Ngành Hóa chất triển khai rộng rãi hoạt động nghiên cứu khoa học

Theo Cục Hóa chất - Bộ Công Thương, hoạt động nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng, thỏa mãn các nhu câu trong nước, giảm nhập khẩu và bước đầu một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đã tham gia xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) đã giải quyết những vấn đề cho cơ sở sản xuất, đồng thời cũng góp phần nâng cao trình độ khoa học công nghệ (KHCN) không những ở cơ sở nghiên cứu mà ngay cả ở cơ sở sản xuất.

Trong những năm qua, các cơ sở sản xuất cũng đã tự nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, cải tiến thiết bị gắn với mục tiêu giảm tiêu hao nguyên liệu, sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả, giảm thiểu chất thải và các chất nguy hại… Vừa có tác dụng nâng cao hiệu quả sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vừa giúp cho cán bộ kỹ thuật nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Công tác nghiên cứu KHCN đã được triển khai thực hiện một cách rộng rãi tại các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, cao đẳng, và các trung tâm nghiên cứu KHCN có liên quan trong cả nước, các phòng thí nghiệm tại cơ sở sản xuất hóa chất.

Tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhờ vào các chương trình nghiên cứu KHCN và các đề tài cấp nhà nước, cấp Bộ và cấp Tập đoàn, đến nay đã thu được những kết quả bước đầu, như: sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên apatit, sử dụng quặng apatit loại II để sản xuất phốtpho vàng, nghiên cứu tuyển quặng apatit loại II; nghiên cứu sản xuất thuốc tuyển quặng apatit và các chất chống kết khối cho phân bón urê, DAP thay cho hàng nhập khẩu; nghiên cứu công nghệ sản xuất polyme có khả năng phân hủy sinh học; nghiên cứu sử dụng bã thải phốtphogip và xỉ lò phốtpho làm phụ gia xi măng. Nghiên cứu zeolit dùng trong chất tẩy rửa…

Hiện nay, đã tự nghiên cứu làm chủ được công nghệ sản xuất phân lân nung chảy, từ khâu thiết kế, chế tạo thiết bị, sử dụng nguyên nhiên liệu ở trong nước. Công nghệ sản xuất phân NPK vê viên dùng hơi nước cũng đã tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị ở trong nước. Hoạt động NCKH đã góp phần tạo ra các sản phẩm hóa chất đạt chất lượng, thỏa mãn các nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu và bước đầu một số sản phẩm có lợi thế cạnh tranh đã tham gia xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Những năm qua, công tác KHCN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị của Tập đoàn đã được chú trọng và phát huy vai trò tích cực, góp phần vào sự phát triển của các đơn vị nói riêng và của toàn Tập đoàn nói chung.

Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu, đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm phục vụ công tác khai thác, chế biến hiệu quả quặng apatit. Thời gian qua, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam đã triển khai nghiên cứu cụm công trình hoàn thiện dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc tuyển quặng apatit Lào Cai loại III và loại II.

Kết quả nghiên cứu, ứng dụng của cụm công trình này đã góp phần chủ động nguồn nguyên liệu trong lĩnh vực tuyển quặng; Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quặng apatit Lào Cai. Kết quả nghiên cứu được ứng dụng trong hoạt động sản xuất và cung cấp thuốc tuyển quặng cho Công ty Apatit Lào Cai (~550-700 tấn thuốc tuyển VH2014/ năm) với chất lượng thuốc tuyển ngày càng ổn định.

Trong lĩnh vực chế biến và sản xuất các sản phẩm cao su, giai đoạn 2016-2020, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng là một trong những thành viên nổi bật khi tích cực nghiên cứu, đổi mới công nghệ.

Cụ thể, giai đoạn vừa qua, Cao su Đà Nẵng đã liên tục triển khai nhiều nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm tỉ lệ phế, phát triển nhiều quy cách sản phẩm mới, cải tiến chất lượng trong sản xuất lốp Radial đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu; Cải tiến quy trình luyện phù hợp với yêu cầu gia công hỗn hợp cao su của khách hàng gia công; Cải tiến công nghệ thành hình lốp xe máy không săm theo cách thành hình mặt lốp liên tục; Tự động hóa một số dây chuyền trong quá trình sản xuất... nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và đã xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường khu vực và thế giới.

Từ năm 2016-2020, các đơn vị trong Tập đoàn Vinachem đã triển khai trên 200 đề tài/dự án khoa học, công nghệ; trên 2.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh doanh và quản lý với tổng kinh phí trên 265,7 tỷ đồng có thể mang lại giá trị làm lợi mỗi năm cho đơn vị ước tính hàng chục tỷ đồng.

[Quảng cáo]

Thăng Long