Còn nhiều dư địa để cải thiện NIM và duy trì tăng trưởng tín dụng cao
Tại cuối quý 2/2023, tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ - Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (Ngân hàng VPBank, mã cổ phiếu VPB - sàn HoSE) đạt 13,1% so với thời điểm đầu năm - mức tăng trưởng cao nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
Bóc tác dữ liệu cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ - Ngân hàng VPBank chủ yếu đến từ cho vay nhóm khách hàng lớn và bán lẻ, với mức tăng trưởng tín dụng của hai nhóm này lần lượt là 18,9% và 13% so với thời điểm đầu năm nay. Trong khi đó, tín dụng cho danh mục trái phiếu doanh nghiệp có mức tăng trưởng âm 13,9% so với cuối năm 2022.
Đối với cho vay nhóm khách hàng lớn, chủ yếu được dẫn dắt bởi cho vay doanh nghiệp phát triển bất động san và dịch vụ tài chính. Trong khi đó, cho vay bán lẻ, tăng trưởng được thúc đẩy chủ yếu bởi cho vay kinh doanh (tăng 20% so với đầu năm) và cho vay qua thẻ (tăng 18% so với đầu năm); trong khi đó, cho vay mua nhà giảm tốc với giá trị giao dịch xuống mức thấp nhất kể từ năm 2019.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng cao nhưng tỷ lệ NIM của ngân hàng mẹ - Ngân hàng VPBank lại giảm mạnh, xuống còn 3,97% trong quý 2/2023, so với mức 5,41% của quý 2/2022. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí vốn trên toàn thị trường tăng cao nhưng Ngân hàng VPBank giữ lãi suất cho vay ở mức hợp lý để hỗ trợ khách hàng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ - Ngân hàng VPBank đã giảm từ 18,1% tại cuối quý 2/2022 xuống còn 14,5% tại cuối quý 2/2023. Thêm vào đó, tại cuối quý 2/2023, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng mẹ cũng tăng lên mức 3,7% so với mức 2,8% tại cuối năm 2022, từ đó là tăng chi phí dự phòng, và giảm tỷ lệ bao nợ xấu xuống mức 41% từ mức 54% tại cuối năm 2022. Tổng kết lại, ngân hàng mẹ - Ngân hàng VPBank ghi nhận thu nhập lãi thuần trong quý 2/2023 đạt hơn 5.900 tỷ đồng, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá mới nhất của VNDirect Research, Ngân hàng VPBank hiện vẫn có nhiều dư địa để cải thiện NIM trong nửa cuối năm nay khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh thêm từ 1% - 2,8% từ cuối quý 2/2023 đến nay đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn dài hơn 6 tháng.
Bên cạnh đó, dư địa để duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao như hiện nay của Ngân hàng VPBank vẫn tương đối dồi dào nhờ chiến lược cho vay mạnh mẽ, và hạn mức tín dụng thuộc mức cao nhất toàn hệ thống hiện nay nhờ nguồn vốn dư dả sau thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài - Tập đoàn Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC).
Kỳ vọng FE Credit có lãi trở lại kể từ năm sau
Đối với công ty con FE Credit của Ngân hàng VPBank, công ty này tiếp tục ghi nhận lỗ quý thứ 5 liên tiếp trong quý 2/2023 trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng tiếp tục gặp khó khăn. Theo ước tính của VNDirect Research, mức lỗ trước thuế của FE Credit trong quý 2/2023 là khoảng 2.000 tỷ, cao hơn so với quý 1/2023. Tỷ lệ NIM của công ty tài chính tiêu dùng này cũng giảm mạnh từ mức 20,2% trong quý 2/2022 xuống còn 16% trong quý 2/2023. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ, đạt 30,3% tại cuối quý 2/2023, theo VNDirect Research.
Dư nợ cho vay của FE Credit trong quý 2/2023 được nhận định không thay đổi đáng kể so với quý 1/2023 do công ty này quyết định hạn chế cho vay mới để tập trung hoàn toàn vào quá trình tái cấu trúc.
VNDirect Research hiện nhận định FE Credit sẽ còn tiếp tục gặp khó khăn trong ngắn hạn, ghi nhận lỗ cho đến cuối năm nay nhưng kỳ vọng công ty sẽ xử lý xong khoản lỗ chưa phân phối trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, VNDirect Research đánh giá ngân hàng mẹ - Ngân hàng VPBank có đủ nguồn vốn cũng như khả năng để tháo gỡ những khó khăn của FE Credit trong dài hạn và FE Credit sẽ bắt đầu ghi nhận lãi trở lại từ năm 2024 khi ngành tài chính tiêu dùng được cải thiện và các nỗ lực tái cơ cấu diễn ra thành công.
Xem thêm: "Điều gì khiến SCIC muốn mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tựu chung lại, năm 2023 được xem là một trong những năm khó khăn nhất với Ngân hàng VPBank trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhưng Ngân hàng VPBank đã chủ động tận dụng lúc này để tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động kinh doanh. Do đó, VNDirect Research kỳ vọng lợi nhuận của ngân hàng này sẽ bật tăng trở lại từ năm 2024.
Đặc biệt, tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng VPBank sẽ được nâng lên mức 18% sau thương vụ với Tập đoàn SMBC – thuộc nhóm cao nhất toàn hệ thống. Với mức tăng trưởng tin dụng cao, Ngân hàng VPBank còn có cơ hội mở rộng bên ngoài mảng cho vay truyền thống nhờ các công ty con thuộc các lĩnh vực cho vay tiêu dùng (FE Credit), chứng khoán (VPBank Securities), và bảo hiểm phi nhân thọ (OPES).
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 29/9, cổ phiếu VPB đạt 21.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VPB đã tăng gần 21%.