Nhật Bản thoát khỏi suy thoái kinh tế bất chấp xuất khẩu sụt giảm mạnh

Tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của Nhật Bản đạt 0,4%, cao hơn dự báo của giới phân tích cũng như mức tăng trưởng âm của 2 quý liên tiếp trong nửa cuối năm 2022.
Kinh tế Nhật Bản thoát khỏi suy thoái
Đà tăng trưởng kinh tế tích cực của Nhật Bản trong quý 1/2023 chủ yếu nhờ chi tiêu cá nhân và chi tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh trở lại sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19. (Ảnh: BBC)

Dữ liệu mới được Văn phòng Nội các Chính phủ Nhật Bản công bố cho thấy tăng trưởng theo quý của Nhật Bản trong quý 1/2023 đạt 0,4%, cao hơn so với mức dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.

Trong khi đó, mức tăng trưởng theo quý trong quý 4/2022 của Nhật Bản được điều chỉnh từ tăng 0,1% xuống thành âm 0,1%; mức tăng trưởng theo quý trong quý 3/2022 tiếp tục được giữ nguyên tại mức âm 1%. Như vậy, Nhật Bản đã rơi vào suy thoái kỹ thuật (2 quý liên tiếp ghi nhận tăng trưởng âm) trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do hoạt động xuất khẩu và sản xuất đều sụt giảm.

Giới phân tích nhận định động lực tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong quý 1/2023 chủ yếu nhờ việc tiêu dùng cá nhân tăng trở lại và các doanh nghiệp Nhật Bản bất ngờ gia tăng mạnh việc chi tiêu, kết hợp cùng với việc giá hàng hoá nguyên liệu giảm xuống giúp nền kinh tế Nhật Bản giảm chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Nhật Bản đang bị kìm hãm khi hoạt động xuất khẩu của nước này chưa phục hồi trở lại trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục ở mức yếu.

Theo thống kê, chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản, vốn đóng góp hơn 50% tăng trưởng GDP, trong quý 1/2023 đã tăng 0,6% so với quý 4/2022. Các khoản đầu tư kinh doanh cũng cao hơn dự kiến đến 0,9%. Sự phục hồi trong tiêu dùng chủ yếu đến từ việc Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 và sự quay trở lại của khách du lịch nước ngoài khi Nhật Bản đã hạ cấp Covid-19 xuống mức tương tự như bệnh cúm theo mùa.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong quý 1/2023 giảm tới 4,2% so với quý 4/2022, đánh dấu quý giảm đầu tiên trong 6 quý gần nhất, chủ yếu do thị trường chất bán dẫn trên toàn cầu sụt giảm.

Bộ trưởng Bộ kinh tế Nhật Bản Shigeyuki Goto dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng thấp nhưng Nhật Bản cũng cần chú ý đến những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ông Yoshiki Shinke, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life (Nhật Bản), những số liệu này có thể giúp Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đưa ra các chính sách tiền tệ phù hợp hơn trong thời gian tới trong bối cảnh cơ quan này đang đối mặt với áp lực ngưng các biện pháp nới lỏng tiền tệ quy mô lớn nếu giá cả hàng hoá tại Nhật Bản tiếp tục tăng với tốc độ cao nhất trong 40 năm trở lại đây.

Trước đó, vào đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng quyết định duy trì việc mua vào không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm nhằm bảo vệ mức trần lợi suất trái phiếu ở mức 0,5%. Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã được Nhật Bản áp dụng trong gần một thập kỷ qua, chủ yếu do nước này đối mặt với tình trạng giảm phát.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu lỏng, trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

Mặc dù chính sách tiền tệ siêu nới lỏng giúp thúc đẩy nền kinh tế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng chính sách này đang khiến đồng Yên Nhật mất giá quá mức và làm méo mó thị trường trái phiếu nước này.

Minh Quân