Bộ Tài chính Nhật Bản vừa quyết định can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ nước này khi đồng Yên Nhật mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 145 Yên Nhật đổi 1 USD khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất âm bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã mạnh tay nâng lãi suất điều hành thêm 75 điểm phần trăm lần thứ ba liên tiếp.
Hành động can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản đã giúp kéo tỷ giá giữa đồng Yên Nhật với đồng USD tăng tới 2,3%, về mức 140,3 Yên Nhật đổi 1 USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 – thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á, Chính phủ Nhật Bản quyết định kéo giá đồng nội tệ lên.
Tính từ đầu năm đến nay, đồng Yên Nhật đã giảm tới 20% so với đồng USD, chủ yếu do chính sách tiền tệ giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản ngược chiều nhau. Trong khi FED liên tục siết chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát thì BOJ lại giữ lãi suất cơ bản ở mức âm nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Hiện Nhật Bản đang là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới còn giữ lãi suất âm, sau khi Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sĩ vừa nâng lãi suất thêm 75 điểm phần trăm, chính thức chấm dứt quãng thời gian kéo dài nhiều năm giữ lãi suất âm với mục đích kiềm chế sự tăng giá của đồng Franc Thuỵ Sĩ.
Sự chênh lệch về lãi suất đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm liên tục bán khống đồng Yên Nhật trong thời gian qua. Khi trao đổi với giới báo chí về vấn đề tỷ giá của đồng Yên Nhật, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản ông Masato Kanda nhấn mạnh “Trên thị trường ngoại hối đang có diễn biến một chiều và rất nhanh, theo hướng đầu cơ. Chính phủ Nhật Bản lo ngại về các biến động quá lớn này và đã có động thái kiên quyết.”
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki từ chối tiết lộ Chính phủ Nhật Bản đã chi bao nhiêu tiền đề mua vào đồng Yên và liệu các quốc gia khác có đồng tình với hành động này này hay không.
Bất chấp động thái can thiệp của Chính phủ Nhật Bản, giới phân tích nghi ngờ rằng hành động hiện nay chỉ có tác dụng làm chậm đà giảm của đồng Yên Nhật. Ông Christopher Wong – chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng OCBC (Singapore) nhận định “Hành động can thiệp của Nhật Bản là không đủ để thay đổi xu hướng biến động của đồng Yên Nhật, trừ khi đồng USD xuống giá và lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ giảm, hoặc BOJ thay đổi chính sách tiền tệ.”
BOJ hiện cho biết không có ý định nâng lãi suất trong tương lai gần. Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết BOJ có thể trì hãn việc tăng lãi suất hoặc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng trong nhiều năm.
“Hoàn toàn không có bất kỳ sự thay đổi nào trong lập trường của chúng tôi về duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi sẽ tiếp tục không tăng lãi suất trong một thời gian nữa”, ông Haruhiko Kuroda nhấn mạnh.
Do BOJ đã loại trừ khả năng sớm tăng lãi suất, can thiệp vào thị trường ngoại hối là biện pháp mạnh nhất và cũng là biện pháp cuối cùng mà Nhật Bản có được để chặn đà lao dốc của đồng Yên.
Xu hướng mất giá quá nhanh của đồng Yên đang gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp và cuộc sống của người dân Nhật Bản, khi làm cho chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng cao, đẩy chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa tăng theo. Đặc biệt, đối với một quốc gia nhập khẩu năng lượng ròng như Nhật Bản, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao đã và đang cản trở đà phục hồi kinh tế của nước này.