Chúng ta đã thực sự an toàn?
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hiện trên tuyến biên giới phía Bắc chỉ có 13/76 cửa khẩu, lối mở đang hoạt động, chiếm chưa đến 20% (khoảng 17,1%). Tính tại thời điểm 8h00 ngày 17/1/2022 toàn tuyến có 3.582 xe chờ xuất khẩu. Đến 8h00 ngày 17/2/2022 số xe chờ là 3.647 xe, giảm 43 xe so với ngày 16/02/2022. Trong đó, tại Lạng Sơn là 2.138 xe, tại Quảng Ninh là 1.194 xe, tại Lào Cai là 160 xe, tại Cao Bằng là 155 xe.
Như vậy, lượng nông sản vốn được xuất qua 76 cửa khẩu, lối mở giờ dồn hết về 13 nơi, trong khi năng lực thông quan tại mỗi cửa khẩu chỉ hạn chế ở mức nhất định mà hàng hóa vẫn tiếp tục được chuyển lên.
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu khiến tình trạng ùn tắc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Song, cùng nhìn lại một số sự kiện:
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phía Trung Quốc đã dừng hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, lối mở tổng số là 7 lần (cầu Bắc Luân II: 3 lần; lối mở biên giới km3+4: 4 lần). Bình quân mỗi lần trước đây dừng thông quan để vệ sinh, phun khử trùng khu vực là 2 ngày/lần. Riêng lần thứ 7, dừng 21 ngày (từ ngày 21/12/2021 đến ngày 10/1/2022) để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Ngày 28/12/2021, Thị trấn Bằng Tường thông báo tạm dừng nhập khẩu Thanh Long từ 0h ngày 29/12/2021 đến 24h00 ngày 26/1/2022 (4 tuần) do phát hiện virus trên 3 lô hàng nhập khẩu từ ngày 20/11/2021 đến 27/12/2021.
Từ ngày 10/1/2022 đến nay, Trung Quốc dừng 3 lần tại Lối mở cầu phao Km3+4 do phát hiện hàng nhập khẩu của Việt Nam mẫu nghi ngờ dương tính với virus, thời gian dừng thông quan bình quân 1 ngày.
Tại một số thời điểm, hoạt động xuất khẩu chỉ được thực hiện theo phương thức phương tiện Trung Quốc sang nhận hàng với năng lực thông quan rất hạn chế, rồi cũng không kéo dài được lâu, như cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm (Lạng Sơn) tạm dừng thông quan hàng hóa từ ngày 8/12/2021, tuy hoạt động trở lại từ ngày 22/12 nhưng có giai đoạn chỉ xuất được 5-10 xe/ngày theo phương thức nước bạn cho xe sang nhận hàng, sau đó lại dừng vào ngày 17/1/2022.
Việc thường xuyên thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu do các biện pháp tăng cường phòng chống dịch của Trung Quốc dẫn đến khó khăn, hạn chế cho xuất khẩu nông sản; nhưng cần nhìn nhận yêu cầu, công tác phòng chống dịch giữa hai bên còn có những quy định khác nhau trong thực hiện. Vài trường hợp phát hiện virus trên bao bì, sản phẩm, phương tiện hay thậm chí là lực lượng vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa đã khiến phía bạn càng tăng cường biện pháp phòng chống dịch “mạnh tay” hơn.
Rõ ràng, dù đã chủ động tự thiết lập vùng an toàn tại khu vực cửa khẩu, thì các địa phương vẫn chưa có một hướng dẫn chính thức, bài bản để xây dựng được vùng xanh ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch Covid-19 hài hoà hợp lý với phía Trung Quốc, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.
Ngày 17/1/2022, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-BCT thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo. Lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai là thành viên Ban chỉ đạo.
Ngay hôm sau (18/1), Bộ Công Thương đã tổ chức họp Ban Chỉ đạo theo hình thức trực tuyến để công bố Quyết định thành lập và triển khai các nhiệm vụ nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc trước Tết Nguyên đán, sau đó Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị sớm hướng dẫn các địa phương biên giới phía Bắc xây dựng vùng đệm an toàn (“vùng xanh”).
Nhiều bài học cần được rút ra
Vai trò "sát sườn" của các địa phương
Ở góc nhìn khác, trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu biên giới, các địa phương nắm giữ vai trò điều hành “sát sườn” rất quan trọng.
Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu, vai trò này bao gồm trực tiếp trao đổi, đàm phán với phía bạn Trung Quốc và thường xuyên thông tin lại cho trong nước; điều hành hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, cả về hàng hóa, phương tiện và nhân lực vận chuyển.
Khi Trung Quốc siết chặt hơn các biện pháp kiểm soát an toàn dịch bệnh đối với hàng hóa, bên cạnh trao đổi cấp cao hai nước, lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu chính là những nhà ngoại giao cần thiết nhất vào thời điểm này. Việc thường xuyên trao đổi thông tin giữa hai bên không chỉ để thông báo, quy trình, thủ tục, thậm chí là đóng mở cửa khẩu, mà còn để cùng nhau “đi tới cùng”, tìm ra một biện pháp chung giải quyết hạn chế đang tồn tại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan. Nâng cao chiều sâu cho công tác trao đổi thông tin và đàm phán là cực kỳ cần thiết.
