Nguy cơ khôn lường của cuộc chiến dắt dây: Từ thương mại sang tiền tệ, từ tiền tệ sang lãi suất

Nguy cơ đốm lửa thương chiến Mỹ-Trung lan rộng, kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng toàn cầu, gây áp lực mạnh mẽ lên điều hành chính sách tiền tệ và nền kinh tế nước ta.

Hết “đạn” chuyển làn sang tiền tệ

Tính đến nay, cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới đã hơn một năm. Chuyện áp thuế qua lại hàng hóa xuất khẩu của nhau đã hơn 10 lần, từ hàng chục tỷ USD leo thang lên hàng trăm tỷ USD; mà đỉnh điểm là quyết định áp thuế của Tổng thống Donald Trump lên 300 tỷ hàng xuất khẩu Trung Quốc vào đầu tháng 8 vừa qua.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 năm 2018, là cuộc chiến ngang cơ. Mỹ áp thuế 34 tỷ hàng xuất khẩu Trung Quốc; Trung Quốc làm điều tương tự; Mỹ áp thuế 50 tỷ hàng xuất khẩu Trung Quốc, nước này đáp lễ 50 tỷ hàng xuất khẩu Mỹ.

Giai đoạn 2 năm 2019, là cuộc chiến không cân sức. Tháng 5 Mỹ tuyên bố áp thuế 250 tỷ USD lên hàng xuất khẩu Trung Quốc; nước này chỉ giáng trả vào 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Ngày 1 tháng 8, Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, nước này chỉ có phản ứng chung chung: “Chúng tôi sẽ có động thái đáp trả cần thiết” .

Vì sao Trung Quốc phải nằm ở “kèo dưới” trong cuộc thương chiến này? Có 2 lý do chủ chốt. Thứ nhất, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ khoảng 600 tỷ USD, nhưng nhập khẩu từ Mỹ chỉ khoảng 200 tỷ USD. Không có nhiều con bài trong tay, Trung Quốc chỉ dám áp thuế một cách dè sẻn lên số lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thứ hai, điều mà Trung Quốc muốn đánh gục quyết tâm của Tổng thống Donald Trump tiếp tục tại vị nhiệm kỳ 2 là hướng trực tiếp vào lợi ích của nông dân Mỹ bằng cách tăng thuế nhập khẩu lên nông sản thì mấy lần áp thuế qua lại đã hết, thậm chí phải sử dụng đến biện pháp cao nhất, ngừng mua nông sản của Mỹ. Còn hàng công nghệ nhập khẩu từ Mỹ, Trung Quốc đang rất cần, trả đũa bằng đòn áp thuế không khác gì lấy đá ghè chân mình.

Nói nôm na thì trong cuộc chiến này, Trung Quốc gần như hết “đạn”. Vì thế, ngày 1 tháng 8 khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên 300 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc, Trung Quốc buộc phải chuyển cuộc chiến thương mại bằng một vũ khí khác bằng việc để đồng NDT rớt giá ở mức 7 NDT ăn 1 USD vào ngày 14 tháng 8.

Cộng hưởng sang lãi suất

Nhưng đó có phải vũ khí tối ưu không? có tác dụng phụ không? Số liệu những lần giảm giá của đồng NDT sẽ hé mở câu trả lời. Năm 2005, năm Trung Quốc quyết định thay đổi cơ chế tỷ giá cố định bằng “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát”. Đồng NDT được phép dao động 0,3%/ngày xung quanh đồng USD. Đến 2007 Trung Quốc điều chỉnh biên độ dao động hàng ngày của NDT/USD lên 0,5%. Năm 2012, biên độ này tiếp tục nới rộng lên 1%/ngày. Như vậy, ở mỗi thời kỳ, khi NDT bị điều chỉnh quá 0,3% (từ 2005), quá 0,5% (từ 2007) và quá 1% (từ 2012) mới bị coi là “biến động mạnh” (thường gọi là phá giá).

