Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Trong ngày 5/5, liên minh OPEC+ quyết định chỉ nâng thêm không đáng kể sản lượng khai thác trong tháng 6/2022 bất chấp việc nhiều nước phương Tây kêu gọi tăng mạnh sản lượng để hạ nhiệt giá dầu thô.
Dự luật NOPEC được Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ thông qua với 17 phiếu thuận và chỉ có 4 phiếu chống. Dự luật này nhằm bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp Hoa Kỳ trước sự gia tăng đột biến của giá các loại nhiên liệu từ dầu thô. Nếu được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua và Tổng thống Joe Biden chính thức ký ban hành thì dự luật này sẽ thu hồi quyền miễn trừ quốc gia vốn từ lâu bảo vệ khối OPEC và các doanh nghiệp dầu mỏ có liên quan khỏi các vụ kiện chống độc quyền.
Một số nhà phân tích lo ngại nếu dự luật NOPEC được chính thức ban hành thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Trong 20 năm qua, các phiên bản của dự luật NOPEC đã khiến các quốc gia OPEC cũng như các tổ chức đại diện ngành khai thác dầu mỏ của Hoa Kỳ như Viện Dầu khí Hoa Kỳ phản đối mạnh mẽ.
Tình trạng giá nhiên liệu liên tục tăng vọt đang góp phần khiến Hoa Kỳ đối mặt với áp lực lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm qua và gia tăng sức ép buộc chính quyền Hoa Kỳ phải có các biện pháp mạnh tay để bình ổn giá cả.
Ông Paul Sullivan, nhà phân tích Trung Đông và là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council), cho biết Hoa Kỳ và các đồng minh đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn cung năng lượng đáng tin cậy.
Kể từ giữa năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã liên tục kêu gọi các quốc gia OPEC cần nâng mạnh sản lượng khai thác để giữ giá dầu thô “ở mức hợp lý”, thậm chí can thiệp vào thị trường bằng việc xả bán lượng lớn dầu thô từ kho dự trữ chiến lược quốc gia. Tuy nhiên, OPEC vẫn kiên quyết chỉ nâng dần sản lượng khai thác.
OPEC cũng phát đi các tín hiệu cho thấy tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu thô liên quan đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga hiện nay là vấn đề của riêng các nước phương Tây và nằm ngoài tầm kiểm soát của tổ chức này.
Trong ngày 4/5, Tổng thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo đã nhấn mạnh việc tìm kiếm nguồn cung dầu nhằm thay thế nguồn cung từ Nga là điều gần như không thể khi sản lượng xuất khẩu dầu thô của Nga lên tới hơn 7 triệu thùng/ngày, và cảnh báo liên minh OPEC+ đã cạn kiệt phần công suất dự phòng để gia tăng mạnh sản lượng khai thác thêm.
Giới quan sát cảnh báo nếu dự luật NOPEC được thông qua thì các quốc gia khác cũng có thể có hành động tương tự để trả đũa Hoa Kỳ với lý do đã giữ lại lượng lớn sản phẩm nông sản để đảm bảo nguồn cung nội địa.
Các quốc gia OPEC cũng có thể đáp trả theo những cách khác. Ví dụ, vào năm 2019, Saudi Arabia đã đe dọa bán dầu của mình bằng các loại tiền tệ khác chứ không phải đồng USD nếu như Hoa Kỳ thông qua một phiên bản của dự luật NOPEC. Nếu làm vậy, vị thế của đồng USD trên thị trường quốc sẽ bị suy yếu và làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong hệ thống thương mại toàn cầu cũng như giảm khả năng thực thi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ nhắm đến các nước khác.
Saudi Arabia cũng có thể giảm mua vũ khí từ Hoa Kỳ khiến ngành công nghiệp quốc phòng nước này mất đi thị trường tiềm năng. Ngoài ra, Saudi Arabia và các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác có thể hạn chế các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào quốc gia họ hoặc chỉ đơn giản là tăng giá bán dầu đối với Hoa Kỳ.
Một số phân tích còn chỉ ra rằng Saudi Arabia và các nước OPEC khác đang có một số nguồn dự trữ dầu thô dễ khai thác với chi phí rẻ nhất thế giới, các quốc gia này có thể tạo ra một cuộc chiến giá dầu thô mới nhằm đánh bại ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ.