Các địa phương đang nỗ lực ngày đêm
Báo cáo tại buổi làm việc trực tiếp với đoàn công tác Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn ngày 25/1/2022, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh cho biết tình hình thông quan đã có chuyển đổi tích cực trong những ngày gần đây.
Tỉnh Lạng Sơn đã tập trung chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, trong đó nổi bật là tập trung xây dựng khu vực cửa khẩu "an toàn với Covid-19"; thiết lập “vùng đệm” nhằm kiểm soát dịch trên người và hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa vào các cửa khẩu để giữ “vùng xanh khu vực cửa khẩu”; triển khai nền tảng cửa khẩu số, bổ sung chức năng kiểm tra, kiểm soát, khai báo y tế đối với người và phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành.
Đồng thời, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu như giảm phí sử dụng hạ tầng, điều trị miễn phí cho lái xe đường dài bị nhiễm COVID-19, giảm giá dịch vụ bến bãi, hỗ trợ cho sinh hoạt của lái xe,…
Trong khi đó, ngay sau khi nhận được thông báo của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương của tỉnh và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu kiểm tra thực tế, rà soát, phân loại hàng hóa (đặc biệt là các mặt hàng dễ hư hỏng như hoa quả tươi, hàng đông lạnh), hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện bảo quản hàng hóa; thực hiện phân luồng giao thông, đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu, giảm thiểu hiện tượng ách tắc phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh đều cho biết đã thường xuyên cập nhật tình hình để khuyến cáo về hoạt động của các cửa khẩu cũng như các biện pháp quản lý, kiểm tra của phía Trung Quốc đến UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng, tổ chức, doanh nghiệp liên quan.
Mặt khác, duy trì và tăng cường cơ chế hội đàm, trao đổi thông tin với phía Trung Quốc để trao đổi thông tin về hợp tác phòng chống Covid-19 và khôi phục, nâng cao năng lực thông quan tại các cặp cửa khẩu, đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại biên giới.
Nhờ các giải pháp này, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn 2 địa phương đang chuyển động tích cực.
Tại Lạng Sơn, đến thời điểm hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu chỉ được duy trì thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại 2 cửa khẩu là cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Ga đường sắt Đồng Đăng. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu đang tập trung chủ yếu tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, năng lực thông quan trung bình trong tuần đạt 80-100 xe xuất/ngày. Đáng chú ý, xuất khẩu qua Ga Đồng Đăng có tín hiệu khả quan, đạt khoảng 40-50 toa xuất/ngày, trong đó có một số loại hoa quả như sầu riêng, nhãn quả tươi, nguyên nhân chính là do doanh nghiệp chuyển đổi phương thức vận tải do xuất khẩu đường bộ gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến 8h00 sáng ngày 23/1/2022, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu tại tỉnh Lạng Sơn là 484 xe, giảm 792 xe so với sáng ngày 17/1/2022, giảm 3.529 xe so với ngày 25/12/2021. Số lượng xe giảm phần lớn là chuyển tiêu thụ nội địa nhưng cũng có một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển.
Sau văn bản của UBND tỉnh Lạng Sơn ngày 12/1/2022 về tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu của tỉnh để xuất khẩu từ ngày 17/1/2022 đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, hầu như không có lượng xe hoa quả đưa lên khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, mà chủ yếu là linh kiện điện tử, cá,…, trung bình khoảng 25 xe/ngày.
Tại Quảng Ninh, hiện có 5/7 cửa khẩu quốc tế, 4/6 cửa khẩu chính, 2/21 cửa khẩu phụ đang hoạt động. Lối mở Km3+4 Hải Yên (Quảng Ninh), các lối mở/điểm thông quan khác vẫn đang tạm thời đóng.
Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), một số mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam đã được thông quan trở lại, cụ thể: chuối tươi (từ ngày 7/1/2022), thanh long (ừ ngày 12/1/2022).
Hiện tại trên địa bàn Móng Cái đã bố trí 3 khu có thể chứa 6.000 phương tiện, 6 kho lạnh có thể chứa khoảng 770 container hàng hóa.
Tổng số xe đã thông quan từ ngày 10/01/2022 đến nay là 2.435 xe, trong đó: Cửa khẩu Hoành Mô: 380 xe; Cửa khẩu Bắc Phong Sinh: 316 xe; Riêng tại thành phố Móng Cái: xuất 1.739 xe (tăng 489 xe so với số liệu tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ ngày 8/1/2022 là 1.250 xe).
Tổng số xe tăng thêm là 2.167 xe (trong đó: Trong đó: thành phố Móng Cái tăng 1.481 xe; huyện Bình Liêu tăng 380 xe; huyện Hải Hà tăng 306 xe) so với cuộc họp ngày 8/1/2022. Hiện lượng xe xuất hàng hóa đang chờ thông quan qua các cửa khẩu, lối mở tỉnh Quảng Ninh đến ngày 23/01/2022 là 992 xe.
Dứt khoát phải giải tỏa hàng hóa
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành chức năng thời gian qua đã vào cuộc rất quyết liệt để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đúng theo tinh thần cam kết của cấp cao hai nước là phải đảm bảo thuận lợi thương mại trong mọi tình huống.
Cụ thể hóa tinh thần này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 17/1/2022, Bộ Công Thương đã thành lập Ban Chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp làm Trưởng ban, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngoại giao, Tài chính, Y tế và lãnh đạo UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai.