Trong 3 năm đầu tiên thực hiện, “cơ chế tỷ giá thả nổi có kiểm soát” (2005-2008) đồng NDT biến động trong biên độ cho phép. Năm 2008 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc quay trở lại định giá NDT theo USD, giữ tỷ giá 6,84 NDT/USD trong 2 năm. Từ 2014 trở đi, đồng NDT mới biến động mạnh. Cụ thể:

- Ngày 9 tháng 12 năm 2014, đồng NDT giảm xuống 6,203 NDT/USD, mức giảm giá trong phiên lớn nhất kể từ năm 2008. Sự giảm giá bắt nguồn từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2014 chỉ đạt 7,4% và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990. Sự giảm giá này khiến hàng nhập khẩu vào Trung Quốc “đắt” hơn, từ đó thúc đẩy tăng tiêu thụ hàng trong nước. tế nước này.

- Năm 2015, NDT có 2 đợt biến động mạnh. Ngày 11/5 NDT giảm 1,9% và ngày 12/5 giảm tiếp 1,6%; tỷ giá ở mức 6,33 NDT/USD, do chỉ số sản xuất PMI ở dưới ngưỡng 50 điểm (dấu hiệu suy giảm sản xuất), thấp nhất kể từ đầu năm 2014. Một đồng NDT “yếu” sẽ khắc phục dấu hiệu suy giảm nói trên.

- Tiếp đến, ngày 12 tháng 8, NDT xuống đáy 4 năm so với USD, sau khi hạ tỷ giá tham chiếu thêm 1,6%, xuống mức 6,44 NDT đổi một USD, thấp nhất từ tháng 8/2011, nhằm giảm chi phí của các hãng xuất khẩu Trung Quốc

 

- Ngày 18/11/2016, NDT giảm xuống 6,7 NDT/ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2008, nhằm giúp Trung Quốc tăng thêm nguồn dự trữ ngoại hối

Dữ liệu lịch sử biến động của đồng NDT cho thấy, chúng chủ yếu được sử dụng làm công cụ để điều chỉnh những vấn đề nội tại của nền kinh tế, hoặc tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Chỉ đến khi thương chiến Mỹ -Trung bùng nổ, sự mất giá của NDT mới có ý nghĩa như một thứ vũ khí đối mặt với một đối thủ cụ thể là Mỹ. Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, 1 USD đổi 6,8632 NDT, nhằm giúp doanh nghiệp Trung Quốc chống đỡ tốt hơn khi Mỹ áp thuế 25% lên 300 tỷ hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Và ngày 5/8/2019, lần đầu tiên đồng NDT biến động vượt ngưỡng 2%, bắt nguồn từ việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp thuế 10% lên 300 tỷ hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc, tỉ giá đồng NDT so với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm, ở mức 7 nhân dân tệ ăn 1 USD.

Mặc dù vậy, Trung Quốc không dám mạo hiểm tiếp tục sử dụng công cụ này. Đồng NDT yếu, giới nhà giàu Trung Quốc sẽ ôm tiền ra nước ngoài vì lo sợ tài sản riêng của họ tự nhiên mất giá. Nhà đầu tư trong nước sẽ bỏ NDT ra mua vàng, mua USD tích trữ, thay vì đầu tư vào kinh doanh. Và nhất là sẽ bị liệt vào nước thao túng tiền tệ.

Vì vậy, để giảm áp lực từ cuộc thương chiến, Trung Quốc lại chuyển làn sang lãi suất. Ngày 17/08 vừa qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) vừa công bố một cải cách về lãi suất để giảm chi phí đi vay của các công ty và hỗ trợ nền kinh tế. Trên thực tế, lãi suất trên thị trường tiền tệ của Trung Quốc đã giảm nhanh hơn trong những tháng gần đây khi PBOC liên tục bơm tiền vào thị trường.

Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc cắt giảm lãi suất đã lan rộng ra nhiều nước trên thế giới. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, nếu loại trừ mức giảm lãi suất đột biến 4,25% của Thổ Nhĩ Kỳ, các quốc gia khác đã có chu kỳ cắt giảm lãi suất chính sách đáng kể như Ấn Ðộ (-110bp - tức giảm hơn một nửa so với lãi suất ban đầu), Nga (-50bp), Braxin (-50bp), Chi-lê (-50bp), Hàn Quốc (-25bp), Nam Phi (-25bp). Ở Đông Nam Á đã có 4 nước vào cuộc: Indonesia (-25bp), Malaysia (-25bp), và Thái Lan (-25bp). Philippines (-75bp).

