Nghiên cứu kích thích cho cá bống sao (Boleophthalums boddarti) sinh sản bằng LRHa và HCG

LAI PHƯỚC SƠN (Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu kích thích cho cá bống sao (Boleophthalums boddarti) sinh sản bằng LRHa, HCG nhằm tìm ra loại kích dục tố và liều lượng kích dục tố thích hợp trong sinh sản cá bống sao. Cá sinh sản có chiều dài 14,03 ± 1,57 cm/con và trọng lượng là 29,96 ± 0,77 g/con. Thí nghiệm được tiến hành hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 8 nghiệm thức, mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy, các yếu tố môi trường như nhiệt độ, pH, độ mặn đều nằm trong khoảng thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cá. Sau khi tiêm kích dục tố, tỷ lệ thành thục tốt nhất ở nghiệm thức HCG là 5000 UI/kg cá cái, nghiệm thức LRHa 160 µg/kg cá cái. Nghiệm thức HCG 5000 UI/kg cá cái cho sức sinh sản nhân tạo tốt nhất (47000 ± 8718), tuy nhiên khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với các nghiệm thức LRHa 160 µg/kg cá cái (p < 0,05).

Từ khóa: cá bống sao, Boleophthalums boddarti, sinh sản cá bống sao.

1. Đặt vấn đề

Cá bống sao có tên khoa học là Boleophthalums boddarti (Pallas, 1770) và tên tiếng Anh là Boddart's goggle - eyed goby. Cá bống sao là loài nước lợ, phân bố chủ yếu ở bãi triều cửa sông, lạch, tại các tỉnh ven biển nước ta. Cá có chất lượng thịt thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng (Nguyễn Minh Tuấn, 2016). Tuy nhiên, theo Trần Đắc Định và cộng tác viên (2002) ngư dân vùng ven biển đa số còn nghèo, chủ yếu khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, gây áp lực lên nguồn lợi thủy sản, thông qua các hình thức như khai thác hủy diệt, khai thác bằng các nghề cấm, khai thác quá mức, khai thác nguồn giống tự nhiên phục vụ nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đối tượng sống bãi bồi trong đó có cá bống sao nói riêng và loài cá bống thuộc họ GobiidaeEleotridae nói chung.

Hiện nay đã có một số nghiên cứu về vấn đề này như kết quả nghiên cứu của Nguyễn Trang Thương (2011) trong sinh sản nhân tạo cá bống bớp (Bostrichthys sinensis Lacépède) cho thấy, khi tiêm kích dục tố LRHa tỷ lệ đẻ của cá lên tới 90%. Theo Đặng Bảo Trân (2015) so sánh hiệu quả của 3 phương pháp sinh sản cá thác lác cườm (Chitala chitala) kết luận sử dụng LRHa với liều (150 μg + 100 µg Dom)/kg cá cái đạt hiệu quả khi khích thích cá thác lát cườm sinh sản hơn các loại kích dục tố khác. Việc sử dụng 2 loại kích dục tố HCG và LRHa đã được nghiên cứu trên rất nhiều loài cá, tuy nhiên, vẫn chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về sử dụng LRHa, HCG trên đối tượng là cá bống sao. Do đó, việc “Nghiên cứu kích thích cho cá bống sao (Boleophthalmus boddarti) sinh sản bằng LRHa và HCG” làm cơ sở cho việc phát triển nghề nuôi và bảo vệ nguồn lợi của đối tượng cá này đã được thực hiện.

2. Vật liệu và phương pháp nghiên cứu

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Cá bống sao thí nghiệm ban đầu có trọng lượng và chiều dài lần lượt là 29,96 ± 0,77 g/con và 14,03 ± 1,57 cm/con. Cá được đánh bắt tự nhiên tại các bãi bồi huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Cá thành thục ở giai đoạn I - II.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

2.2.1. Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được tiến hành hoàn toàn ngẫu nhiên trên 48 cặp cá bố mẹ (Bảng 1). Gồm 3 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm gồm 8 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức được bố trí một cách ngẫu nhiên và được lặp lại 3 lần. (Bảng 1)

