"Nguy" - "Cơ " trong xuất khẩu và những bài học từ công tác điều hành

Năm 2021 và hai tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận thành tích xuất nhập khẩu ấn tượng chưa từng có bất chấp những thách thức do dịch bệnh. Tuy nhiên, đằng sau hành trình để đi đến được kết quả này là rất nhiều câu chuyện có lẽ không phải ai cũng nhìn rõ. Và, những vấn đề được đúc rút từ chặng đường vừa qua là bài học kinh nghiệm cực kỳ quý giá đối với công tác điều hành, quản lý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải hiện nay.

Chiến dịch bài bản và bài học "trên dưới đồng lòng - dọc ngang thông suốt"

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. 

Riêng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản năm 2021 đạt kết quả cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm 2020. 

Hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy có tới 10 sản phẩm và nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cà phê, cao su, gạo, hồ tiêu, sữa và sản phẩm sữa, thịt và phụ phẩm thịt, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ, mây tre và cói…

Theo các chuyên gia, thành tích xuất khẩu ấn tượng năm 2021 bất chấp thách thức do dịch bệnh, đặc biệt đối với nông sản, có dấu ấn nổi bật của sự phối hợp thông suốt từ các Bộ, ngành tới địa phương. Điều này đã tạo cho doanh nghiệp một "bệ đỡ" vững chắc để doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. 

Chính sự chuẩn bị cẩn thận, xây dựng và triển khai chiến dịch bài bản, “trên dưới đồng lòng” đã giúp đảm bảo hoạt động xuất nhập hàng hóa qua cửa khẩu được duy trì thông suốt ổn định trong những thời điểm khó đến mức tưởng chừng "hết cách". 

Với sự chủ trì của Bộ Công Thương, từng cơ quan chức năng đã vào cuộc để giải quyết dần những điểm nghẽn trong chuỗi lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa từ khâu sản xuất, thông tin, đến xúc tiến, vận chuyển. 

Công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được tăng cường tích cực trong đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông, chế biến và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác, tiếp tục phối hợp với các địa phương biên giới đẩy mạnh các hoạt động giao thiệp, trao đổi, đề nghị các cơ quan phía Trung Quốc mở rộng thương mại và duy trì chuỗi cung ứng thông qua thống nhất quy trình thông quan vừa bảo đảm phòng dịch, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt tại cửa khẩu.

Để giải quyết vấn đề vận chuyển, lãnh đạo Bộ Công Thương đã đề nghị các doanh nghiệp logistics tích cực phối hợp với các Bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp sản xuất và thương mại để có các giải pháp cho việc thúc đẩy vận chuyển, lưu thông hàng hóa đảm bảo an toàn, thông suốt trong tình hình dịch bệnh. Đồng thời, kết nối các doanh nghiệp vận tải, dịch vụ logistics và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản/trái cây nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua đường biển để khuyến khích sử dụng hình thức vận chuyển đường biển, đường sắt, đặc biệt với các lô hàng mang tính thời vụ cao.

Vấn đề từng được coi là "chuyện chưa có hồi kết" tại các diễn đàn là trách nhiệm của từng bên trong toàn chuỗi lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa. Thì, đến nay đã được nhìn nhận tách bạch, rõ ràng để phát huy đúng vai trò trong thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, giúp công tác quản lý, điều hành thu được hiệu quả thực chất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (bên phải) trao đổi với ông Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (bên trái) tại buổi làm việc ngày 25/5/2021 về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (bên phải) trao đổi với ông Hùng Ba - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam (bên trái) tại buổi làm việc ngày 25/5/2021 về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương

“Đi chợ” xuyên biên giới và bài học liên kết “kim cương” Bộ - Doanh nghiệp - Địa phương 

Năm 2021, lần đầu tiên, “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” - một không gian hàng hóa Việt Nam, với hàng chục loại nông sản, trái cây vùng miền, được thiết lập trên nền tảng thương mại điện tử quốc tế (JD.com), sản phẩm hàng hóa Việt của doanh nghiệp Việt được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại thị trường nước nhập khẩu qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới. Mô hình B2B2C được áp dụng, thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và người dùng, giữa Việt Nam và thế giới.