 

Áp lực mạnh mẽ

Từ “đốm lửa” thương chiến chuyển làn sang hạ giá đồng nội tệ, lan sang lãi suất đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới. Hiện lãi suất trái phiếu chính phủ của nhiều nước đã giảm sâu. Ngày 18/8, lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống 1,623%; kỳ hạn 30 năm cũng xuống thấp kỷ lục là 2,015%. Ở châu Âu cũng đồng loạt giảm, trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức xuống đáy mới - 0,65%, tại Anh lãi suất trái phiếu giữa kỳ hạn 2 năm và 10 năm cũng đảo chiều giảm sâu… Hiện tượng bất thường này phản ứng lại những bất ổn như chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, căng thẳng Nhật- Hàn, nguy cơ khủng hoảng tài chính Argentina…., các nhà đầu tư đổ xô tìm kiếm các loại tài sản an toàn, như trái phiếu dài hạn của các Chính phủ, làm cho trái phiếu tăng giá và lãi suất giảm.

Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy nguy cơ kinh tế suy giảm. Đầu tháng 8, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 từ 3,3% xuống còn 3,0%; WB cũng hạ mức tăng trưởng xuống 2,6% so với 2,9% dự báo đầu năm. Tương tự, OECD và nhiều ngân hàng như HSBC, PJ Morgan, BNP Paribas… đều hạ dự báo tăng trưởng.

Đối với Việt Nam, kể từ khi “đốm lửa” thương chiến bùng nổ, đã gây nên những thách thức, áp lực không nhỏ. Có 3 nước xuất khẩu sợi lớn nhất vào Trung Quốc hiện nay là Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan. Nhưng Việt Nam phải nhập khẩu 60% nguyên liệu từ Mỹ để sản xuất ra sợi; trong khi Ấn Độ và Pakistan tự chủ hoàn toàn và 1 phần nguồn nguyên liệu bông. Hai nước cũng chủ động phá giá đồng tiền của họ, từ 4,5% đến 5,5%, cao hơn nhiều so với 0,1% của Việt Nam. Nên lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ và Pakistan đang chiếm thế thượng phong.

Cao su cũng tương tự, một số sản phẩm cao su xuất khẩu nước ta trùng với một số mặt hàng mà Trung Quốc cũng đang xuất khẩu đi các nước, như lốp xe, phụ tùng cao su. Nên khi Trung Quốc phá giá đồng NDT xuống 7 NDT ăn 1 USD, hàng xuất từ Việt Nam sẽ gặp khó khăn do đắt hơn.

Tính đến nay, VND là đồng tiền ổn định nhất trong khu vực châu Á khi mất giá chỉ khoảng 0,1% so với cuối năm 2018, do các yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân thương mại thặng dư 1,8 tỷ USD. Cộng với lượng FDI giải ngân tăng 7,1% đã góp phần nâng tổng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên mức kỷ lục là 68 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ dồi dào sẽ hỗ trợ phần nào trong việc ổn định giá trị tiền tệ của Việt Nam.

Bên cạnh giữ ổn định giá trị đồng nội tệ, chúng ta cũng thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. Cuối tháng 7, NHNN bất ngờ giảm lãi suất tín phiếu xuống 2,75% sau hơn bốn tháng giữ ổn định ở mức 3%. Từ đó, trên thị trường liên ngân hàng, thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng cũng cắt giảm.

Nhưng xu hướng đứng vững của VND không phải bất biến, bởi dự trữ ngoại tệ ở mức cao hiện nay cũng chỉ mang tính chất tạm thời (khoảng hơn 3 tháng nhập khẩu). Trong dài hạn, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc bằng kịch bản tăng thuế từ 10% lên 25% đối với toàn bộ giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thì dù không chủ động phá giá NDT, Trung Quốc sẽ phải tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc hạ lãi suất, bơm ròng tiền vào thị trường; và cuối cùng, bằng đường này hay đường khác, chúng sẽ phản ánh vào tỷ giá, nên viễn cảnh 7,3-7,5 NDT ăn 1 USD có thể xảy ra. Hơn thế nữa, thương chiến Mỹ - Trung là một cuộc đối đầu chiến lược toàn diện, lâu dài, từ chiến tranh thương mại hàng hóa sang hạ giá đồng nội tệ, từ hạ giá đồng nội tệ sang nới lỏng định lượng tiền tệ, nên sẽ gây áp lực rất mạnh lên lạm phát, lãi suất và tỷ giá ở nước ta  

Vân Đồn