Bảng 1. Nghiệm thức bố trí thí nghiệm

Nghiệm thức

(NT)

Kích dục tố

HCG

LRHa

 

NT 1

2000 UI/kg cá cái

80 µg/kg cá cái

 

NT 2

2500 UI/kg cá cái

100 µg/kg cá cái

 

NT 3

3000 UI/kg cá cái

120 µg/kg cá cái

 

NT 4

3500 UI/kg cá cái

140 µg/kg cá cái

 

NT 5

4000 UI/kg cá cái

160 µg/kg cá cái

 

NT 6

4500 UI/kg cá cái

180 µg/kg cá cái

 

NT 7

5000 UI/kg cá cái

200 µg/kg cá cái

 

Đối chứng

Không tiêm

Không tiêm

 

            Nguồn: tác giả thực hiện

Cá được tiêm tại vị trí tiêm là gốc vi ngực. Liều tiêm cho cá đực bằng ½ liều tiêm cá cái. Cá được tiêm là cá có tuyến sinh dục ở giai đoạn I và II, thời gian tiêm vào 20 giờ. Sau khi tiêm kích dục tố, cá được bố trí theo cặp một cách ngẫu nhiên trong thùng xốp, mực nước 10 - 12 cm. Mật độ bố trí 1 cặp cá 1 thùng xốp. Trong quá trình theo dõi sự sinh sản của cá sẽ chọn ra những nghiệm thức có tỷ lệ thành thục tốt nhất tiến hành sinh sản nhân tạo để đánh giá các chỉ tiêu tỷ lệ cá đẻ, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ nở.

2.2.2. Các chỉ tiêu và phương pháp theo dõi

a) Chỉ tiêu với chất lượng môi trường nước

Chỉ tiêu chất lượng nước: Nhiệt độ nước (độ C) được đo bằng máy hiệu HANA và pH được đo bằng bộ test pH hiệu SERA 2 lần/ngày (7 giờ và 14 giờ), Độ mặn được đo và điều chỉnh bằng với môi trường tự nhiên nơi đánh bắt của cá (7 ppt) trước khi bố trí cá bố mẹ.

b) Chỉ tiêu về cá bố mẹ cho sinh sản

Cá sau khi tiêm sẽ được kiểm tra mức độ thành thục vào lúc 8 giờ hằng ngày. Kiểm tra độ thành thục của cá bống sao ở từng nghiệm thức LRHa và HCG bằng cách mổ, quan sát và ghi nhận các giai đoạn tinh sào ở cá đực và noãn sào ở cá cái.

Tỷ lệ thành thục (%) = (số cá thành thục /Tổng số cá kiểm tra) × 100

Chọn nghiệm thức cá có tỷ lệ thành thục tốt nhất tiến hành cho sinh sản nhân tạo và theo dõi các chỉ tiêu:

Tỷ lệ cá đẻ (%) = (Số cá đẻ/Tổng số cá tham gia đẻ) × 100

Tỷ lệ thụ tinh (%) = (Số trứng thụ tinh /Tổng số trứng) × 100

Tỷ lệ nở (%) = (Số cá nở /Tổng số trứng thụ tinh) × 100

2.2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu thu thập trong quá trình thí nghiệm được tính toán theo phần mềm Excel 16.0. Tất cả các số liệu được trình bày trong thí nghiệm dưới dạng trung bình (Mean) ± độ lệch chuẩn (Std). Sử dụng phần mềm SPSS 18.0 để phân tích ANOVA một nhân tố thông qua phép thử Ducan để xác định sự ảnh hưởng của các loại kích dục tố đến sinh sản của cá ở mức ý nghĩa (p < 0,05).

2.3. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

Thí nghiệm được thực hiện từ tháng 3/2019 đến 11/2019 tại Trại Cá - Bộ môn Thủy sản - Trường Đại học Trà Vinh.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Biến động các yếu tố môi trường trong thí nghiệm

Nhiệt độ: Kết quả Bảng 2 cho thấy, nhiệt độ trung bình trong thời gian thí nghiệm ở các nghiệm thức vào buổi sáng dao động từ 27,4 - 28,3oC và buổi chiều dao động từ 27,6 - 28,9oC, nhiệt độ không có sự biến động lớn giữa buổi sáng và buổi chiều cũng như giữa các nghiệm thức.