Đơn cử, múi giờ Việt Nam và Trung Quốc chênh nhau 1 giờ đồng hồ (GMT+7 và GMT+8), dẫn đến thời gian bắt đầu thông quan, thời gian nghỉ trưa, thời gian kết thúc công việc,… đều có sự chênh lệch với nhau. Trong bối cảnh lượng xe hàng ùn tắc đang lớn, cần tăng cường ca kíp với cơ chế thay người linh hoạt để vừa đảm bảo sức khỏe của lực lượng chức năng, mà vẫn tối đa hóa thời gian thông quan phục vụ thương lái, doanh nghiệp.
Quy hoạch bến bãi, phân luồng thông quan
Mặt khác, một trong những bài học được rút ra là vấn đề quy hoạch bến bãi, phân luồng thông quan. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hoa quả, nông sản tươi; ngoài ra có các sản phẩm đã chế biến (đồ khô) và linh kiện, sản phẩm chế tạo. Trong đó, riêng trái cây tươi xuất sang quốc gia này chiếm đến 70% tổng giá trị trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.
Thời hạn bảo quản của các mặt hàng là khác nhau, do đó cần có cơ chế rà soát, phân loại hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng dễ hư hỏng như hoa quả tươi, hàng đông lạnh), hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bảo quản hàng hóa; thực hiện sắp xếp kho bãi, phân luồng xe hàng theo hướng ưu tiên thông quan sản phẩm tươi sống trước, sau đó đến hàng khô và máy móc thiết bị, cuối cùng là các xe rỗng chờ nhập khẩu hàng về.
Tất nhiên, để làm được điều này, thì hạn chế về hạ tầng cửa khẩu và năng lực bến bãi là thực tế cần được giải quyết trước.
Theo tỉnh Lạng Sơn, trong bối cảnh số lượng xe tăng hơn hai lần so với mức cao điểm các năm trước, toàn bộ bến bãi (kể cả các bãi được trưng dụng tạm thời) đều đã quá tải. Dù vậy, tỉnh cũng đang nỗ lực hỗ trợ giảm phí sử dụng hạ tầng, giảm giá sử dụng dịch vụ tại các cửa khẩu; đồng thời điều trị miễn phí cho gần 400 lái xe đường dài bị nhiễm Covid-19 và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ tối đa các điều kiện sinh hoạt cho lái xe thông qua huy động các nguồn lực xã hội.
Tại Móng Cái (Quảng Ninh), 3 khu vực với sức chứa 6.000 phương tiện và 6 kho lạnh với sức chứa 770 container hàng hóa đã được bố trí. Các doanh nghiệp có hàng hóa chờ thông quan được hướng dẫn chuyển vào kho lạnh để giải phóng đầu container, đồng thời lực lượng chức năng cũng sẵn sàng phương án xử lý khi hàng hóa có nguy cơ hư hỏng, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu hủy hàng hỏng.
Vẫn là câu chuyện thông tin
Mới đây nhất, Lạng Sơn đã phải có văn bản tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh để xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian thực hiện từ ngày 16/2 cho đến hết ngày 25/2.
Quyết định này được đưa ra khi chỉ trong 1 ngày (8h00 ngày 9/2 đến 8h00 ngày 10/2) có tới 245 xe chuyển hàng hoá mới từ nội địa lên Hữu Nghị và Tân Thanh, trong khi tổng cộng năng lực thông quan xuất khẩu tại cả hai cửa khẩu này ở mức 80-100 xe mỗi ngày.
“Thực sự xe hàng đã lên đến khu vực cửa khẩu không muốn bắt doanh nghiệp phải quay đầu chút nào, mà nếu tiếp tục tiếp nhận thì càng thêm ùn tắc”, đại diện lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn chia sẻ.
Vấn đề này bộc lộ hạn chế trong công tác thông tin, khi mà tình hình xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu mỗi ngày vẫn được thường xuyên cập nhật công khai trên website Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc. Đi kèm với đó là khuyến cáo về điều tiết nhịp độ xe hàng lên cửa khẩu.
Có lẽ, cần sự chung tay hơn nữa của các địa phương có vùng nuôi, vùng trồng, để kịp thời theo dõi, phổ biến đến doanh nghiệp, thương nhân trên địa bàn về tình hình hàng hóa ở cửa khẩu và phối hợp điều tiết nhịp độ hàng hóa sao cho hợp lý. Riêng với nông sản, chuyển hướng tiêu thụ một phần tại thị trường nội địa là giải pháp đã được thực hiện, nhưng nên được đẩy mạnh thêm.
Trong bối cảnh mới, Trung Quốc đã có cơ chế linh hoạt hơn đối với hoạt động giao thương qua cửa khẩu, nhưng điều này đồng nghĩa với các quyết định tạm dừng – phục hồi thông quan được áp dụng trong thời gian ngắn hơn, thay đổi với tần suất dày hơn. Các địa phương có vai trò đặc biệt quan trọng trong trực tiếp đàm phán và phối hợp điều tiết hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới.
Kỳ I: Định vị đúng thị trường Trung Quốc
Kỳ III: Chuỗi xuất nhập hàng hóa qua cửa khẩu biên giới cần gì?