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 25/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông và tăng cường hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản của các địa phương sản xuất tập trung trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì chỉ đạo hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia và trên các sàn thương mại điện tử trong nước, quốc tế (Voso, Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, Alibaba…)

Đi cùng công tác xúc tiến thị trường, công tác xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông sản cũng được tính đến khi Cục Xúc tiến thương mại lần đầu áp dụng thí điểm ứng dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm vải thiều và một số nông sản khác, nhận được phản hồi rất tích cực từ các địa phương, các doanh nghiệp thu mua hay kể cả các thị trường xuất khẩu như Pháp, Nhật, Hàn Quốc…

Trong bối cảnh làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư quay trở lại với những tác động nặng nề đến xuất nhập khẩu hàng hóa, việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới đã tự chứng tỏ là bước đi hoàn toàn kịp thời và đúng đắn, đặc biệt vào giai đoạn hàng loạt nông sản địa phương tới vụ chờ tiêu thụ.

Cộng hưởng với sự chủ động tiếp cận các đối tác, thị trường mới của doanh nghiệp và địa phương, người nông dân Việt đã thành công “đi chợ xuyên biên giới”.

Kết thúc mùa vụ 2021, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ của Bắc Giang đạt 215.852 tấn, tăng 30,8% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu 89.300 tấn, chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ. Tổng doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt 6.821 tỷ đồng.

Thành quả của thương mại xuyên biên giới đã trở thành nền tảng phát triển quan trọng cho công tác xúc tiến thương mại năm 2022, đúng như nhận định của của đại diện các địa phương tham gia Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021: Hợp tác ba bên Bộ - doanh nghiệp - địa phương chính là liên kết “kim cương” bền vững để nông sản khai thác cơ hội từ nền tảng “vàng” là thương mại điện tử.

Nhìn rộng hơn, câu chuyện xuất khẩu nông sản chỉ là một phần nhỏ.

Báo cáo của Amazon cho thấy, trong 12 tháng (từ 1/9/2020 đến 31/8/2021), gần 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã được bán ra thế giới qua nền tảng này, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt bán hàng qua các cửa hàng Amazon trên toàn thế giới vượt mốc doanh số 100.000 USD, 500.000 USD và 1 triệu USD, tăng lần lượt hơn 18%, 53% và 40% chỉ sau một năm. Tổng doanh thu bán hàng qua nền tảng Amazon của doanh nghiệp Việt đến thời điểm này đã tăng gấp đôi so với năm 2019, mức tăng trưởng này cao hơn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines...

Theo đại diện Tập đoàn Alibaba - đơn vị hợp tác với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) trong chương trình hỗ trợ kỹ thuật triển khai từ năm 2021, năng lực sản xuất của các nhà bán hàng Việt Nam ngày càng cải thiện về cả chất lượng và số lượng, danh mục sản phẩm đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu. 

Cách làm chú trọng vào nâng cao năng lực của doanh nghiệp và chất lượng, thương hiệu sản phẩm bên cạnh xúc tiến mở rộng thị trường thông qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới như thời gian qua sẽ là giải pháp quan trọng, căn cơ cần được nghiên cứu, bổ sung để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Lễ khởi động Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia
Lễ khởi động Chương trình đưa vải thiều Thanh Hà và các mặt hàng nông sản tiêu biểu của tỉnh Hải Dương lên sàn thương mại điện tử thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia

Chuyện ở cửa khẩu và bài học về cách làm sáng tạo, linh hoạt, bám sát thực tiễn

Câu chuyện này có lẽ đã trở nên khá quen thuộc với công chúng trong những ngày gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2022 khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh để theo đuổi chính sách “zero-Covid”. Bối cảnh rõ ràng, khó khăn càng rõ hơn và những nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng đã được công nhận.

Song, cần phải nhận định, so với năm 2020, việc giải quyết ùn tắc tại cửa khẩu, thúc đẩy lưu thông hàng hóa đã có nhiều điểm khác. Dù chung một định hướng chỉ đạo, nhưng tại mỗi khu vực cửa khẩu và vào từng thời điểm nhất định, chính quyền sở tại phía Trung Quốc lại có những cách giải quyết, ứng xử khác nhau.

Đơn cử, năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phía Trung Quốc đã dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở tổng số là 7 lần. Bình quân mỗi lần trước đây dừng thông quan để vệ sinh, phun khử trùng khu vực là 2 ngày/lần. Riêng lần thứ 7, dừng 21 ngày (từ ngày 21/12/2021 đến ngày 10/1/2022) để thực hiện công tác phòng chống dịch.