Theo Trương Quốc Phú và Vũ Ngọc Út (2012) nhiệt độ thích hợp cho hầu hết các loài cá nuôi thủy sản dao động từ 25 - 28oC. Nhìn chung, nhiệt độ đều nằm trong khoảng thích hợp cho đối tượng thủy sản nói chung và đối tượng cá bống sao nói riêng sinh sống và sinh sản, cũng như không ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm.

Bảng 2. Biến động nhiệt độ, pH

HCG

LRHa

 

Sáng (ToC)

Chiều (ToC)

pH

sáng

pH chiều

 

Sáng (ToC)

Chiều (ToC)

pH sáng

pH chiều

2000 UI

27,4 ±0,23

27,6 ± 0,06

7,9 ± 0,14

8,24 ± 0,03

80 µg

27,5 ± 0,05

27,9 ± 0,12

7,88 ± 0,03

8,02 ± 0,14

2500 UI

27,6 ± 0,11

27,8 ± 0,08

8,02 ± 0,04

8,20 ± 0,02

100 µg

27,7 ± 0,08

27,7 ± 0,1

8,04 ± 0,05

8,40 ± 0,12

3000 UI

27,6 ± 0,08

27,9 ± 0,13

8,16 ± 0,16

8,26 ± 0,20

120 µg

27,4 ± 0,23

28,1 ± 0,02

8,09 ± 0,16

8,19 ± 0,20

3500 UI

27,6 ± 0,03

28,4 ±0,15

8,26 ± 0,15

8,26 ± 0,15

140 µg

27,8 ± 0,08

28,9 ± 0,18

8,30 ± 0,25

8,30 ± 0,25

4000 UI

28,1 ± 0,05

28,9 ± 0,16

8,40 ± 0,13

8,40 ± 0,13

160 µg

28,3 ± 0,46

28,5 ± 0,33

8,40 ± 0,13

8,30 ± 0,13

4500 UI

27,9 ± 0,39

28,6 ± 0,32

8,04 ± 0,24

8,04 ± 0,16

180 µg

28,0 ± 0,31

28,8 ± 0,27

8,33 ± 0,11

8,26 ± 0,09

5000 UI

28,3 ± 0,18

27,8 ± 0,11

8,50 ± 0,12

8,50 ± 0,10

200 µg

27,7 ± 0,02

27,7 ± 0,02

8,23 ± 0,22

8,26 ± 0,28

ĐC

27,9 ± 0,39

28,2 ± 0,31

7,88 ± 0,38

8,19 ± 0,20

ĐC

28,0 ± 0,30

28,3 ± 0,43

8,10 ± 0,21

8,26 ± 0,27

Ghi chú: Giá trị thể hiện là số trung bình và độ lệch chuẩn, ĐC: đối chứng.

            Nguồn: tác giả thực hiện

Giá trị pH trung bình của nghiệm thức dao động từ 7,88 - 8,5 vào buổi sáng và từ 8,02 - 8,5 vào buổi chiều. Sự biến động giá trị pH trong ngày giữa các nghiệm thức không quá 0,5 đơn vị (Bảng 2). Độ pH thích hợp cho cá nằm trong khoảng từ 6,5 – 9, vì pH quá thấp hay quá cao đều ảnh hưởng không tốt cho quá trình sinh trưởng và sinh sản của cá và theo Huỳnh Kim Hường (2016) thì biến động pH trong ngày không quá 0,5 thì không ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của động vật thủy sản. Nhìn chung, yếu tố pH trong thí nghiệm đều không ảnh hưởng đến sức sinh sản và sinh trưởng của cá bống sao.

