Hệ sinh thái kinh doanh liên tục phát triển, theo đó, các Công ty đang ngày càng chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình thông qua các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến. Đã qua rồi cái thời chỉ thử nghiệm và tranh luận về ảnh hưởng của chuyển đổi kỹ thuật số và công nghiệp 4.0, đã đến lúc cần phải có những bước hành động bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…, nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp, khả năng tương tác đối với hiệu quả hoạt động và có tác động tích cực đáng kể để cải thiện hiệu suất kinh doanh của Công ty.
Trước diễn biến của dịch bệnh do virus corona (COVID-19) gây ra, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) đã phải đối mặt với không ít khó khăn, khi vừa phải đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải đảm bảo sức khỏe cho CBCNV. Đây vừa là thách thức và vừa tạo cơ hội thúc đẩy, tạo ra sự đột phá chuyển đổi số trong Công ty.
Dựa trên kế hoạch chuyển đổi số của Tập đoàn và của Tổng Công ty, nhằm đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng công tác chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các lĩnh vực kỹ thuật – sản xuất, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ và công nghệ thông tin.
Việc này đã đáp ứng được các nhu cầu quản trị, kiểm soát hoạt động, tối ưu hóa nguồn lực qua việc nắm rõ vị trí việc làm, hiệu quả hoạt động để mang lại hiệu suất tối ưu, triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo không bị động, không gián đoạn trong các hoạt động điều hành sản xuất và kinh doanh.
Thời gian qua, Công ty đã ứng dụng nhiều phần mềm dùng chung của Tập đoàn vào hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh như: Hệ thống quản lý tài chính - vật tư (ERP); Hệ thống Quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS); Hệ thống Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS); Hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu đo đếm (MDMS); Hệ thống quản lý nhân sự (HRMS); Hệ thống quản lý văn bản, luồng công việc (E-Office); Hệ thống trang Web đấu thầu điện tử ngành điện; Chương trình đào tạo trực tuyến E-Learning; Nhật ký vận hành điện tử; Hệ thống kiểm kê vật tư; Hệ thống phần mềm quản lý an toàn,….
Bên cạnh đó, Công ty còn sử dụng các ứng dụng ngoài Tập đoàn như: KPI, chữ ký số, đấu thầu qua mạng trên hệ thống đấu thầu điện tử quốc gia,… Thời gian qua, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Công ty đã triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất, cách ly, ăn nghỉ tại chỗ) cho 01 bộ phận CBCNV và 01 bộ phận làm việc tại nhà nên việc ứng dụng các phương tiện và phần mềm như: Điện thoại, thư điện tử, văn phòng điện tử (hay còn gọi là E-Office),... giúp nhân viên trao đổi thông tin, sắp xếp, quản lý, tiếp nhận xử lý hồ sơ công việc, khởi tạo và quản lý văn bản tài liệu, công văn, báo cáo.
Ngoài ra, các phương tiện và phần mềm này còn giúp Ban lãnh đạo Công y cũng như cán bộ quản lý các cấp trong Công ty có thể giao việc, tiếp nhận hồ sơ thông tin, giải quyết các vấn đề cấp bách và kiểm soát quản lý nhân viên dễ dàng ở mọi không gian địa lý với thiết bị hiện đại như smartphone, máy tính, Ipad,…
Hệ thống Hội nghị truyền hình tại Công ty đảm bảo vận hành an toàn, ổn định phục vụ các cuộc họp trong Tập đoàn, Tổng Công ty và các buổi hội thảo, đào tạo,… Công ty đã triển khai giải pháp họp giao ban trực tuyến bằng phần mềm trực tuyến.
Việc ứng dụng giải pháp họp trực tuyến vào Công ty đã đạt chất lượng và hiệu quả cao nhưng vẫn đảm bảo tối ưu về mặt chi phí. Có thể thấy đó là những tác động tích cực cho việc chuyển đổi số của Công ty trong thời gian bị tác động xấu bởi đại dịch COVID-19.
Trong Công tác quản lý kỹ thuật, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa, phần lớn các tổ máy có hệ thống điều khiển đều được nâng cấp lên các phiên bản cao hơn. Công ty đã đưa các máy tính HMI về nhà Điều hành Trung tâm để tập trung điều khiển các tổ máy; trạm biến áp 110 kV & 220 kV đã thực hiện thao tác từ xa thông qua Remote HMI với các giải pháp đảm bảo an ninh thông tin được trang bị đồng bộ và vận hành theo tiêu chí trạm không người trực từ xa.
Công ty đã và đang thực hiện lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu, giám sát và phân tích tình trạng phóng điện cục bộ các máy phát, hệ thống chẩn đoán máy biến áp online; các relay bảo vệ máy phát và máy biến thế sang dùng loại relay kỹ thuật số để ghi nhận được sự kiện phục vụ cho công tác phân tích sự cố theo yêu cầu. Phần mềm nhật ký vận hành để lưu trữ thông số vận hành thay cho việc lưu trữ bằng sổ sách.
Công ty đã trang bị cho người lao động các thiết công nghệ theo dõi thông số, trạng thái vận hành liên tục như độ rung, nhiệt độ, áp suất,... của các thiết bị chính, triển khai lắp đặt các transmitter chuyển đổi một số tín hiệu tại chỗ lên hiển thị tại HMI để giám sát, áp dụng sửa chữa bảo dưỡng theo RCM cho tổ máy. Công ty ứng dụng phần mềm PMIS hỗ trợ quản lý dữ liệu về lý lịch, tình trạng thiết bị, quá trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm định kỳ,…
Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ chuyển đổi số để tiếp tục tồn tại và phát triển. Để nâng cao hiệu quả sử dụng, Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới theo định hướng và kế hoạch của Tập đoàn, của Tổng Công ty.
Nhìn chung, Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa đã không ngừng nỗ lực, triển khai thực hiện tốt nhiều giải pháp, để đáp ứng được nhu cầu sử dụng, bước đầu đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Trước, trong và sau đại dịch, chuyển đổi số trong Công ty còn góp phần gia tăng năng suất lao động, hoàn thành được các kế hoạch sản xuất kinh doanh, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2021 cũng như đạt được nhiều thành công và tăng trưởng trong tương lai, góp phần nâng cao đời sống cho CBCNV và hoàn thành nhiệm vụ của Tập đoàn giao về sản xuất cung cấp điện cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.