Hay tại Lạng Sơn, hoạt động xuất khẩu chỉ được thực hiện theo phương thức phương tiện Trung Quốc sang nhận hàng với năng lực thông quan rất hạn chế, rồi cũng không kéo dài được lâu, như cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm (Lạng Sơn) tạm dừng thông quan hàng hóa từ ngày 8/12/2021, tuy hoạt động trở lại từ ngày 22/12 nhưng có giai đoạn chỉ xuất được 5-10 xe/ngày theo phương thức nước bạn cho xe sang nhận hàng, sau đó lại dừng vào ngày 17/1/2022.

Bởi vậy, những công thức chung giờ đây khó lòng áp dụng cho tất cả các địa phương. Bộ Công Thương đã chủ động, phối hợp với địa phương để triển khai các giải pháp đặc thù cho vấn đề ùn tắc tại cửa khẩu. Nhiều đoàn công tác do Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đã đến trực tiếp các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin tình hình thông quan hàng hoá tại cửa khẩu, điều tiết hàng hóa đưa lên các cửa khẩu.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương đã mang lại những cách làm mới, sáng tạo, linh hoạt và bám sát thực tiễn. Cơ chế hoạt động theo Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã phát huy vai trò hiệu quả.

Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn trao đổi với lãnh đạo và lực lượng chức năng tại Móng Cái, Quảng Ninh trong chuyến công tác cuối tháng 12/2021
Đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh làm trưởng đoàn trao đổi với lãnh đạo và lực lượng chức năng tại Móng Cái, Quảng Ninh trong chuyến công tác cuối tháng 12/2021

Công tác trao đổi thông tin, đàm phán các cấp giữa hai nước được đặc biệt chú trọng. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhiều lần trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khôi phục hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung.

Ngày 23/2/2022, ngay sau chuyến làm việc trực tiếp tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban chỉ đạo đã ký 3 công thư gửi Bí thư tỉnh Quảng Tây, Bộ trưởng Bộ Thương mại, và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đề nghị các cơ quan chức năng phía bạn phối hợp với các địa phương phía Việt Nam nghiên cứu, đưa ra phương án cải thiện tốc độ thông quan tại các cửa khẩu hiện nay, nhằm tránh tái diễn tình trạng ách tắc hàng hoá xuất nhập khẩu tại biên giới.

Ở cấp cơ sở, để cải thiện thông quan xuất khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã thống nhất với phía Thị trấn Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc về việc thí điểm phương thức giao nhận hàng hoá xuất khẩu mới tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) từ ngày 1/3/2022. Đây được cho là giải pháp chủ động ứng dụng mô hình luồng xanh phù hợp với thực tiễn, kịp thời và tích cực.

Còn tại Quảng Ninh, từ ngày 20/2/2022, UBND thành phố Móng Cái và Chính quyền Thành phố Đông Hưng thống nhất rút ngắn thời gian xét nghiệm đối với lái xe trung chuyển theo định kỳ 48 giờ/lần. Đồng thời, thí điểm tổ chức quản lý tập trung lái xe trung chuyển để đảm bảo nâng cao hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch, giữ vững vùng xanh an toàn trong khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa. Kết thúc thời gian thí điểm, liên ngành khối cửa khẩu tại Móng Cái họp, đánh giá kết quả và xem xét việc tiếp tục hoặc thay đổi phương án tối ưu phù hợp với tình hình thực tế. 

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Công Thương nhiều lần nhấn mạnh cần tiếp tục giữ mối liên hệ thường xuyên, trực tiếp với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp có hàng đưa lên biên giới. Triển khai linh hoạt, hiệu quả công tác tổ chức và kiểm soát thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở đây, các đơn vị thuộc Bộ như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường trong và ngoài nước,… giữ vai trò quan trọng trong phối hợp kết nối, giữ liên hệ giữa các địa phương để có các thông tin, khuyến cáo thường xuyên và trực tiếp.

Tóm lại 

Năm 2021 và thời gian đầu năm 2022 này là những tháng ngày đặc biệt khó khăn, việc nhận định đúng "Nguy" và "Cơ" để đưa ra quyết sách trong công tác điều hành xuất nhập khẩu là thách thức không nhỏ. Từ thành công và cả chưa thành công, những vấn đề được đúc rút từ chặng đường vừa qua là bài học kinh nghiệm cực kỳ quý giá đối với công tác điều hành, quản lý trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nan giải hiện nay. 

Thy Thảo