3.2. Tỷ lệ thành thục thí nghiệm HCG

Kết quả Hình 1 cho thấy tỷ lệ thành thục của cá đực có xu hướng tăng dần khi tăng nồng độ kích dục tố, thấp nhất là nghiệm thức đối chứng không sử dụng kích dục tố và cao nhất là nghiệm thức 5000 UI (5000 UI/kg cá cái, 2500 UI/kg cá đực) và ở các nghiệm thức 2000 UI, 2500 UI không có sự khác biệt với nghiệm thức đối chứng (không sử dụng kích dục tố). Chỉ xuất hiện tinh sào giai đoạn IV ở nghiệm thức 4.500 UI và nghiệm thức 5000 UI. Còn lại các nghiệm thức khác chỉ thu được tinh sào giai đoạn II và giai đoạn III. (Hình 1)

Hình 1: Các giai đoạn thành thục của cá đực và cá cái khi tiêm HCG

 

Kết quả này cũng tương tự đối với cá cái, nghiệm thức 5000 UI mới xuất hiện noãn sào giai đoạn IV. Theo Nguyễn Văn Kiểm và Đỗ Minh Trí (2010), liều lượng rụng trứng đối với cá Hú (Pangsius conchophilus) từ 5000 - 6000 UI/kg cá cái.

3.3. Tỷ lệ thành thục thí nghiệm LRHa

Kết quả biểu đồ Hình 2 cho thấy nghiệm thức 160 µg/kg cá cái và cá đực thành thục tốt nhất đều đạt giai đoạn IV cho sinh sản và cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức đối chứng (p < 0,05).

Hình 2. Các giai đoạn thành thục của cá đực và cá cái khi tiêm LRHa

 

Ở nghiệm thức cao hơn hoặc thấp hơn 160 µg/kg các giai đoạn thành thục của cá đực và cá cái chỉ đạt giai đoạn II và giai đoạn III.

3.4. Thử nghiệm sinh sản nhân tạo các loại kích dục tố tốt nhất

Trong quá trình nghiên cứu cho thấy, sau khi tiêm các loại kích dục tố ở từng nghiệm thức cá bống sao không tự bắt cặp để sinh sản.

Kết quả thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá bống sao bằng phương pháp vuốt trứng và mổ lấy tinh thể hiện qua Bảng 3 cho thấy, số lượng trứng cá đẻ cao nhất ở kích dục tố HCG 47.000 trứng/kg cá cái và thấp nhất ở loại kích dục tố não thùy 43.667 trứng/kg cá cái, tuy nhiên giữa 2 loại kích dục tố đều khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Bảng 3. Kết quả thử nghiệm sinh sản nhân tạo 3 loại kích dục tố

Chỉ tiêu

HCG 5000 UI

LRHa 160 µg

Tổng lượng trứng đẻ (trứng/kg cá cái)

47000 ± 8718a

46667 ± 5508a

Tỷ lệ trứng thụ tinh (%)

84,08 ± 2,69a

79,10 ± 10,56a

Số lượng trứng nở

3848 ± 125a

3686 ± 121a

            Nguồn: tác giả thực hiện

Ghi chú: Giá trị thể hiện là số trung bình và độ lệch chuẩn, các chữ cái giống nhau trên cùng một hàng là khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p > 0,05).

Tỷ lệ thụ tinh giữa 3 loại kích dục tố này đạt khá cao, từ 79,10% (LRHa) đến 84,08% (HCG). Số lượng trứng nở ở nghiệm thức HCG là 3848 ± 125 trứng/kg cá cái khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với nghiệm thức LRHa là 3686 ± 121 trứng/kg cá cái (p < 0,05).

Kết quả nghiên cứu từ Nguyễn Văn Kiểm và Đỗ Minh Trí (2010) cũng cho thấy HCG có tác dụng gây rụng trứng và đẻ trứng ở cá Hú (Pangasius conchophilus) và sức sinh sản thực tế đạt từ 50,208 - 60,716 trứng/kg cá cái ở liều lượng 5.000 – 6.000 UI/kg cá cái. Đặng Bảo Trân (2015) đã chỉ ra rằng, khi sử dụng LRHa với liều lượng 150 µg/kg cá cái, sẽ đạt hiệu quả kích thích cá thát lát còm (Chitala chitala) sinh sản tốt nhất.

