Nhiều công nghệ mới tại Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2022

SaigonTex & SaigonFabric là cơ hội giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới.

Sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt may - thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex & SaigonFabric 2022) đã chính thức trở lại từ ngày 27 - 30/7/2022. Triển lãm thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan chỉ trong ngày đầu tiên khai mạc. 

Triển lãm do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI HCM) phối hợp cùng nhiều hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức.

Đây là sự kiện quốc tế lớn nhất và có ưu thế nhất về ngành dệt may được tổ chức lại kể từ năm 2012, đạt tiêu chuẩn UFI (Hiệp hội toàn cầu về ngành triển lãm) tại Việt Nam trong những năm qua.

Triển lãm năm nay có quy mô diện tích gian hàng lên đến gần 10.000m2, với hơn 278 đơn vị đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như: Trung Quốc, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Pakistan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), triển lãm là cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiếp cận với những thế hệ công nghệ tiên tiến nhất, thiết bị hiện đại nhất, từ đó có thể xác định định hướng đầu tư trong thời gian tới. Điểm mới của triển lãm năm nay là tập trung vào các loại máy may công nghiệp chất lượng cao, hệ thống công nghệ tự động hóa cao, cung cấp các giải pháp kỹ thuật số cho ngành may mặc.

Các sản phẩm máy móc được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm đều là những công nghệ mới, tiên tiến nhất trên thế giới; nguyên phụ liệu cũng đa dạng từ phụ kiện may mặc, vải, cho tới các nguyên phụ liệu khác.

Chuỗi triển lãm được phân chia thành nhiều khu vực dành cho hiệp hội, thương hiệu dệt may hàng đầu của các quốc gia như Hàn Quốc có Kosmas, Kotmi, KTTA; Đài Loan (TTF, TAMI), Hoa Kỳ (Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ - CCI), Việt Nam (VITAS, VINATEX, AGTEK)… Còn cộng đồng doanh nghiệp mang đến chuỗi triển lãm hàng loạt thiết bị, nguyên phụ liệu, công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay cho thị trường dệt may Việt Nam.

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của đất nước. Bộ Công thương luôn coi dệt may là một ngành quan trọng, không chỉ đóng vai trò là ngành sản xuất công nghiệp mang lại giá trị xuất khẩu cao, đứng thứ ba cả nước, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ổn định an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động với thu nhập cao hơn từ 2-3 lần so với lao động nông nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Hoàng Tài

Thanh Xuân