Sau khi được thành lập, Ban chỉ đạo đã đi vào hoạt động ngay và có được những kết quả bước đầu.
Dù vậy, tình trạng ùn tắc không phải lần đầu xuất hiện, bởi nó là hệ quả tất yếu của việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch và việc trao đổi buôn bán theo hình thức tiểu ngạch vốn đã tồn tại từ lâu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, Trung Quốc theo đuổi chính sách zero-Covid và siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng là quyết định dễ hiểu, cần phải tôn trọng khi năm 2022 sẽ diễn ra nhiều sự kiện kinh tế - xã hội quan trọng của nước bạn.
“Tuy nhiên, hàng đang ùn ứ trên cửa khẩu là dứt khoát phải giải tỏa, theo đúng tinh thần thỏa thuận cấp cao. Để hàng hóa đi được thì phải an toàn, chứ không phải làm cho qua. Cần nỗ lực từ người sản xuất, đến các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, các địa phương có hàng, các địa phương có cửa khẩu và các cơ quan chức năng để hàng của chúng ta xuất sang bên kia không có Covid-19, dứt khoát là như vậy”, Bộ trưởng khẳng định.
Qua thị sát, Bộ trưởng nhận định còn tồn tại một số bất cập trong thực tế tại địa phương: Chưa tạo được vùng xanh an toàn nên hàng hóa ngày càng lũy kế nhiều lên nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ có virus; Giao thiệp với phía bạn dù có nhưng thiếu chiều sâu, “chưa tới cùng” để thống nhất tìm ra phương án giải quyết;…
Để giải quyết các tồn tại này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, cùng với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục giao thiệp, trao đổi thường xuyên với phía bạn ở tất cả các cấp, các kênh để thống nhất những quy trình thông quan thuận lợi và có sự tin cậy, bao gồm quy trình xử lý nếu phát hiện virus trên hàng hóa hay sự cố phát sinh.
Về phía mình, Chính phủ và đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ giữ mối liên hệ với các cơ quan Bộ, ngành có liên quan phía Trung Quốc để tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của cấp cao hai nước “phải bảo đảm thuận lợi hóa thương mại trong mọi tình huống”.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt ngành Y tế, để khẩn trương chủ động hình thành “vùng an toàn” không có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trên người, phương tiện, hàng hóa; có sự sắp xếp, phân luồng xe hàng hợp lý để ưu tiên hàng tươi sống thông quan trước.
“Đã bước chân vào khu tập kết hàng hóa để xuất sang nước bạn thì phải an toàn trên người, trên phương tiện, trên hàng hóa. Thậm chí có thể lắp camera trực tuyến để bạn có thể theo dõi, yên tâm về quy trình nghiêm túc của mình”, Bộ trưởng khẳng định.
Thứ ba, địa phương chỉ đạo và hỗ trợ các lực lượng chức năng (Hải quan, Biên phòng, Giao thông, Công an…) một mặt hợp tác sát sao với phía bạn, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ hàng, lái xe đưa hàng lên cửa khẩu, đặc biệt điều chỉnh tăng ca kíp, tăng lực lượng “với tinh thần không để phí một thời gian nào, tranh thủ ở mức cao nhất” và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông quan.
“Chúng ta phải có những giải pháp hết sức mạch lạc, rõ ràng và phải rất trách nhiệm, kiên trì, thấu đáo mới có thể giải quyết được”, Bộ trưởng yêu cầu.
Thứ tư, tiếp tục giữ mối liên hệ với các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi, các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để nắm được lượng hàng hóa, nông sản cần xuất khẩu và thông báo kịp thời tình hình hàng hóa ở cửa khẩu, tình hình thông quan và những yêu cầu đòi hỏi từ nước bạn, để trước mắt cố gắng đáp ứng được nhiều nhất yêu cầu về bao gói, vận chuyển, tiêu chuẩn hàng hóa,… Một mặt nỗ lực thông quan, nhưng mặt khác cần khuyến cáo, thông tin kịp thời cho các địa phương khác để điều phối nhịp độ hàng hóa phù hợp, đối với nông sản chú ý chuyển đổi tiêu thụ một phần tại thị trường trong nước.
Thứ năm, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt gần đây là Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, triển khai thực hiện những hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành chức năng thời gian qua; trong quá trình triển khai nếu phát sinh vướng mắc thì trao đổi lại để cùng các thành viên Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc gỡ khó kịp thời.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đại chúng Trung ương và địa phương chung tay mạnh mẽ hơn trong phản ánh đầy đủ, chính xác tình hình, động viên các lực lượng chức năng và địa phương đã nỗ lực rất cao trong giải quyết thông quan hàng hóa ùn ứ tại cửa khẩu; đồng thời tuyên truyền để các địa phương có vùng trồng, vùng nuôi, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và người sản xuất nhận thấy rằng đã đến lúc phải thay đổi cách làm về lâu dài, chuyển sang sản xuất theo tín hiệu thị trường và có kế hoạch, quy hoạch; hình thành khu kinh tế biên mậu, khu logistics để thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại.
Về phía mình, Bộ Công Thương ghi nhận và ủng hộ những kiến nghị của các địa phương, ngay sau chuyến làm việc sẽ khẩn trương xem xét giải quyết vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ và sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để cùng gỡ khó cho địa phương những vấn đề khác.