội bứt phá. Việc hỗ trợ cơ chế ưu đãi bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm giúp Ngân hàng HDBank có thể tăng trưởng đột phá, chiếm lĩnh thị trường và trở thành một trong các ngân hàng top đầu trong 5 năm tới.
Chính sách cổ tức, phân phối lợi nhuận và các quỹ của Ngân hàng HDBank không phụ thuộc hoặc ảnh hưởng bởi việc nhận chuyển giao bắt buộc này và độc lập với kết quả kinh doanh của ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc trong thời gian thực hiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc, bà Nguyễn Thị Phương Thảo khẳng định.
Cập nhật thông tin với cổ đông về kết quả kinh doanh, ông Phạm Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý 1/2024 đã đạt trên 4.000 tỷ đồng, tăng mạnh 43,6% so với cùng kỳ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank cho biết, “Với kết quả này, Ngân hàng HDBank tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng hiệu quả đầu ngành, với ROE đạt tới 26,2%. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 đạt 6,2%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở 1,68%”.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt trên 13,7%. Những cân đối này tạo lợi thế lớn cho Ngân hàng chủ động và sẵn sàng thực hiện các mục tiêu tăng trưởng mà Đại hội đồng cổ đông thông qua, ông Phạm Quốc Thanh nói.
Về chiến lược kinh doanh năm nay, Tổng Giám đốc Ngân hàng HDBank chia sẻ, Ngân hàng chủ trương đẩy mạnh cung cấp sản phẩm, dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực là động lực của nền kinh tế như: Nông nghiệp nông thôn, tín dụng xanh, sản xuất kinh doanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp nông thôn, các hoạt động cho vay dự án giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải CO2, xử lý/tái chế rác bên cạnh phát huy vị thế dẫn đầu về tài trợ chuỗi.
Đặc biệt, Ngân hàng HDBank sẵn sàng tham gia nhanh, sâu vào thị trường tín chỉ carbon ngay khi khung pháp lý hoàn thiện, ông Phạm Quốc Thanh cho biết.