4. Kết luận và đề nghị

4.1. Kết luận

Nghiệm thức HCG 5000 UI/kg cá cái và LRHa 160 µg/cá cái, cá bống sao sẽ đạt giai đoạn thành thục sinh dục tốt nhất. Số lượng trứng khi thử nghiệm sinh sản nhân tạo đạt từ 43.667 - 47.000 trứng/kg cá cái. Nghiệm thức đối chứng tỷ lệ thành thục của cá đực và cái thấp nhất so với tất cả các nghiệm thức còn lại và cá không sinh sản. Kết quả thí nghiệm cho thấy có thể ứng dụng tiêm HGC 5000 UI/kg cá cái hoặc LRHa 160 µg/kg cá cái để sinh sản nhân tạo cá bống sao.

4.2. Đề nghị

Cần dựa trên kết quả của nghiên cứu tiến hành các nghiên cứu sinh sản tiếp theo: Thử nghiệm sinh sản cá bống sao với sự kết hợp các loại kích dục tố với nhau. Thử nghiệm sinh sản cá bống sao với 1 đến 2 liều sơ bộ và liều quyết định.     

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đặng Bảo Trân (2015). So sánh hiệu quả của ba phương pháp sinh sản cá thác lát cườm (Chitala chitala). Luận văn tốt nghiệp Đại học. Khoa Sinh học Ứng dụng, Trường Đại học Tây Đô.
  2. Huỳnh Kim Hường (2016). Giáo trình Kỹ thuật sản xuất giống cá. Trường Đại học Trà Vinh, 82, 5-6.
  3. Nguyễn Minh Tuấn (2016). Nghiên cứu thành phần loài và đặc điểm sinh học của một số loài cá kinh tế của 2 họ cá bống Gobiidae và Eleotridae phân bố ở vùng ven biển tỉnh Bến Tre. Luận án tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Nuôi trồng thủy sản. Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
  4. Nguyễn Trang Thương (2011). Tìm hiểu quy trình sản xuất nhân tạo giống cá bống bớp (Bostrichthys sinensis Lacépède, 1801). Luận văn tốt nghiệp Đại học. Khoa Nông - Lâm - Ngư, Trường Đại học Vinh.
  5. Nguyễn Văn Kiểm và Đỗ Minh Trí (2010). Thử nghiệm kích thích cá hú (Pangasius conchophilus) sinh sản bằng kích dục tố khác nhau. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 15b, 64-69.
  6. Trần Đắc Định, Hà Phước Hùng, Nguyễn Trọng Hồ và Nguyễn Văn Lành (2002). Nghiên cứu đặc điểm sinh học của cá kèo (Pseudapocryptes elongatus, Cuvier, 1816) phân bố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Trường Đại học Cần Thơ.
  7. Trương Quốc Phú và Vũ Ngọc Út (2012). Giáo trình quản lý chất lượng nước trong ao nuôi cá nước ngọt. Trường Đại học Cần Thơ, 199, 25-29.

 A study on the reproduction stimulation of Boddart’s goggle-eyed goby (Bobohthalums Boddarti) with LRHa and HCG

Lai Phuoc Son

Tra Vinh University

Abstract:

In this study the reproduction stimulation of Boddart’s goggle-eyed goby (Bobohthalums Boddarti) with the use of LRHa and HCG is examined in order to find the proper type of hormones and doses of hormones for the reproduction of Boddart’s goggle-eyed goby. The length and weight of goby are 14.03 ± 1.57 cm and 29.96 ± 0.77 g, respectively. Experiments are conducted in a completely randomized design. Each experiment has 8 treatments with threefold. The results show that environmental factors such as temperature, pH, salinity are in the suitable range for the growth of fish. The best HCG treatment and LRHa treatment for female Goby fish are 5000 UI/kg and 160 µg/kg, respectively. The treatment of 5000 UI/kg gives the best artificial reproduction (47000 ± 8718). However, it is not statistically significant difference compared to the treatment of LRHa 160 µg/kg of female fish (p < 0.05).

Keywords: Boddart's goggle-eyed goby, Boleophthalums boddarti, stimulation of Boddart's goggle - eyed goby.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4  tháng 2 năm 2023]