Người Chăm Châu Phong làm kinh tế du lịch từ “tài nguyên” cổ truyền

Cùng với “tài nguyên” cổ truyền được nhiều thế hệ bà con Islam giáo Châu Phong dày công xây dựng, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tỉnh An Giang, ngành kinh tế du lịch ở Châu Phong nói riêng cũng như thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nói chung ngày càng phát triển, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn.
kinh tế du lịch
Thợ làm thổ cẩm ở Châu Phong, An Giang. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Sản phẩm du lịch đặc trưng

Toạ lạc tại ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, Thánh đường Mubarak là một trong những thánh đường Islam giáo nổi tiếng nhất và là địa chỉ nằm trong các tour du lịch gợi ý cho du khách ghé thăm An Giang. Không chỉ vậy, với hơn 10.000 người theo đạo Islam giáo sống quanh khu vực sông Châu Giang, đã tạo nên một ngành kinh tế du lịch từ chính những nghề cổ truyền có lịch sử hàng trăm năm như kinh doanh dược liệu, sản xuất thổ cẩm, trang sức,đánh bắt thủy sản hay đan dệt vải dân tộc phục vụ cho khách du lịch.

Những sản phẩm du lịch đặc trưng của Châu Phong như du lịch sông nước, cồn bãi gắn với làng bè; tín ngưỡng tâm linh và du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch trải nghiệm các làng nghề truyền thống; du lịch tìm hiểu về sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và ẩm thực thưởng thức các món ăn độc lạ của đồng bào dân tộc Chăm.

Nhưng điểm nhấn mạnh mẽ nhất, đã tạo nên sản phẩm du lịch “tham quan làng dệt Châu Phong”. Tiếp nối truyền thống hàng trăm năm, các nghệ nhân nơi đây qua đôi bàn tay khéo léo đã thêu dệt nên túi xách, bóp, ví, khăn choàng, khăn tay, áo khoác, túi xách, ba lô… Các sản phẩm được may từ nhiều chất liệu vải khác nhau, sau đó đính lên hoa văn của làng dệt, hoặc một phần của sản phẩm chứa thổ cẩm. Sản phẩm của phụ nữ Chăm được dệt nên bởi chất liệu tơ, sợi. Điểm nổi bật của sản phẩm dệt Chăm là nhuộm bằng chất liệu có từ thiên nhiên như mủ cây (klék), vỏ cây (pahud) và trái cây (mặc nưa). Đến tham quan cơ sở dệt, du khách cũng có thể mua cho mình vài món khăn choàng, túi xách, vòng tay hoặc những món quà lưu niệm thủ công.  

Ngoài những sản phẩm làm quà lưu niệm nêu trên, hiện nay khi đến hộ gia đình các nghệ nhân, du khách còn được nghe thuyết minh về quy trình dệt thổ cẩm của người Chăm An Giang, có thể tự mình trải nghiệm công đoạn dệt ngay tại cơ sở. Sản phẩm du lịch “tham quan làng dệt Châu Phong” ngày càng được du khách quan tâm. Trước năm 2015, mỗi năm có khoảng trên dưới 600-700 lượt khách thì nay, mỗi năm thị xã có khoảng trên 3.000 lượt khách du lịch đến tham quan, lưu trú trên địa bàn. Trong đó, trên 1.000 lượt khách lưu trú tại các khách sạn và trên 2.000 lượt khách quốc tế thông qua các công ty du lịch lữ hành trên sông Mekong. am quan tại làng dệt Châu Phong chủ yếu là khách quốc tế chủ yếu là các nhà nghiên cứu văn hóa, sinh viên, học sinh đến để nghiên cứu về làng dệt thổ cẩm, văn hóa, tôn giáo của người Chăm ở An Giang nhằm phục vụ cho các công trình khoa học. Khách quốc tế đến với làng Chăm ở Châu Phong hầu hết du khách đều trên 30 tuổi, có kiến thức rộng, ham khám phá và trải nghiệm. Hoạt động ưa thích của du khách ở Châu Phong là tham quan nghề dệt cùng nhà sàn truyền thống của người dân, tìm hiểu quy trình dệt thổ cẩm, đến bữa thì ghé ngang quán ăn nào đó thưởng thức các món ăn nổi danh, chiều về thì nghe những chuyện xưa do các cụ già trong phum kể lại.

Sở dĩ sản phẩm du lịch “tham quan làng dệt Châu Phong” nhận được sự quan tâm như vậy là nhờ truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm của làng dệt. Làng dệt thổ cẩm Châu phong được duy trì bằng phương thức truyền dạy trong gia đình “mẹ truyền con nối”. Người mẹ truyền dạy tất cả các kinh nghiệm dệt thổ cẩm, từ công đoạn chập sợi cho đến hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh trước khi cô con gái đi lấy chồng. Hầu hết các cô gái làng dệt Châu Phong đều biết dệt trước khi kết hôn (độ tuổi 18-22).

