Phát biểu của ông Oli Rehn được đưa ra trong bối cảnh dữ liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 4 vừa qua chạm mức cao kỷ lục 7,5%. Tháng 4 cũng đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp khu vực Eurozone ghi nhận mức lạm phát cao kỷ lục.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết lạm phát ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu có khả năng bị thúc đẩy bởi 3 yếu tố, bao gồm giá năng lượng trên toàn thế giới tăng cao, áp lực ngày càng tăng trong lĩnh vực thực phẩm và một số điểm nghẽn sản xuất.
Trong đó, giá các mặt hàng năng lượng trên toàn cầu đã tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine. Chi phí năng lượng trong tháng 4 tại khu vực Eurozone đã tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
ECB đã duy trì mức lãi suất thấp cơ bản ở mức thấp kỷ lục trong thời gian dài nhằm thúc đẩy nền kinh tế châu Âu tăng trưởng, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra trong hai năm vừa qua. Tuy nhiên, ECB đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc sớm kết thúc các chương trình kích thích kinh tế và tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát như một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang thực thi.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Phần Lan Olli Rehn nhấn mạnh trong khi mức lương tại Hoa Kỳ đã tăng 6% trong năm qua, mức tăng tại châu Âu chỉ ở mức 1,5-2,5%. Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy giá cả tăng có thể tác động đến lương. Do đó, ECB cần tăng lãi suất trong quý 3 năm nay, có thể là vào tháng 7 tới đây. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là lần đầu tiên ECB điều chỉnh tăng mạnh lãi suất trong gần 10 năm trở lại đây.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng phát đi tín hiệu cho thấy sẽ xem xét khả năng nâng lãi suất trước thời điểm cuối năm nay nếu như lạm phát tại khu vực Eurozone không hạ nhiệt. Tuy nhiên, một số phân tích chỉ ra rằng việc tăng lãi suất quá sớm có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine chưa thể sớm chấm dứt.
Trong ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản lên biên độ từ 0,75% - 1%, tăng tới 0,5% so với mức lãi suất trước đây, cao gấp đôi so với các lần tăng 0,25% thông thường. Đây cũng là đợt tăng lãi suất cơ bản mạnh nhất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) kể từ tháng 5/2000. Động thái này diễn ra trong bối cảnh FED đang “chạy đua” để kiềm chế lạm phát tại Hoa Kỳ vốn ở mức nhất trong hơn 40 năm trở lại đây.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo việc FED mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ có thể khiến Hoa Kỳ không thể “hạ cánh mềm”, hay giảm tốc nền kinh tế một cách vừa đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không gây tổn thất lớn cho thị trường lao động hay khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Một số nhà phân tích lo ngại việc nâng lãi suất cùng với các thách thức kinh tế lớn hiện nay như xung đột quân sự Nga – Ukraine, phong toả kéo dài tại Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ đối mặt với rủi ro cao rơi vào một đợt suy thoái mới.