Nhật Bản thông qua dự luật phê chuẩn hiệp định RCEP

Trong ngày 24/2, Chính phủ Nhật Bản thông báo đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà nước này đã ký với 14 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương hồi tháng 11/2020.
Thủ tướng Nhật Bản

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (trái) và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama trong lễ ký hiệp định RCEP trực tuyến vào ngày 15/11/2020 (Ảnh: Kyodo)

Dự kiến dự luật này sẽ được Chính phủ Nhật Bản đệ trình lên Quốc hội nước này để thông qua trong kỳ họp hiện nay. Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama nhận định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ là “nền tảng cho hoạt động thương mại ở châu Á” và bày tỏ hy vọng Quốc hội Nhật Bản sẽ sớm thông qua dự luật để thực hiện RCEP.

RCEP là Hiệp định thương mại đa phương đầu tiên có sự tham gia của Nhật Bản và hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này ở Châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc. Tiến trình đàm phán hiệp định thương mại giữa ba quốc gia này hiện vẫn đang diễn ra. Các chuyên gia kinh tế nhận định RCEP có thể tạo ra “cú hích mới” góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế trì trệ của Nhật Bản.

Giới quan sát cũng nhận định một lý do để Nhật Bản thúc đẩy thực hiện RCEP là hiệp định này  góp phần củng cố vai trò và vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế với tư cách quốc gia đi đầu trong tự do hóa thương mại ở thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở không ít nền kinh tế lớn trên thế giới.

Với sự tham gia của 15 thành viên gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, RCEP sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, hiệp định thương mại tư do này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới.

RCEP sẽ giúp loại bỏ 91% thuế hàng hóa và hình thành các quy tắc chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử giữa các thành viên trong hiệp định. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi các chuỗi cung ứng trong khu vực và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng đó cho doanh nghiệp. Theo quy định, RCEP sẽ có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 nước thành viên khối ASEAN và 3 nước khác phê chuẩn.

Khi RCEP có hiệu lực, Nhật Bản sẽ xóa bỏ 61% thuế đối với nông sản nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc, nhưng vẫn giữ nguyên thuế đối với 5 nhóm hàng, gồm gạo, lúa mỳ, các sản phẩm sữa, đường, thịt lợn và thịt bò nhằm bảo vệ nông dân trong nước. Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ cắt giảm 91,5% thuế đối với các hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản.

Các nước tham gia ký kết RCEP hiện đồng ý cho phép Ấn Độ có thể quay lại tham gia hiệp định này mặc dù Ấn Độ đã rút khỏi tiến trình đàm phán về RCEP từ tháng 11/2019. Ấn Độ sẽ không bị áp dụng quy tắc cấm kết nạp thêm thành viên mới trong 18 tháng sau khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực.

Quang Đặng