Ngân hàng LPBank sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh?
Đầu tháng 9/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN (Thông tư số 11) có nội dung sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 43/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 (Thông tư số 43) về tổ chức và hoạt động của Phòng giao dịch Bưu điện trực thuộc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB – sàn HoSE).
Theo đó, sau khi Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng LPBank, các Phòng giao dịch Bưu điện sẽ không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.
Ngân hàng LPBank hiện là ngân hàng có mạng lưới lớn hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam với hơn 1.200 điểm giao dịch trên toàn quốc; trong đó, một lượng lớn các điểm giao dịch này là Phòng giao dịch bưu điện.
Các Phòng giao dịch bưu điện này từ lâu đã được xem là một trong những lợi thế cạnh tranh kinh doanh lớn nhất của Ngân hàng LPBank, cũng như giúp việc nhận diện thương hiệu của ngân hàng này thuận lợi. Hiện số dư tiết kiệm bưu điện chiếm khoảng 36% tiền gửi khách hàng của của Ngân hàng LPBank.
Một số nhà đầu tư lo ngại việc VNPost thoái vốn sẽ khiến Ngân hàng LPBank đánh mất lợi thế cạnh tranh trên. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện tại của hãng chứng khoán Vietcap, quy định mới của Ngân hàng Nhà nước sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng LPBank.
Vietcap nhận định, trong trường hợp mất đi các Phòng giao dịch bưu điện thì việc tăng chi phí huy động tiền gửi tại các chi nhánh và tại Phòng giao dịch ngân hàng có thể được bù đắp một phần bởi việc Ngân hàng LPBank sẽ không còn phải chi trả hoa hồng cho VNPost đối với tiền gửi huy động được qua các Phòng giao dịch bưu điện. Đồng thời, ngay cả khi loại trừ các Phòng giao dịch bưu điện, mạng lưới giao dịch hiện tại của Ngân hàng LPBank đã đủ lớn so với các ngân hàng khác có cùng quy mô.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 diễn ra hồi cuối tháng 4/2023, ông Bùi Thái Hà – Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LPBank cũng đã khẳng định việc thoái vốn của VNPost sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác giữa hai bên bởi hợp đồng hợp tác giữa hai bên được ký ngày 23/6/2011 có thời hạn 50 năm. Hợp đồng hợp tác này cũng là cơ sở để hình thành nên Ngân hàng LPBank hiện nay.
Giá chào thoái vốn của VNPost cao gần gấp đôi thị giá cổ phiếu LPB
Đến thời điểm hiện tại, VNPost đang sở hữu 8,13% cổ phần của Ngân hàng LPBank. Hồi tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Ngân hàng LPBank về việc chuyển nhượng toàn bộ 140,5 triệu cổ phiếu LPB do VNPost sở hữu. Văn bản chấp thuận này có giá trị thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ ngày ký.
Tuy nhiên, đến nay việc thoái vốn này vẫn chưa thành công. Cụ thể, vào ngày 21/4/2023, VNPost đã tổ chức đấu giá số cổ phần nói trên với giá khởi điểm 22.908 đồng/cổ phiếu LPB. Nhưng đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc vẫn không có nhà đầu tư đăng ký tham gia mua số cổ phần này.
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên VNPost muốn thoái toán bộ vốn tại Ngân hàng LPBank. Hồi đầu năm 2022, VNPost đã tiến hành bán đấu giá gần 122,2 triệu cổ phiếu với giá khởi điểm 28.930 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước đấu thành công 800 cổ phiếu LPB.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 12/9, cổ phiếu LPB đạt 14.200 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu LBP đã tăng gần 40% so với thời điểm đầu năm nay - mức tăng vượt trội trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, mức giá này vẫn chưa bằng 1/2 mức giá chào đấu giá của VNPost hồi tháng 4 vừa qua.