Tổng thể hệ thống
Chuỗi phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới có sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, dưới chỉ đạo chung của Chính phủ.
Đơn cử, đối với mặt hàng nông sản:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch sản xuất; kiểm soát, kiểm định chất lượng hàng hóa; chủ trì mở cửa thị trường xuất khẩu; đặc biệt vai trò của ngành Nông nghiệp đang ngày càng rõ ràng trong công tác nghiên cứu, dự báo thị trường để xúc tiến đầu ra cho sản phẩm và chuyển đổi sản xuất theo tín hiệu thị trường kinh tế hóa nền nông nghiệp.
Bộ Công Thương tổ chức cấp phép, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu; phối hợp với địa phương để đàm phán với quốc gia đối tác mở thêm cửa khẩu, khuyến khích xuất khẩu chính ngạch; thông qua hệ thống Thương vụ để chủ động cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản.
Bộ Giao thông vận tải bảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt; tạo điều kiện cho hoạt động logistics, vận chuyển nông sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cải thiện môi trường đầu tư; bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng, kho bãi tại các cửa khẩu và hạ tầng chế biến nông sản tại các địa phương.
Bộ Tài chính (cơ quan hải quan tại cửa khẩu) thực hiện thủ tục thông quan tại cửa khẩu; kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa.
Tất nhiên, bên cạnh đó còn có vai trò của nhiều Bộ, ngành khác như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (hỗ trợ tài chính), Bộ Ngoại giao (đàm phán),… trong phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc để điều hành, quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu. Trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành Y tế cũng giữ vai trò quan trọng hơn để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch, trước hết tại các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với đặc thù của từng loại hình sản xuất khu vực nông nghiệp và sau là tại khu vực cửa khẩu địa phương, qua đó góp phần đảm bảo hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thông suốt với điều kiện an toàn dịch bệnh.
Phối hợp điều hành trên cơ sở bám sát thực tiễn
Từ đầu năm 2020, ngay khi dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt các biện pháp như đóng cửa khẩu để chống dịch, Bộ Công Thương đã chủ động, phối hợp với địa phương để triển khai các giải pháp “đón đầu” xử lý vấn đề ùn tắc tại cửa khẩu.
Nhiều đoàn công tác do Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn đầu đã đến trực tiếp các tỉnh biên giới phía Bắc để nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin tình hình thông quan hàng hoá tại cửa khẩu, điều tiết hàng hóa đưa lên các cửa khẩu.
Đồng thời trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm với các cơ quan phía Trung Quốc để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khôi phục hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung.
Mặt khác, công tác phối hợp giữa Bộ Công Thương với Bộ NN&PTNT để tiếp tục đàm phán mở cửa, xúc tiến thương mại,… vẫn được thực hiện thường xuyên, bao gồm chuyển hướng linh hoạt sang kênh trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh.
Đầu tháng 12/2021 đến nay, Trung Quốc tăng cường phòng chống dịch, kiên quyết duy trì chính sách “zero-Covid”, áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có, liên tiếp dừng hoạt động nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm đông lạnh từ Việt Nam, cũng như hoạt động thông quan tại nhiều cửa khẩu, lối mở khi dịch Covid-19 tại nước ta diễn biến phức tạp.
Ngày 17/1/2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-BCT thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo; Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng Ban chỉ đạo. Lãnh đạo các Bộ Y tế, Tài chính, Ngoại giao và Chủ tịch UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai là thành viên Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc áp dụng các biện pháp, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, để giải quyết tình trạng ách tắc hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; Thường xuyên cập nhật tình hình và cung cấp thông tin cho các địa phương liên quan về tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc; Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong việc điều tiết vận chuyển hàng hóa lên các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Ngay hôm sau (18/1), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị sớm hướng dẫn các địa phương biên giới phía Bắc xây dựng vùng đệm an toàn (“vùng xanh”) ở khu vực cửa khẩu biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch Covid-19 hài hoà hợp lý với phía Trung Quốc theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành để thúc đẩy việc mở lại và duy trì thông quan tại các cửa khẩu, bảo đảm cho hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc được tiến hành thông suốt.
Qua một thời gian ngắn, những hoạt động theo cơ chế Ban chỉ đạo, với sự tham gia của lãnh đạo nhiều Bộ, ngành và địa phương liên quan, bước đầu đã cho thấy hiệu quả.
Phía Trung Quốc đã thể hiện thiện chí phối hợp với ta để xử lý tình trạng ùn tắc hàng hóa tại 2 bên biên giới. Tỉnh Quảng Tây đã tiến hành đánh giá tình hình thực tế công tác phòng chống dịch tại từng cửa khẩu để khôi phục hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu.
Sau buổi làm việc trực tiếp của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Quảng Ninh ngày 25/1/2022, cùng ngày Chính quyền Quảng Tây, Trung Quốc đã chính thức khôi phục thông quan tại Pò Chài, Bằng Tường, hay chính là cửa khẩu Tân Thanh ở phía Việt Nam, nhằm phối hợp với Việt Nam giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa.
Phía bạn cũng đưa ra thông báo cho biết chỉ dừng thông quan với các cửa khẩu Lạng Sơn trong một tuần, từ 31/1 đến 6/2 để nghỉ Tết Nguyên đán 2022, thay vì dự kiến 28 ngày như trước đó.
Định vị thị trường để hoạch định chính sách
Thực tế, tình trạng ùn tắc không phải lần đầu xuất hiện, bởi nó là hệ quả tất yếu của việc sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch và việc trao đổi buôn bán theo hình thức tiểu ngạch vốn đã tồn tại từ lâu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu, Trung Quốc theo đuổi chính sách zero-Covid và siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng là quyết định dễ hiểu, cần phải tôn trọng khi năm 2022 sẽ diễn ra nhiều sự kiện kinh tế - xã hội quan trọng của nước bạn.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường quan trọng đối với Việt Nam, và trong bối cảnh các quy định nhập khẩu của họ siết chặt hơn, chúng ta cần định vị lại đúng thị trường này, xác định rõ những phân khúc hàng hóa có thể cung ứng và nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Sự chủ động phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, hay nói cách khác là cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở, là giải pháp căn cơ để đảm bảo hoạt động xuất nhập hàng hóa qua cửa khẩu được duy trì thông suốt ổn định và đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Trách nhiệm của từng bên trong toàn chuỗi phân phối hàng hóa qua cửa khẩu cần được quy định rõ để phát huy đúng vai trò trong thực tiễn và phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn, giúp công tác quản lý, điều hành thu được hiệu quả thực chất.
Quá trình phối hợp điều hành thực tiễn cũng sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành đối chiếu, rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng thương mại tại địa phương, qua đó có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Câu chuyện ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu đang có chuyển biến tích cực, nhưng dự báo có thể tiếp tục khi hàng loạt trái cây, nông sản của Việt Nam đến vụ thu hoạch ồ ạt thời gian tới. Khó khăn, thách thức rất lớn, song cũng là cơ hội để các cơ quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp biến sức ép thành động lực đổi mới, thúc đẩy sự vận hành thông suốt, ổn định và hiệu quả của chuỗi xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới.
Kỳ I: Định vị đúng thị trường Trung Quốc
Kỳ II: Nhiều bài học từ câu chuyện giải tỏa ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu phía Bắc