Phát triển hạ tầng kinh tế du lịch

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hơn nữa sự tiếp cận thị trường của sản phẩm làng dệt, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang đã mở lớp kỹ năng may công nghiệp cho phụ nữ Châu Phong. Lớp tập huấn nhằm nâng cao thu nhập cho chị em Islam giáo trong cộng đồng người Chăm đẩy mạnh phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, gắn bó với ngành kinh tế du lịch.

Từ đó, các ngành, nghề, làng nghề truyền thống được tồn tại và phát triển. Đồng thời, giúp chị em tiếp thu kiến thức cũng như những kỹ năng cơ bản trong ngành may công nghiệp để chị em phụ nữ Islam giáo vốn thành thạo kỹ năng truyền thống được nâng cao hơn khi biết cách sử dụng các máy may công nghiệp, có thể tự may trang phục, lễ phục, nhận hàng cắt sẵn may ráp  gia công tại nhà… Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản lý, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới, cụ thể là may được các sản phẩm quà lưu niệm từ nguyên liệu vải dệt thổ cẩm và lụa, nhằm phục vụ khách du lịch.

Một sản phẩm du lịch khác từ “tài nguyên” cổ truyền là những ngôi nhà sàn gỗ đã có tuổi đời hàng trăm năm. Nhà sàn ở đây được xây rất cao. Người dân đã dùng những loại gỗ quý như cẩm lai, giáng hương, căm xe để tạo nên tổ ấm cho gia đình. Nhà được thiết kế hết sức tinh tế với không gian thoáng đãng rộng rãi và được chia thành hai loại là nhà nhỏ 4 gian và nhà lớn 5 gian. Mặt tiền nhà luôn quay về hướng nam, trước nhà có một cái thang bằng gỗ để đi lên đi xuống. Hai cửa cái ra vào hơi thấp so đầu người để khi người lạ vào nhà phải cúi thấp với ý chào chủ nhà.  Đây cũng là lý do làng dệt Châu Phong rất thích hợp với loại hình lưu trú homestay.

Những năm qua, thị xã Tân Châu đã đầu tư và mời gọi đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí, siêu thị phục vụ khách du lịch... Để từng bước đưa du lịch Tân Châu trở thành một trong những ngành kinh tế trọng yếu của thị xã, Tân Châu đã cải tạo bến phà Tân Châu – Hồng Ngự (cũ) làm bến lên giúp cho việc neo đậu của các tàu du lịch và phục vụ cho việc di chuyển lên bờ của du khác an toàn và tạo được nét văn minh của thị xã. Về hoạt động xúc tiến du lịch: Đã xây dựng được trang website du lịch Tân Châu (hay còn gọi và trung tâm du lịch ảo), nhằm giới thiệu quảng bá về du lịch Tân Châu bao gồm các điểm tham quan du lịch, như du lịch sông nước vùng đầu nguồn gắn với tham quan các làng nghề truyền thống lụa Tân Châu, dệt thổ cẩm dân tộc Chăm - Châu Phong.

Thực hiện Nghị quyết số 03- NQ/TU ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tân Châu về phát triển du lịch, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, năm 2023 thị xã đã ban hành kế hoạch số 582 về phát triển hoạt động du lịch trên địa bàn thị xã. Theo đó, thị xã đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư và khảo sát, lập dự án phát triển du lịch cộng đồng làng Chăm - Châu Phong, du lịch sông nước, các cồn bãi thuộc các xã Tân An, Vĩnh Hòa, Vĩnh Xương. Đặc biệt, cần đầu tư chủ lực vào các ngành thủ công truyền thống như: dệt lụa, dệt thổ cẩm, dệt chiếu,… mở rộng quy mô thu hút khách du lịch đến tham quan mua sắm. Khuyến khích đầu tư xây dựng mới dịch vụ lưu trú cao cấp (2-3 sao) và nâng cấp nhà nghỉ, nhà hàng, cơ sở vui chơi giải trí hiện có. Hướng dẫn các hộ gia đình cung cấp dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (Homestay) hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng phục vụ dịch vụ ăn uống du lịch. Du lịch tâm linh cũng được thị xã đặc biệt quan tâm; quảng bá hình ảnh về Tân Châu đến với khách du lịch.

Ngày 05 tháng 7 năm 2022, Uỷ ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang để triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông liên kết vùng và liên kết các huyện, thị xã, thành phố để phát triển kinh tế xã hội, trong đó có phát triển du lịch. Trong kế hoạch này, An Giang đã đầu tư nâng cấp các tuyến đường liên kết vùng Tân Châu - Châu đốc trong giai đoạn đến 2025; phát triển hạ tầng du lịch đường sông trên sông Tiền, sông Hậu…

Cùng với “tài nguyên” cổ truyền được nhiều thế hệ bà con Islam giáo Châu Phong dày công xây dựng, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp tỉnh An Giang, ngành kinh tế du lịch ở Châu Phong nói riêng cũng như thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nói chung ngày càng phát triển, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Hoàng Hải Thanh