Tại các Hội nghị Bộ trưởng Tài chính diễn ra bên lề Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda phát đi thông điệp rõ ràng rằng Nhật Bản sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng với mức lãi suất cực thấp, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Ông Kazuo Ueda cho biết: "Tại nhiều nước, lạm phát đang ở mức rất cao hoặc hạ nhiệt chưa đủ. Những điều quan trọng là tình hình ở Nhật Bản lại khá khác biệt”.
Giải thích cho định duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng ở thời điểm này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cho biết mặc dù lạm phát của Nhật Bản đang ở mức cao, khoảng 3%, nhưng mức lạm phát này không bền vững và có thể giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% trong năm nay khi chi phí nhập khẩu giảm.
Lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua chủ yếu do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng và xu hướng đồng Yên Nhật mất giá đáng kể so với đồng USD khi Hoa Kỳ và Nhật Bản có chính sách tiền tệ ngược chiều nhau.
Vào ngày 27-28/4 tới đây, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ công bố các dự báo hàng quý mới về lạm phát và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Qua đó, thị trường có thể nhận định rõ hơn về định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới của Nhật Bản.
Trước đó, vào đầu tháng 3 năm nay, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức - 0,1% và lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng quyết định duy trì việc mua vào không giới hạn JGB kỳ hạn 10 năm nhằm bảo vệ mức trần lợi suất trái phiếu ở mức 0,5%. Chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã được Nhật Bản áp dụng trong gần một thập kỷ qua, chủ yếu do nước này đối mặt với tình trạng giảm phát.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hiện là một trong số ít các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện vẫn giữ chính sách lãi suất siêu lỏng, trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương đều nâng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát và theo kịp tốc độ nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).
Mặc dù chính sách tiền tệ siêu nới lỏng giúp thúc đẩy nền kinh tế nhưng nhiều chuyên gia kinh tế Nhật Bản cho rằng chính sách này đang khiến đồng Yên Nhật mất giá quá mức và làm méo mó thị trường trái phiếu nước này.
Hồi tháng 10/2022, đã có lúc đồng Yên Nhật mất giá kỷ lục so với đồng USD, chạm mức thấp nhất 33 năm khiến Ngân hàng Trung ương Nhật bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ với việc chi 2.800 tỷ Yên (18,81 tỷ USD) để mua đồng Yên vào. Đây là động thái can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 1998.