Nhận dạng xung đột để phát triển hài hòa thương mại trong nước

Đây là mục đích của Hội thảo tham vấn về “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2035” được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) với sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát tr

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển thương mại quốc tế thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam cũng cần chú trọng phát triển thị trường trong nước. Để thực hiện điều này, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển thương mại trong nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số quyết định phê duyệt các đề án có tính dài hạn nhằm phát triển thương mại trong nước trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh và phát triển thị trường trong nước một cách bền vững.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước: Dự thảo chiến lược là bước kế tiếp trong tổng thể quá trình phát triển thương mại trong nước của Việt Nam

Phát biểu tại Hội thảo, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, bản Dự thảo chiến lược là bước kế tiếp một cách liên tục và thống nhất trong tổng thể quá trình phát triển thương mại trong nước của Việt Nam từ trước đến nay, với mục tiêu tiếp tục đề xuất các giải pháp phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến 2025, tầm nhìn đến 2035.Chiến lược này cũng làm rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội trong quản lý, xây dựng và phát triển hệ thống phân phối đảm bảo nâng cao vai trò, vị thế của các doanh nghiệp trong nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại trong nước cũng cần phù hợp với các nội dung cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới và các hiệp định thương mại song phương, đa phương khác mà Việt Nam đã và đang ký kết liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bao gồm bán buôn, bán lẻ, đại lý và nhượng quyền thương mại.

Vụ Thị trường trong nước cho biết, giai đoạn 2006 - 2015, thương mại trong nước đã có tốc độ phát triển nhanh, liên tục, trong đó thương mại bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 2 con số từ 596,2 nghìn tỷ đồng năm 2005 lên 3.186,67 nghìn tỷ đồng năm 2015; đóng góp trên 10% trong tổng sản phẩm quốc nội; hạ tầng thương mại nhanh chóng được cải thiện, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại… Thương mại trong nước cũng đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng, tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thương mại trong nước đã bắt đầu có những xung đột.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Kênh bán lẻ phát triển mạnh, hiện đại là chiến lược tại Việt Nam

Nói về vấn đề một số rào cản khi tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho hay, rào cản khi tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại là những yếu tố ngăn cản hoặc kìm hãm các doanh nghiệp (mặt bằng bán lẻ, nguồn lao động, vốn, cơ sở hạ tầng..), tham gia vào một ngành riêng biệt nào đó. Kênh bán lẻ hiện đại nằm trong phân phối bán lẻ. Kênh bán lẻ phát triển mạnh, hiện đại là chiến lược tại Việt Nam.

PGS. TS Hoàng Thọ Xuân nhấn mạnh: Việc hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tới phân phối là yếu tố tối quan trọng

Để thương mại trong nước phát triển một cách bền vững, PGS. TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng cường toàn diện (GIG) nhấn mạnh: Việc hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất tới phân phối là yếu tố tối quan trọng, không chỉ giúp ổn định thị trường mà có thể kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm. Muốn làm được điều này, thay vì đầu tư dàn trải, Nhà nước nên khuyến khích, đầu tư cho doanh nghiệp hạt nhân đứng ra làm trung tâm cung ứng vật tư - sản xuất - phân phối. Cùng đó, cần liên kết các hộ kinh doanh, bán lẻ thành chuỗi cửa hàng tiện lợi mới có thể phát triển bền vững.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Cần có giải pháp phát triển đối với từng loại hình thương mại

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội phân tích: Thời gian qua thương mại trong nước còn hạn chế, có chính sách chưa theo kịp tiến trình hội nhập. Trên địa bàn Hà Nội, các loại hình thương mại cũng chưa đồng đều, thương mại hiện đại tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành, ở ngoại thành loại hình thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thậm chí có huyện không có siêu thị nào. Theo đó, cần có giải pháp phát triển đối với từng loại hình thương mại; giải pháp thu hút phát triển cũng như quản lý hiệu quả những loại hình thương mại mới, trào lưu mới.

Theo ông Võ Văn Quyền, “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” dự kiến đề cập và tập trung giải quyết các vấn đề về tổ chức kênh phân phối truyền thống và hiện đại; về loại hình, phương thức kinh doanh; kết cấu hạ tầng thương mại; các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phù hợp với tính chất, đặc điểm của thị trường theo ngành hàng, khu vực thành thị và nông thôn; giữa mở cửa thị trường và bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại: Viện Nghiên cứu Thương mại ủng hộ việc hoạch định chiến lược của Vụ thị trường trong nước và mong muốn chiến lược này sớm được Chính phủ ban hành

Tham luận tại Hội thảo ông Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, mặc dù thương mại trong nước có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng đến nay vẫn chưa có chiến lược phát triển.Vì vậy, với tư cách là cơ quan nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển thương mại, Viện Nghiên cứu Thương mại ủng hộ việc hoạch định chiến lược của Vụ thị trường trong nước và mong muốn chiến lược này sớm được Chính phủ ban hành.

“Bản dự thảo lần 3 đề cương “Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035” đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về kết cấu, nội dung của một bản chiến lược”, ông Minh chia sẻ.

Ông Phạm Nguyên Minh cho rằng cần bổ sung các vấn đề đặt ra cho thương mại trong nước trong quá trình phát triển thương mại hóa, hiện đại hóa hiện nay nhất là yêu cầu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Đặc biệt lưu ý việc xây dựng chuỗi cung ứng hàng xuất khẩu và vấn đề lưu thông, phân phối hàng hóa nhập khẩu trên thị trường trường trong nước và phát triển thương mại trong nước với mục tiêu phát triển bền vững với 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Phạm Nguyên Minh cũng thẳng thắn chỉ ra nội dung định hướng chiến lược trong dự thảo dù đã đề cập đến định hướng phát triển thương mại trong nước theo loại hình, không gian, thành phần kinh tế và mô hình tổ chức lưu thông.Tuy nhiên, cần thể hiện rõ mức độ ưu tiên phát triển để tạo điểm nhấn trong mỗi định hướng phát triển này. Mặt khác, các nội dung định hướng chiến lược nên bám sát và phù hợp với kiểu chiến lược đã được lựa chọn.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên phân nhóm giải pháp thực hiện chiến lược như trong dự thảo mà nên phân nhóm giải pháp đảm bảo huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.

Sau Hội thảo, các thành viên của nhóm soạn thảo chiến lược sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp vào bản chiến lược tổng thể để trình lên Thủ tướng phê duyệt vào cuối năm nay.